Sau Tết, giá xăng liên tục tăng cao, gia đình chị Dung quyết định mua 1 chiếc xe điện để di chuyển trong phạm vi gần, nhằm giảm áp lực chi phí.
“Sáng em chạy tới cây xăng, mạnh miệng kêu ‘anh đổ cho em đầy bình’. Lúc trả tiền hết 110.000 đồng, em xanh mặt luôn. Chiếc xe của em là xe wave cùi bắp thôi đó”, Minh Kha, một shipper ở TP.HCM trò chuyện cùng các đồng nghiệp.
Không chỉ các nhân viên giao hàng, nhiều người dân ở TP.HCM cũng bày tỏ sự lo lắng khi chi phí sinh hoạt “đội” lên do ảnh hưởng từ việc giá xăng, dầu tăng cao.
Thay đổi phương tiện
15h ngày 1/3, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo đó, giá xăng RON 95 tại kỳ điều chỉnh lần này đã tăng 550 đồng/lít, lên mức 26.830 đồng mỗi lít; xăng E5 RON 92 tăng 540 đồng/lít, lên mức 26.070 đồng mỗi lít.
Đây là lần thứ 6, giá xăng tăng liên tiếp và lên mức cao nhất lịch sử từ năm 2005 đến nay.
Chị Đàm Dung (45 tuổi, ngụ tại hẻm 89B Hàm Nghi, quận 1) cho biết từ sau Tết, chi phí sinh hoạt của gia đình tăng cao vì ảnh hưởng của giá xăng.
Chị Dung mua chiếc xe điện với giá gần 12 triệu đồng để di chuyển những đoạn đường ngắn, trước tình trạng xăng tăng giá. Ảnh: Nguyễn Toàn.
Nhằm giảm thiểu chi phí đi lại, vợ chồng chị Dung đã thống nhất mua một chiếc xe điện để di chuyển cự ly gần, như đi chợ, đưa đón con đi học…
“Chiếc xe điện nhỏ gọn, đi lại cũng thuận tiện, mà còn tiết kiệm được tiền xăng, nên tôi quyết định mua một chiếc”, chị Dung nói. Người phụ nữ này cho biết nhiều bạn bè của chị cũng đã mua xe điện để thay thế cho xe gắn máy trước bối cảnh giá xăng chưa có dấu hiệu sẽ giảm.
Vật giá leo thang
Ngoài áp lực chi phí đi lại, chị Dung cho biết giá xăng tăng còn kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng. Kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, người phụ nữ 45 tuổi cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Theo chị Dung, giá các nguyên liệu như cà phê, cam, chanh…đều tăng kể từ sau Tết Nguyên Đán.
“Nguyên liệu tăng nhưng tôi không tăng giá bán. Ly cà phê bình thường tôi bán 20.000 đồng thì giờ vẫn bán y giá đó. Nói chung mình cùng san sẻ với khách, họ đi làm lương cũng đâu có được tăng”, chị Dung bày tỏ.
Đồng quan điểm với chị Dung, anh Nguyễn Nam (43 tuổi), chủ tiệm sửa xe gắn máy trên đường 11, quận Phú Nhuận, cho biết thời gian gần đây giá thành các mặt hàng phụ tùng xe máy tăng cao. Bản thân anh cũng gặp khó khăn khi chia sẻ vấn đề giá cả với khách hàng.
Anh Nam dự tính mở thêm dịch vụ sửa chữa xe điện cho khách trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Toàn.
“Phụ tùng trong nước tăng khoảng 15%, còn phụ tùng nhập ngoại tăng hơn 20%, mà còn phải đợi vì hàng khan hiếm. Mỗi lần báo giá cho khách, ai cũng nhăn mặt, nhưng mà đây là tình hình chung nên mọi người cũng chia sẻ”, anh Nam nói.
Nhiều khách hàng của cửa tiệm bắt đầu chuyển sang chạy xe điện. Vì vậy, trong thời gian tới anh sẽ mở thêm dịch vụ sửa chữa xe điện để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Lương không tăng
Ngồi đợi nhiều giờ đồng hồ trên vỉa hè đường Phan Xích Long (quận Bình Thạnh), anh Nguyễn Thanh Sơn (40 tuổi) cùng nhiều shipper bày tỏ sự lo ngại khi giá xăng liên tục tăng, trong khi công việc ngày một khó khăn.
“Trước đây, đi làm mỗi ngày tốn khoảng dưới 100.000 tiền xăng. Còn bây giờ mỗi ngày phải bỏ ra 120.000-130.000 đồng/ngày. Xăng tăng giá, nhưng cước vận chuyển vẫn giữ nguyên, mình không chạy thì người khác chạy”, anh Sơn thở dài.
Theo shipper này chia sẻ, một số quán ăn dù tăng giá với khách, nhưng không tăng giá với tài xế. Việc này phần nào giảm tải áp lực sinh hoạt phí trong ngày của các người giao hàng. Tuy nhiên, gánh nặng về chi phí sinh hoạt gia đình vẫn khiến họ chật vật.
Công việc giao hàng của anh Sơn bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc xăng tăng giá. Ảnh: Nguyễn Toàn.
Anh Sơn có 2 người con, đều đang tuổi đi học. Ngoài chi phí sinh hoạt hàng ngày, vợ chồng anh còn phải lo các chi phí học tập cho con. Số tiền kiếm được từ công việc giao hàng chỉ đủ để chi tiêu cơ bản. Trong trường hợp phát sinh như bệnh tật, tai nạn thì phải vay mượn bên ngoài.
“Trước dịch, nếu chịu khó giao hàng thì cũng dư được khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng. Còn từ sau dịch chỉ có nợ thêm, chứ không thấy dư”, anh Sơn nói.
Kể từ sau Tết, chị Hồng Ngọc (29 tuổi) cùng nhiều đồng nghiệp kết thúc thời gian làm việc tại nhà. Họ trở lại làm việc ở công ty, đối diện với vấn đề chi phí ăn uống tăng cao đột ngột, nhiều người tìm cách tiết kiệm chi phí bằng việc tự nấu ở nhà rồi mang lên công ty.
Sau giờ làm việc chị Ngọc thường tranh thủ ghé chợ hoặc siêu thị để mua sắm nguyên liệu rồi về nấu nướng sẵn cho ngày hôm sau. Mặc dù tốn nhiều thời gian, chị Ngọc vẫn cố gắng duy trì nếp sinh hoạt này để giảm thiểu chi phí sinh hoạt.
“Đồ ăn thức uống ở hàng quán tăng cao, mà lương của mình đâu có tăng. Thôi thì thời buổi khó khăn, phải ráng thôi”, chị Ngọc trầm tư.
Theo Zing