‘Chúng ta không nên đổ lỗi cho con hay bố mẹ vì tất cả ai cũng là nạn nhân, ai cũng cần phải được chăm sóc về sức khỏe tâm thần’, TS. BS Trần Thị Hồng Thu cho hay.
Tất cả đều là nạn nhân
Hôm qua (1/4), nam sinh lớp 10 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam để lại thư tuyệt mệnh rồi nhảy từ tầng 28 xuống tự tử khiến nhiều người bàng hoàng. Theo thông tin ban đầu, gần đây nạn nhân có dấu hiệu bệnh trầm cảm.
Chia sẻ với nỗi đau với gia đình nam sinh, TS.BS Trần Thị Hồng Thu, PGĐ Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết, ở trẻ vị thành niên, vấn đề rối loạn lo âu trầm cảm khá phổ biến. Ước tính tỷ lệ này chung trong dân số là 25% thì ở trẻ vị thành niên là 20%.
Ảnh minh họa
“Với những trường hợp trẻ tự tử gần đây, không thể loại trừ bản thân các con đã có bệnh tâm thần từ trước mà gia đình không nhận biết được hoặc quá xem nhẹ”, TS. BS Hồng Thu nói.
Theo chuyên gia này, những khó khăn trong cuộc sống là điều chúng ta không thể tránh được. Áp lực là áp lực chung, có những trẻ không bị làm sao và thích nghi với điều đó. Vì thế, điều chúng ta cần làm là rèn luyện khả năng thích nghi cho tất cả mọi người, cho con trẻ thích nghi để có khả năng cân bằng lại cuộc sống. Nếu không tự cân bằng được thì đã có các dịch vụ hỗ trợ về tâm lý.
“Chúng ta không đổ lỗi cho con hay bố mẹ vì tất cả ai cũng là nạn nhân, ai cũng cần phải được chăm sóc về sức khỏe tâm thần. Vì thế, chúng ta không nên kỳ thị về sức khỏe tâm thần của mình. Nó cũng là một nửa của sức khỏe, một nửa của mình, nếu chỉ chăm sóc phần thể xác mà không chăm sóc phần hồn thì hậu quả là tất yếu”, TS. BS Hồng Thu nhấn mạnh.
Theo TS. BS Hồng Thu, bố mẹ tạo áp lực cho con học là đúng nhưng khi thấy con quá tải thì bố mẹ cần quan tâm, điều chỉnh thái độ của mình. Kỳ vọng là tốt, con cần mục tiêu cao để phấn đấu. Tuy nhiên, hoài bão mục tiêu đó phải nằm trong tầm hiểu biết, phải được thực hiện một cách thông minh, hợp lý, có kiến thức chứ không phải kỳ vọng ép con một cách vô điều kiện. Các con cũng cần tận hưởng cuộc sống.
Thực tế hiện nay, bố mẹ thường bận rộn, thường không quan tâm đến đời sống tâm lý, tâm thần của con. Vì thế trẻ cứ chịu đựng, không chia sẻ với ai và không có ai thấu hiểu dẫn tới trẻ bế tắc, tuyệt vọng. Chưa kể rất nhiều người mặc cảm quá, không chịu đi khám, biết con có vấn đề nhưng không thừa nhận để đưa đi chữa kịp thời.
Trong khi đó, nếu đi khám thì trường hợp nhẹ chỉ cần trị liệu tâm lý, điều chỉnh cho cả bố mẹ, chăm sóc tinh thần cho cả bố mẹ và bản thân trẻ, nặng thì cần dùng thuốc. Vì thế, cha mẹ hãy mạnh dạn đưa con đi khám để tốt hơn.
Đừng thành kiến bệnh lý tâm thần
TS. BS Hồng Thu nhấn mạnh, trẻ ở lứa tuổi vị thành niên có nhiều thay đổi về thể chất, tâm sinh lý, muốn khẳng định bản thân, có quan điểm riêng. Có nhiều việc bố mẹ để con tự độc lập nhiều quá cũng có thể khiến trẻ bị sang chấn. Trẻ ở độ tuổi này có nhiều quyết định bồng bột, chưa chín chắn nên bố mẹ cần tham gia góp ý cho con, để cho con tự quyết định nhưng cũng cần định hướng.
Nhiều trẻ đón nhận sự thay đổi một cách thoải mái, thấy hạnh phúc, thích thú. Những thay đổi này chỉ là nhất thời, chốc lát, tạm thời, nếu trẻ có buồn chán, cáu giận hoặc có thay đổi bất thường nhưng chỉ chỉ lúc này hay lúc khác, giận dỗi bố mẹ chỉ 1-2 ngày thì cha mẹ không nên quá lo lắng.
Tuy nhiên, nếu những xung đột, thay đổi này kéo dài hơn 2 tuần thì đó là bệnh lý, trẻ cần được thăm khám để có xử trí kịp thời. Đặc biệt, nếu thấy con không chịu giao tiếp, thu mình lại, hay cáu, ngủ kém, ăn kém, có những rối loạn dạ dày như trào ngược, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp, lo âu khó thở, có cơn hoảng loạn thì cần đặc biệt chú ý.
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh Phòng khám Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược 1 TP HCM, ở học sinh, có nhiều lý do khiến trẻ stress như học trực tuyến nhiều, ở nhà lâu ngày, thay đổi thói quen hằng ngày, cuộc sống bị đảo lộn, không có điều kiện tiếp xúc xã hội…
Vì thế, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con, không ép các em học quá nhiều hay phải đạt được thành tích, nên chia giờ nghỉ ngơi, vui chơi, thể thao hợp lý với giờ học.
Khi thấy con có những biểu hiện như ít nói so với bình thường, hay cáu gắt, ít tiếp xúc với người nhà, không ăn cơm hay có biểu hiện bất thường thì phải gặp riêng, chia sẻ, tìm hiểu lý do thái độ của con thay đổi.
Nếu không thể giải tỏa cảm xúc cho con, phụ huynh nên tìm đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ giúp trẻ tự cân bằng. Trẻ có biểu hiện rối loạn lo âu nhiều, trầm cảm thật sự thì phải gặp bác sĩ chuyên khoa về tâm thần kinh để can thiệp thuốc trong trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, TS. BS Hoài Thu nhấn mạnh, cha mẹ đừng nhầm lẫn giữa tâm lý buồn chán, lo âu bình thường với buồn chán, lo âu bệnh lý. Đồng thời cũng không nên chủ quan, xem nhẹ tâm lý, bố mẹ cứ nghĩ con phải thế này thế kia trong khi con rất cô đơn, không biết chia sẻ với ai.
“Mọi người đừng quá thành kiến, sợ hãi với bệnh lý này. Sợ hãi mà không chịu đi khám thì chỉ gây thiệt thòi. Chính việc con không được khám, không được giúp đỡ là thiệt thòi, khi có những suy nghĩ tiêu cực, bế tắc thì giải pháp duy nhất là cái chết”, TS Thu phân tích.
Một lần nữa, chuyên gia cảnh báo, trầm cảm là bệnh nguy hiểm chết người, chúng ta cần phải quan tâm. “Đáng lẽ một người được sống, được tận hưởng cuộc sống, đóng góp cho gia đình, cho xã hội thì chỉ vì quan điểm cổ hủ, lạc hậu mà chịu thiệt thòi, thậm chí mất mạng. Đây là điều rất thương tâm, đau lòng”, TS. BS Hồng Thu nói.
Theo Infonet