Thực phẩm sạch vẫn luôn là vấn đề nhức nhối và để đạt được chứng nhận VietGap – thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, doanh nghiệp cần đạt 4 tiêu chí để làm căn cứ đánh giá.
Dư luận những ngày qua đang “dậy sóng” trước thông tin báo chí phản ánh rau “dỏm” được phù phép từ chợ đầu mối thành thực phẩm có chứng nhận VietGap và được bày bán trong quầy kệ của một số chuỗi siêu thị lớn.
Trong đó có phản ánh, Công ty CP Sản xuất thương mại Đông A (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP.HCM), đơn vị cung cấp rau củ cho Bách Hóa Xanh, với bao bì là rau củ Việt Nam nhưng thực chất lại có xuất xứ từ Trung Quốc.
Ngay khi thông tin xuất hiện đã lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng Việt Nam. Bởi lẽ, từ lâu nay, thực phẩm bẩn vẫn luôn là vấn nạn nhức nhối và người ta sẵn sàng trả một cái giá cao hơn để được dùng thực phẩm sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ảnh minh họa.
Trước sự việc, dư luận cũng khá quan tâm đến thông tin chứng nhận VietGap là gì? Doanh nghiệp cần gì để có chứng nhận VietGap?
Tìm hiểu của phóng viên, chứng nhận VietGap (Vietnamese Good Agricultural Practices) là “thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Theo đó, VietGap gồm những tiêu chuẩn, quy phạm quy định về thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam; bao gồm những trình tự, nguyên tắc, thủ tục để hướng dẫn các cá nhân, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Để đạt được chứng nhận VietGap, doanh nghiệp cần đạt 4 tiêu chí để làm căn cứ đánh giá.
Cụ thể, tiêu chí thứ là về kỹ thuật sản xuất. Yêu cầu về kỹ thuật sản xuất là tiêu chí đặt ra đầu tiên của chứng nhận VietGap mà doanh nghiệp phải đạt được. Trong đó bao gồm: Phương thức canh tác, thu hoạch cũng như những tiêu chuẩn về hạt giống (trồng trọt), con giống (thủy sản, chăn nuôi), nguồn nước, nguồn đất.
Tiêu chí thứ 2 là môi trường làm việc. Môi trường làm việc phải có đầy đủ tiêu chuẩn an toàn lao động cần thiết mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động, bảo vệ tốt nhất cho người lao động về sức khỏe.
An toàn thực phẩm là tiêu chí thứ 3. Đây là tiêu chí rất quan trọng để doanh nghiệp có thể đạt chứng nhận VietGap. Để đảm bảo được về chất lượng thực phẩm trong toàn bộ khâu canh tác, doanh nghiệp phải đảm bảo thực phẩm không bị ô nhiễm, không được sử dụng các chất bảo quản, dư lượng kháng sinh, chỉ được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép theo quy định.
Tiêu chí thứ 4 là đảm bảo nguồn gốc sản phẩm, các sản phẩm đạt chứng nhận VietGap phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo về chất lượng cũng như giúp cho việc kiểm tra xuất xứ sản phẩm.
Theo tri Thức Cuộc Sống