Các gói trả góp, tín dụng tiêu dùng là cách thúc đẩy doanh số di động giá rẻ, tầm trung. Do đó, phân khúc này dễ bị ảnh hưởng khi tình hình tài chính biến động.
Di động giá rẻ khó đến tay người dùng có nhu cầu bởi bước trả góp không được duyệt. Ảnh: GTM.
Bằng việc được hỗ trợ trả góp, người dùng bình dân có thể dễ dàng đưa ra quyết định chi tiêu cho mặt hàng di động. Việc các công ty tài chính siết chặt gói tín dụng tiêu dùng, tăng lãi suất khiến khách hàng gặp khó khăn khi mua hàng, nâng cấp lên đời.
Theo các đại lý lớn, đây là rào cản với tập người dùng ở phân khúc giá rẻ, trung cấp, vốn phụ thuộc nhiều vào cách mua hàng trả góp. Do vậy, một phần doanh số smartphone bình dân bị ảnh hưởng.
Phụ thuộc vào trả góp
Theo báo cáo từ MWG, công ty chủ quản hệ thống Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, nhóm khách hàng có nhu cầu thực ở phân khúc thu nhập thấp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức trả góp. Đây là một phần lý do khiến doanh thu của doanh nghiệp bán lẻ điện tử lớn nhất Việt Nam giảm 32% so với cùng kỳ.
Các mẫu di động giá rẻ là phân khúc bị ảnh hưởng bởi vấn đề trả góp, tín dụng. Ảnh: Xuân Sang.
Ngoài Thế Giới Di Động, đây là vấn đề chung của nhiều đại lý ở phân khúc điện thoại thông minh giá rẻ. Những dòng máy đắt tiền hơn không bị ảnh hưởng bởi vấn đề này. Lý do được đưa ra là người dùng phân khúc cao hơn ít bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế vĩ mô. Đồng thời, nhóm thu nhập cao dễ dàng được hỗ trợ hơn bởi chứng minh được khả năng tài chính.
Trước đó, Thế Giới Di Động có kết hợp với công ty tài chính F88 để hỗ trợ khách hàng dưới chuẩn, khó tiếp cận với tín dụng tiêu dùng mua hàng. Tuy nhiên, mối quan hệ này đã chấm dứt hồi đầu tháng 3 khi F88 bị cơ quan chức năng kiểm tra.
Đây cũng là vấn đề chung của thị trường giai đoạn cuối 2022 đến đầu năm nay. Trả lời Zing, bà Đặng Thị Minh Ngà, Giám đốc khối Sản phẩm – Dịch vụ khác của hệ thống FPT Shop, cho biết số lượng điện thoại bán theo hình thức trả góp tại hệ thống bị sụt giảm.
Ngoài ra hạn mức tối đa một người được duyệt vay bị hạ xuống, mức trả trước tối thiểu cũng tăng lên. Những điều này trở thành rào cản khiến người dùng không mua được điện thoại như mong muốn.
“Đa phần khách mua điện thoại chỗ tôi đều chọn trả góp để tối ưu chi phí. Nhưng giờ đa số công ty tài chính như HD Saison, FE Credit, Home Credit, Shinhan Finance… đều khắt khe hơn trong bước duyệt hồ sơ. Do đó, lượng người mua hàng giảm sút nghiêm trọng”, ông B.P., một người kinh doanh smartphone tại TP Vũng Tàu, cho biết.
Hạn chế tác động
Theo ghi nhận của Zing, mức độ phụ thuộc vào trả góp cao hơn tại nhóm các đại lý lớn. Bà Đặng Thị Minh Ngà tiết lộ tỉ lệ sử dụng dịch vụ này tại đại lý thường duy trì ở mức 30-50% trước khi bị giới hạn các khoản vay tiêu dùng.
Các mẫu di động cao cấp ít bị ảnh hưởng hơn khi người dùng khó tiếp cận phương thức trả góp. Ảnh: Xuân Sang.
Trong khi đó, con số tại nhóm đại lý vừa và nhỏ dao động 10-20%. Nhờ vậy, những hệ thống này tạm thời hạn chế được tác động từ tình hình chung. Ngoài ra, so với giai đoạn căng thẳng cuối 2022, thời gian gần đây việc xét duyệt hồ sơ đã cải thiện, hạn mức tín dụng được mở rộng hơn, dần khôi phục.
“Siết tín dụng là tình hình chung thị trường, diễn ra từ cuối IV/2022. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay các công ty tài chính liên kết đã hoạt động ổn định trở lại”, đại diện truyền thông một đại lý di động tại TP.HCM chia sẻ. Theo vị này, lượng xét duyệt mua trả góp hiện đã khôi phục ở mức 60-75%.
Mặt khác, các giải pháp hỗ trợ mới cũng được đưa nhằm tạm thời giải quyết khúc mắc ở việc duyệt mua hàng trả góp.
“Hiện tại chúng tôi có kết hợp thêm với các bên thứ ba, mở rộng công cụ trả góp dạng mua trước trả sau, duyệt vay qua di động. Doanh nghiệp cố gắng làm việc với các đối tác cho vay, thanh toán, hỗ trợ khách mua sắm giai đoạn này”, ông Nguyễn Kim Đức, Giám đốc khối bán lẻ của Hoàng Hà Mobile, nói với Zing.
Theo Zing