Tuổi hưu của người lao động nên được sắp xếp phù hợp với từng ngành nghề công việc của họ.
Trong Dự thảo BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo phân tính của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, quy định về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm dẫn đến nhiều người không đủ kiên nhẫn, rời bỏ hệ thống BHXH. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số người hưởng BHXH một lần lớn và có xu hướng tăng nhanh. Do vậy, nếu giảm năm đóng BHXH xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, dự báo sẽ giúp giảm số người rút BHXH một lần ít nhất khoảng trên 10.000-40.000 người/năm.
Liên quan đề xuất này, một bạn đọc tên Huy bày tỏ lo lắng: “Thực tế nhất là nhà nước có chính sách tạo công ăn việc làm ổn định để người lao động yên tâm tham gia BHXH, chứ tình hình doanh nghiệp sa thải lao động hàng loạt như hiện nay thì không thể ngăn được rút BHXH 1 lần”. Một bạn đọc giấu tên chất vấn: “Ban soạn thảo đã khảo sát thực tế đời sống người lao động chưa? Sau khi bị COVID-19, rất nhiều người sức khỏe giảm sút, lúc nào cũng thấy tức ngực khó thở làm sao mà trụ được đến 60 tuổi để nhận lương hưu”.
Bạn đọc Phạm Thành nêu thực tế: “Không như ngày xưa chế độ bao cấp, ngày nay người công nhân trực tiếp sản xuất làm việc ở các công ty tư doanh, hợp doanh làm việc rất là vất vả, các chủ doanh nghiệp luôn muốn phải thật xứng đáng với tiền công họ bỏ ra nên đưa ra các qui định vô cùng khắc khe để vắt kiệt sức lao động. Do vậy, tuổi hưu của người lao động nên được sắp xếp lại cho phù hợp với ngành nghề công việc của họ. .
Một bạn đọc tên Công bày tỏ: “Giảm hay không giảm thì chỉ có lực lượng lao động khu vực nhà nước chờ hưu. Còn công nhân lao động ngoài nhà nước hầu như đã rút BHXH. Điều cần lo và đáng lo là khi giảm năm đóng thì lượng lao động rút một lần sẽ tăng nhiều hơn”. Cùng góc nhìn, bạn đọc Quốc Bảo dẫn chứng: “Công việc thì càng ngày càng khó khăn, có ai đảm bảo công việc đến tuổi hưu và ai đảm bảo lương hưu đủ sống?”.
Bạn đọc Đào Minh Ngọc góp ý: “Giảm thời gian đóng BHXH xuống thì mức lương hưu sẽ thấp đi điều đó không phải bàn cãi, lại thêm một điều bất cập nữa. Không thấy ai bàn đến tỉ lệ % được hưởng lương hưu và mức lương đóng BHXH của người lao động mà các chủ sử dụng lao động đóng cho họ như thế nào là hợp lý”. Theo bạn đọc Trần Vinh, phương án do Bộ LĐ-TB-XH đề xuất là khó khả thi bởi tuổi nghề ngắn, sức khỏe không còn, công việc và thu nhập bấp bênh thì sao có thể chờ hưu?”.
Góp ý về độ tuổi nghỉ hưu, theo nhiều bạn đọc, quá trình làm việc của người lao động làm việc rất là vất vả, chịu đựng trong suốt thời gian dài, mưu sinh trong các điều kiện môi trường độc hại, nắng nóng. Thời gian lao động sẽ theo quy luật tuổi tác, già dần, mệt mỏi, tay chân không còn nhanh nhẹn, mắt mờ đi , sản phẩm sẽ đi xuống, thu nhập sẽ giảm dần, công việc sẽ mất dần khi không đáp ứng được các đòi hỏi năng suất lao động của chủ doanh nghiệp. Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị tuổi về hưu vẫn là độ tuổi nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi.
Theo bạn đọc Nguyễn Xuân Bình, cứ đóng đủ 20 năm là đủ điều kiện nghỉ hưu, không tính tuổi, nếu đóng trên 20 năm sẽ tăng tương ứng, như vậy ai cũng muốn đóng thêm để lãnh cao, ai yếu không làm được nữa thì nghỉ lãnh thấp, chắc chắn sẽ không ai rút BHXH 1 lần cả. Bạn đọc Đỗ Công Thàn bày tỏ: “Nút thắt là tuổi nghỉ hưu và số năm tối thiểu được hưởng BHXH. Nên tính đến số tuổi nghỉ hưu (Nam 55, Nữ 50) và số năm đóng BHXH 15 năm. Còn được hưởng nhiều ít là do người lao động tham gia đóng BHXH thực tế và đây mới là quyền lợi của họ”.
“Trong suốt quá trình tham gia đóng BHXH, nếu người lao động chưa bao lĩnh trợ cấp thất nghiệp khi về hưu thì cầncó một chế độ thưởng một lần hay thêm % (2%-10%) vào tiền hưu trí cho họ” – bạn đọc Đinh Tuấn Kiệt góp ý.
Theo NLĐ