Sáng 13/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố.
Theo dự thảo đề án của Sở GTVT thành phố, mức thu sử dụng vỉa hè để kinh doanh từ 20.000 – 100.000 đồng m2/tháng và mức thu sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe từ 50.000 – 350.000 đồng m2/tháng, tùy theo vị trí các tuyến đường.
Sở GTVT thành phố đã đưa ra 5 khu vực thu phí ở nhiều vị trí khác nhau, được dựa trên việc so sánh với giá đất bình quân trong khu vực.
Với khu vực 1 (các tuyến đường có giá đất bình quân bằng hoặc cao hơn 36.812.000 đồng/m²) gồm: Các tuyến đường trung tâm dùng để trông giữ xe ô tô xe máy có giá thuê là 350.000 đồng/m², các tuyến đường còn lại có giá thuê 180.000 đồng/m²; Đối với các hoạt động khác mà không dùng để trông giữ xe có giá từ 50.000 – 100.000 đồng.
Tại khu vực 2 (giá đất bằng hoặc cao hơn 13.659.000 đồng/m²) gồm: Các tuyến đường trung tâm có giá thuê 100.000 đồng/m², các tuyến đường còn lại có giá thuê 70.000 đồng/m².
Đối với khu vực 3, khu vực 4 có giá thuê từ 60.000 đồng/m² thu phí sử dụng tạm thời lòng đường.
Khu vực 5 có giá thuê bằng nhau ở tất cả tuyến đường là 50.000 đồng/m². Ngoài ra, mức phí cho thuê lòng đường, vỉa hè cho các hoạt động khác có giá 20.000 – 100.000 đồng/m² tùy từng khu vực.
Nhiều người dân đồng thuận với đề án thu phí nhưng cần đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc đi lại và môi trường sống của người dân.
Đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí là Sở GTVT thành phố, thu theo quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Một đơn vị khác được thu phí là UBND các quận, huyện được thu theo quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Toàn bộ số thu phí phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố sẽ nộp vào ngân sách thành phố để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố…
Bà Bùi Diệu Tâm, người dân khu phố 1, phường Bến Nghé, quận 1 cho rằng, số tiền dùng để duy tu, bảo trì thì đã có quỹ của Sở GTVT thành phố. Do đó, khi thu phí thì làm sao không làm ảnh hưởng đến việc đi lại và môi trường sống của người dân.
Ông Phạm Văn Phố, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 6 có ý kiến, việc thu phí không chỉ chú trọng vào việc tăng thu ngân sách mà phải hài hòa lợi ích các bên. Về trật tự mỹ quan đô thị, không thể chấp nhận nhà quản trị chỉ tập trung thu phí mà không có lề đường cho người dân đi để mất trật tự, an toàn giao thông. Phải đảm bảo khi thu phí phải mang tính công khai, minh bạch, bảo đảm tính dân chủ và tính công bằng của các đối tượng khi thụ hưởng hoặc bị tác động.
Sau hội nghị này, Sở GTVT và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tiếp tục tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện hộ gia đình về dự thảo đề án, dự thảo tờ trình của UBND TP Hồ Chí Minh và dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố sẽ được điều chỉnh để trình HĐND thông qua trong kỳ họp tới.
Theo CAND