Sau khi công bố 7 vi phạm của nền tảng mạng xã hội video ngắn Tiktok liên quan dịch vụ thương mại điện tử, nội dung độc hại, gây hại cho trẻ em, đoàn kiểm tra của Việt Nam đã kiến nghị Bộ Thông tin và truyền thông yêu cầu Tiktok triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em.
Trong đó, mạng xã hội này cần xác thực thông tin tài khoản Tiktok để phát hiện trường hợp trẻ em khai không đúng độ tuổi, xóa tài khoản dưới 13 tuổi, giới hạn thời gian truy cập, sử dụng TikTok với người dưới 18 tuổi, đồng thời không chi phép trẻ em kiếm tiền qua tiktok, nghiên cứu xây dựng ứng dụng dành riêng cho trẻ em tại Việt Nam.
Ảnh minh họa
Xung quanh những kiến nghị, đề xuất này, phóng viên có cuộc trao đổi với chuyên gia truyền thông Nguyễn Cao Cường.
PV: Quan điểm của ông như thế nào trước những kiến nghị đối với Tiktok nhằm bảo vệ trẻ em Việt Nam?
Ông Nguyễn Cao Cường: Việc bảo vệ trẻ em trên các nền tảng mạng xã hội là yêu cầu bắt buộc. Trong tất cả chính sách cộng đồng của Youtube, Facebook thì đây là mối quan tâm hàng đầu của mọi nền tảng. Chính vì vậy, có bất kỳ yếu tố nào liên quan lạm dụng trẻ em được bảo vệ nghiêm ngặt.
Còn với Tiktok, việc bảo vệ trẻ em dường như không được đầy đủ như vậy. Vì vậy, tôi cho rằng, các cơ quan chức năng hoàn toàn có sở cứ để đưa ra những quyết định liên quan việc trẻ em tham gia vào các nền tảng mạng xã hội để kiếm tiền.
Khi các nền tảng mạng xã hội không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan chức năng địa phương, ở đây là Việt Nam thì sẽ chịu các chế tài áp đặt.
PV: Còn đề xuất cấm trẻ em kiếm tiền trên nền tảng này?
Ông Nguyễn Cao Cường: Cơ quan chức năng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam yêu cầu Tiktok Việt Nam không được cho trẻ em lên kinh doanh trên nền tảng đó. Ở đây, cần cần nhắc hai yếu tố.
Thứ nhất, trẻ em dưới 13 tuổi thì đường nhiên không được sử dụng nền tảng này rồi. Thứ hai, nếu trẻ em cùng người lớn, cha mẹ, người thân trong gia đình lập cá shop bán hàng, thì ở đây, góc độ luật pháp chưa có quy định cấm trẻ em kinh doanh.
Không hẳn là doanh nghiệp, thì với một cửa hàng online chỉ cần mã định danh và thẻ ngân hàng thôi, đã có thể kinh doanh rồi. Cho nên, cần làm rõ các điều kiện kinh doanh thì mới phân biệt được trẻ em có được kinh doanh không.
Theo tìm hiểu của tôi, các điều kiện mở shop trên cửa hàng thương mại điện tử, trên tiktok dường như hiện vẫn còn bị buông lỏng. Nếu các sàn thương mại điện tử nếu không thực hiện đúng quy định về điều kiện kinh doanh thì chắc chắn trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 13 tuổi thì rất khó để tạo điều kiện kinh doanh trên những nền tảng thế này.
PV: Video ngắn rất thu hút người xem, nhưng chúng cũng có mặt tối?
Ông Nguyễn Cao Cường: Nó là một công cụ giải trí rất tốt. Nhưng nó luôn có mặt trái, Tiktok làm cho mọi người phải bỏ ra nhiều thời gian để giải trí với nội dung rất ngắn. Loại nội dung này chỉ giải trí thôi, không thể mang lại hiểu biết và trí tuệ. Nếu đắm chìm, cả ngày, chúng ta chỉ nhận được giá trị giải trí.
Thứ hai, tôi đã từng gặp những hình ảnh phản cảm, lạm dụng, gợi dục, nhiều người sáng tạo nội dung lách luật, để tạo ra câu chuyện giật gân, khiến cho khán giả hoang mang, không biết đâu là thật, là giả.
Tôi cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tất cả mạng xã hội. Và tôi đồng quan điểm với các cơ quan chức năng Việt Nam, khi quyết định thanh tra những chính sách trên nền tảng Tiktok.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo VOV