Theo luật sư Quách Thành Lực, với trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng, dù đã bị tạm giam quá 1/3 thời hạn hình phạt tù theo quy định nhưng bị cáo sẽ chưa thể ngay lập tức được xem xét giảm án.
Ngày 21/9, TAND TPHCM đã tuyên phạt bà Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù; phạt ông Đặng Anh Quân (45 tuổi, tiến sĩ luật, giảng viên đại học) 2 năm 6 tháng tù; phạt các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên văn phòng Công ty cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (29 tuổi, trưởng phòng truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam) 1 năm 6 tháng tù cùng về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bà Nguyễn Phương Hằng tại tòa sơ thẩm. Ảnh: A.T
Theo Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Hạn chót nộp đơn kháng cáo của bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm là ngày 6/10.
Bà Nguyễn Phương Hằng bị giam từ ngày 24/3/2022 đến nay là hơn 18 tháng. Ngày 9/10, TAND TPHCM cho biết tòa vẫn chưa nhận được đơn kháng cáo của bà Phương Hằng. Như vậy, bà Hằng không có đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm.
Theo dõi vụ án, nhiều bạn đọc thắc mắc người phạm tội sau khi chấp hành xong 1/3 thời hạn án phạt tù sẽ được xem xét giảm án. Vậy trong trường hợp này, bà Phương Hằng đã bị tạm giam hơn một 1/2 bản án đã tuyên thì có được xét giảm án tù hay không?
Giải đáp thắc mắc của bạn đọc, luật sư Quách Thành Lực – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, giảm thời hạn chấp hành hình phạt là chế định pháp luật mang tính chất nhân đạo, phản ánh sự khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội.
Việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được thực hiện mỗi năm 3 đợt, vào các dịp: Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), ngày Quốc khánh (2/9) và tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, việc xét giảm phải tuân thủ quy định của pháp luật; bảo đảm tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa, khách quan, công bằng và có tác dụng khuyến khích phạm nhân thi đua cải tạo tiến bộ.
Phải căn cứ vào kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù, tính chất và mức độ phạm tội, độ tuổi và các đặc điểm nhân thân khác của phạm nhân,…
Cũng theo luật sư Lực, bà Phương Hằng đã bị tạm giam hơn 18 tháng và sẽ còn phải chấp hành thêm gần 18 tháng tù theo bản án đã tuyên của TAND TP.HCM.
Theo quy định, phạm nhân khi chấp hành án ít nhất 1/3 thời hạn hình phạt tù thì sẽ được xem xét giảm án. Tuy nhiên, với trường hợp của bà Phương Hằng, dù đã bị tạm giam quá 1/3 thời hạn hình phạt tù theo quy định nhưng bị cáo sẽ chưa thể ngay lập tức được xem xét giảm án.
“Thời gian thi hành án chỉ bắt đầu được tính từ khi bị cáo bắt đầu chấp hành hình phạt theo quyết định đã có hiệu lực của tòa án.
Từ thời điểm này, trại giam mới có thể xem xét, đánh giá để theo dõi quá trình cải tạo, phấn đấu của người phạm tội, từ đó xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho họ.
Do đó, với trường hợp của bà Phương Hằng, bị cáo có thể sẽ phải chấp hành án thêm ít nhất 6 tháng nữa. Sau đó, tùy thuộc vào kết quả cải tạo mà bà Hằng có thể được các cơ quan có thẩm quyền xem xét rút ngắn thời gian thi hành án” luật sư Lực nhận định.
Theo Sức Khoẻ Đời Sống