‘Câu chuyện lấy vàng SJC làm thương hiệu vàng miếng độc quyền là phù hợp với bối cảnh trước đây. Tuy nhiên, hiện nay, thương hiệu vàng SJC còn vai trò không, còn hiệu quả để thực hiện sứ mệnh tiếp tục không sẽ được xử lý khi sửa đổi Nghị định 24 tới đây’, là khẳng định của đại diện Ngân hàng Nhà nước khi trao đổi với báo chí về định hướng sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại họp báo ngày 3/1.
Theo ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại mục tiêu và chính sách quản lý thị trường vàng.
Nghị định 24 được ban hành năm 2012 giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành tỷ giá và chính sách tiền tệ. Thực tế cho thấy, hơn chục năm qua, dù giá vàng tăng giảm thất thường song tỷ giá vẫn ổn định, mọi hoạt động của ngành ngân hàng cũng không còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, Nhà nước không chấp nhận sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác. Tất cả vấn đề này sẽ được xem xét trong sửa đổi Nghị định 24 sắp tới.
“Đây là cơ sở chứng minh mục tiêu Nghị định 24 cơ bản hoàn thành. Đến nay, cần xem xét tình hình mới để có những điều chỉnh phù hợp”, ông Tuấn khẳng định.
“Chúng tôi đánh giá đây là thời điểm thích hợp để đánh giá, tổng kết lại Nghị định 24. Nghị định đã triển khai hơn 10 năm, báo chí, nhiều chuyên gia đã đề cập. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chuẩn bị, đã tham khảo ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, trong quý I sẽ trình Chính phủ về định hướng thay đổi”, ông Tuấn cho biết.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận cơ chế quản lý không còn phù hợp. “Do ảnh hưởng cơ chế mới có hiện tượng giá vàng biến động mạnh trong thời gian qua. Khi sửa đổi, thị trường sẽ ổn định, không còn hiện tượng này nữa”, ông Tuấn nói.
Về định hướng sửa cơ chế, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, sẽ xem xét sửa cơ chế quản lý vàng miếng. Còn vàng trang sức, vàng mỹ nghệ thì không phải mục tiêu quản lý của Ngân hàng Nhà nước mà sẽ do thị trường tự điều tiết.
Chia sẻ về quan điểm điều hành, sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, việc sửa Nghị định 24 lúc này là cần thiết, đáng lẽ ra phải sửa sớm hơn.
Tuy nhiên, nhìn nhận về vai trò của Nghị định 24, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, Nghị định 24 đã ra đời hơn 10 năm trước với mục đích quan trọng nhất thời điểm đó là chống vàng hóa trong nền kinh tế, không để thị trường vàng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ… vì vàng có mối quan hệ với những yếu tố này.
Ngay câu chuyện lấy vàng SJC làm thương hiệu vàng miếng độc quyền cũng là phù hợp với bối cảnh lúc đó. Nghị định 24 quy định Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng SJC. Ông Tú đặt vấn đề: Đến nay, thương hiệu vàng SJC còn vai trò không, còn hiệu quả để thực hiện sứ mệnh tiếp tục không? Nhiều chuyên gia cũng đề xuất mở ra nhiều loại vàng thương hiệu khác…
“Dù vàng SJC độc quyền hay mở ra cho nhiều thương hiệu vàng khác cùng tham gia vào thị trường vàng miếng, thì cuối cùng vẫn phải bảo đảm mục tiêu không để thị trường vàng ảnh hưởng kinh tế vĩ mô vì đó là quyền lợi của 100 triệu người dân Việt Nam, còn quyền lợi kinh doanh vàng bạc chỉ là một nhóm rất nhỏ”, ông Tú nói. Đồng thời, Phó Thống đốc khẳng định Nhà nước không bảo hộ kinh doanh vàng bạc, đặc biệt không bảo hộ giá cả vàng miếng SJC, cũng không chấp nhận chênh lệch vàng SJC và thế giới hơn 20 triệu đồng, chênh lệch giữa vàng SJC với các thương hiệu vàng khác đến vài triệu đồng/lượng.
“Tất cả câu chuyện này sẽ được xử lý khi sửa đổi Nghị định 24 tới đây, sẽ thể hiện sự dứt khoát trong điều hành thị trường vàng”, Phó Thống đốc nhấn mạnh và cho biết, thời gian tới sẽ triển khai xây dựng Nghị định và sẽ xin ý kiến rộng rãi.
Thực tế, sau những ngày giá vàng SJC tăng sốc, “giá vàng thế giới tăng 1, giá vàng SJC tăng 3” bất thường, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu tăng cường quản lý thị trường vàng và Ngân hàng Nhà nước lên tiếng sẵn sàng can thiệp thị trường vàng, giá vàng SJC lập tức lao dốc mạnh hàng triệu đồng/lượng.
Mặc dù giá vàng hạ nhiệt nhanh sau công điện của Thủ tướng và thông điệp sẵn sàng can thiệp thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước, song những ngày đầu năm 2024, giá vàng vẫn diễn biến rất thất thường, liên tục tăng sốc, giảm sâu trong ngày bất chấp giá vàng thế giới gần như đứng im.
Chiều ngày 3/1, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 72,5 – 75,5 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra. Mức giá này giảm 0,5 triệu đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch chiều 2/1, nhưng lại tăng 0,5 triệu đồng so với sáng 2/1. Chênh lệch mua vào – bán ra tại các doanh nghiệp vàng lên tới 3 triệu đồng/lượng.
Theo Vnbusiness