Vị nhạc sĩ từng bảo trợ Thương Tín và giúp kết nối show cho Thương Tín hé lộ tài tử một thời vừa được mời show ở Đà Nẵng với mức cát-xê bất ngờ, 35 triệu đồng. Trong khi đó, lại có clip ghi cảnh Thương Tín ở quán ăn tại quê nhà, lộ hình ảnh nam diễn viên của phim ‘Ván bài lật ngửa’ ngày nào bây giờ trông tiều tụy, chân đi không vững, phải chống gậy. Thế thì sức đâu để ông cầm micro?
Không hát nổi nhưng vẫn nhận show
Câu hỏi đặt ra là tại sao một người đi không vững, phải chống gậy vẫn lắm “sô” ca hát, giá cát-xê lên tới vài chục triệu đồng?
Có người nghi ngờ: Hay là thị trường ca nhạc ở ta bây giờ không đáp ứng được nhu cầu của người nghe nhạc nên Thương Tín xuất hiện và được yêu thích?
Có lẽ, người yêu nhạc ở ta chưa bao giờ sướng như bây giờ. Ước BlackPink diễn ở Việt Nam thì giấc mơ cũng thành hiện thực. Ban nhạc huyền thoại Westlife sẽ trở lại Việt Nam với The Hits Tour 2024, còn kèm theo khách mời là nhóm 911.
Thế nhưng 2 đêm diễn diễn ra vào 4 và 5/6, tại Cung điền kinh Mỹ Đình (Hà Nội) với giá vé cao nhất (CAT 1) 5 triệu đồng, giá vé thấp nhất (CAT 7) chỉ 850.000 đồng, mà sau hơn 2 ngày mở bán vẫn chưa đêm nào sold-out…
Trong nước, cũng không thiếu những mini show hay live show hoành tráng. Đàm Vĩnh Hưng vừa mới chiêu đãi Ngày em thắp sao trời, với hàng loạt khách mời nổi tiếng Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Uyên Linh… Hiền Hồ sau lùm xùm đời tư cũng đã trở lại với sân khấu ca nhạc. Hồ Quỳnh Hương, Phương Linh cũng tái xuất thường xuyên.
Các giọng ca được yêu thích ở hải ngoại cũng về nước biểu diễn với tần suất khá dày. Đến cả những người mẫu, người đẹp cũng chuyển sang cầm míc, như Phí Phương Anh, cái tên đang “nóng” khi xuất hiện chung khung hình với ông chủ một phòng trà nổi tiếng trong live show của Đàm Vĩnh Hưng.
Vậy, thị trường ca nhạc có cần thêm tài tử vang bóng một thời?
Ai cũng biết đáp án.
Khi quan hệ giữa Thương Tín và nhạc sĩ Tô Hiếu không êm đẹp, Thương Tín từng thừa nhận sự thật: “Tôi không hát nổi nữa nhưng Tô Hiếu vẫn kêu tôi đi hát. Khán giả cũng biết nên chủ yếu họ muốn gặp tôi là chính chứ hát hò gì được”.
Thế nhưng chẳng bao lâu sau màn “đấu tố” lại thấy Thương Tín kết nối với Tô Hiếu bày tỏ nguyện vọng được đi hát. Khán giả nhớ Thương Tín hay là Thương Tín nhớ khán giả đến mức không thể không gặp?
Lao động nghệ thuật hay… “ăn mày dĩ vãng”?
Phải nói rằng những hình ảnh đáng thương, đáng buồn của Thương Tín ở buổi hoàng hôn cuộc đời lần nào lộ ra cũng lôi kéo sự quan tâm của dư luận, có người thương cảm, có người chê trách. Ngay cả những người đang hoạt động nghệ thuật – giải trí cũng bị tác động sâu sắc. Nam người mẫu, diễn viên Đức Tiến khi còn sống từng tâm sự thấy cảnh ngộ khó khăn của Thương Tín, Chánh Tín ở tuổi xế chiều, anh quyết định phải chuyển hướng kinh doanh, vì nghệ thuật chỉ có thời. Anh muốn làm một điều gì đó để ổn định cuộc sống, không muốn cuộc đời mình dựa hoàn toàn vào hào quang rực rỡ.
Chẳng phải chỉ Thương Tín vướng khó khăn khi thời hoàng kim qua đi. Ngay trong đại dịch COVID-19 nhiều nghệ sĩ trong nước và nước ngoài cũng phải đối mặt với đời sống áo cơm chật vật. Mỹ nam Amp Pheerawas sẵn sàng chọn công việc mới, làm tài xế giao hàng của một ứng dụng công nghệ nổi tiếng ở Thái Lan. Người thủ vai công tử nhà giàu trong phim Vườn sao băng của Hàn Quốc sau những ồn ào đời tư đã mất cơ hội đóng phim, bèn về quê làm nông dân chính hiệu. Anh trồng ngô và hứa hẹn chia sẻ câu chuyện nông thôn của mình lên kênh YouTube…
Không có hạn định nào về tuổi hoạt động của nghệ sĩ. Ca sĩ Madonna, ở tuổi 66, diễn viên Dương Tử Quỳnh, ở tuổi 60, vẫn làm nên kỳ tích. Ngược lại, có những ca sĩ, diễn viên sự nghiệp ngắn ngủi, hào quang đến rồi đi nhanh chóng. Khi không còn duyên với nghệ thuật, họ cũng đành chuyển nghề. Còn những ai không thể thích nghi với hiện thực tàn khốc thì cuộc sống sa vào khốn đốn, thậm chí trở thành kẻ lang thang không nhà cũng không có gì lạ.
Nghệ sĩ đặc biệt yêu cái đẹp, không mấy ai muốn xuất hiện trên sân khấu với hình ảnh tàn tạ, cho dù họ rất cần thu nhập. Bởi họ muốn khắc mãi hình ảnh rực rỡ, thăng hoa của mình trong tim công chúng. Thương Tín có lẽ không còn màng đến việc giữ gìn hình ảnh nữa? Hát đám cưới cũng là đi hát. Ca sĩ hạng “sao” trong nước hay quốc tế cũng vẫn nhận lời hát đám cưới. Đừng nói hát đám cưới ca sĩ không cần chỉn chu và thăng hoa.
Hình ảnh buồn bã của Thương Tín thời U70.
Còn nhớ, lúc Thương Tín mới chuyển sang nghề kiếm sống bằng ca hát, ông được trả cát-xê 7 triệu đồng/show. Có những tài khoản bình luận rằng cát-xê ấy bằng cả tháng chăm chỉ cày cuốc của họ. Không cần Thương Tín đáp lại, đã có tài khoản bênh vực ông: “Cứ tỏa sáng một thời như Thương Tín thì bây giờ mới có quyền “ăn mày dĩ vãng”.
Nhưng “ăn mày dĩ vãng” được bao lâu?
Liệu ông có thể sống ổn chỉ bằng lòng thương hại hay xót xa của người khác?
Mặt khác, dù cát-xê Thương Tín có lên ngưỡng 100 triệu đồng/show thì số tiền ấy cũng không phải trả cho lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ. Thế thì có gì để khoe?
Cách đây không lâu, Tuấn Hưng gặp sự cố sức khỏe, không thể hoàn thành trọn vẹn đêm diễn, anh đã tình nguyện trả lại tiền vé cho những khán giả không hài lòng ở đêm diễn của mình. Không có chuyện đi không vững, hát không tốt vẫn lãnh đủ cát-xê. Một ca sĩ, một nghệ sĩ chân chính không thể tùy tiện nhận cát-xê như thế!
Cho nên số tiền mà tài tử một thời nhận được có nên gọi là cát-xê? Nếu gọi là cát-xê có khiến những người đang lao động nghệ thuật và chịu sự cạnh tranh khốc liệt thấy chạnh lòng?
Theo Tiền Phong