Tại hiện trường vụ sập cầu Phong Châu, nước sông Hồng dâng cao, chảy xiết, công tác cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn
Chiều 9-9, lực lượng chức năng vẫn phong tỏa 2 đầu cầu Phong Châu (nối liền huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) để phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ.
Hai bên lối vào cầu Phong Châu bị lực lượng chức năng phong tỏa
Theo ghi nhận phóng viên Báo Người Lao Động, khoảng 14 giờ chiều nay 9-9, rất nhiều lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường để khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu. Rất đông người dân hiếu kỳ đến xem vụ sập cầu.
Tại hiện trường, nhiều nhịp cầu khoảng 50 m bị sập hoàn toàn, dạt vào gần bờ cách cầu khoảng 50 m. Nước sông Hồng dâng cao, chảy xiết, công tác cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Trực tiếp kiểm tra tại hiện trường sập cầu Phong Châu, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu tỉnh Phú Thọ báo cáo sơ bộ thiệt hại từ vụ sập cầu.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng ngăn chặn 2 đầu cầu và dùng lưới để tìm kiếm người bị rơi xuống sông. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh báo cáo giải pháp cứu hộ đang gặp khó khăn do dòng nước xiết không thể cho người, phương tiện xuống ngay được.
Nhiều lực lượng và phương tiện được huy động đến hiện trường sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ
Theo báo cáo sơ bộ, tại thời điểm cầu Phong Châu bị sập, trên cầu có 5 xe ôtô đang lưu thông và bị rơi xuống sông, gồm: 1 xe tải đầu kéo, 1 xe tải và 3 xe ôtô con; 4 xe máy (3 xe máy, 1 xe máy điện) với tổng cộng 9 người.
Khoảng 50 m cầu bị sập hoàn toàn
Một phần cầu trôi vào ven bờ cách vị trí cầu khoảng 50 m
Nước chảy xiết khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn trong công tác cứu nạn, cứu hộ
Lực lượng chức năng khảo sát hiện trường để tìm phương án cứu nạn, cứu hộ
Nhiều người ngóng trông về tin tức của các nạn nhân là thân nhân
Theo Người Lao Động