Mỗi quốc gia, vùng miền sẽ lại có những phong tục, thói quen và quy tắc trong ăn uống riêng. Tuy nhiên, có những nơi mà chỉ hành động nhỏ cũng gây ra hiểu lầm đáng tiếc xoay quanh bàn ăn.
Ai Cập: Nếu món ăn đang dùng có phần nhạt hơn so với khẩu vị quen thuộc, đừng rắc thêm muối vì đây là hành động có ý chê trách đầu bếp không nấu ăn ngon.
Đối với ở Anh, khi thưởng thức món súp cũng cần có nghệ thuật, khi ăn nên ăn từ mép thìa có thể nghiêng cả thìa và bát để tỏ phép lịch sự với chủ nhà.
Hầu hết người Ả rập thường ăn bằng tay, nhưng không phải tay nào cũng được dùng để bốc thức ăn. Nước này quy định, khi bốc ăn chỉ dùng tay phải, không được dùng tay trái, bởi đây là bàn tay không sạch sẽ.
Trong bàn ăn của người Hàn Quốc, những người lớn tuổi nhất trong nhà thường ngồi đầu tiên, sau đó đến những người ít tuổi nhất. Và khi ăn phải đợi người đàn ông lớn tuổi nhất bắt đầu gắp thức ăn thì mới được ăn. Nếu được ai đó lớn tuổi mời nước thì hãy đón nhận nó bằng hai bàn tay.
Trái ngược với đất nước Ả rập, thì những người Chile lại sử dụng dao và dĩa để ăn. Họ không bao giờ dùng tay bốc món gì, kể cả khoai tây chiên cũng cần dùng dĩa, chứ không thò tay vào.
Kazakhstan: Trong một bữa ăn có phục vụ trà, tách trà thường sẽ chỉ được rót một nửa. Người Kazakhstan cho rằng nếu tách trà được rót đầy nghĩa là chủ nhà đang muốn tiễn khách.
Với văn hóa ẩm thực đất nước mặt trời mọc, khi muốn gắp thức ăn mời một ai đó thì tuyệt đối không nên dùng đũa để di chuyển, bởi theo truyền thống của người Nhật Bản, đũa dùng để chuyền xương cho người chết, nếu thực hiện hành động đó trước một người Nhật Bản thì họ sẽ đánh giá không cao. Bên cạnh đó, nếu trong bữa ăn đặt dọc đũa trên đồ ăn cũng là một điều cấm kỵ tại Nhật Bản. Nếu đang trong nhà hàng, điều này được coi là thất lễ với ông chủ.
Pháp: Người Pháp ăn uống rất từ tốn, thậm chí là chậm chạp. Khi dùng bữa, cũng đừng vội vàng ăn quá nhanh. Họ cho rằng những người ăn nhanh sở hữu tính cách không tốt. Không nên bỏ lại thức ăn thừa, họ sẽ nghĩ rằng mình nấu ăn dở tệ.
Ở Tanzania, đến sớm hay đến đúng giờ trong bữa ăn là một việc làm tối kị, điều này thể hiện vị khách này không tôn trọng chủ nhà. Vậy nên, để thể hiện phép lịch sự thì phải đến muộn 20 phút mới là phong tục của người Tanzania.
Trung Quốc: Nguyên tắc thứ nhất cần nhớ là đừng bao giờ chĩa đũa vào người đối diện, đó là biểu hiện của sự khiếm nhã. Nguyên tắc thứ hai đó là không bao giờ cắt sợi mì khi ăn. Họ quan niệm rằng sợi mì càng dài tượng trưng cho việc sống thọ, cắt mì đồng nghĩa với chết sớm.
Italy: Khi bạn từ chối lần đầu lời mời dùng bữa của một người Italy, điều đó có thể vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên, trong lời mời thứ hai, bạn nhất định phải nhận lời nếu không muốn tình cảm rạn nứt.
Theo An Ninh Thủ Đô