Khi trẻ có thái độ bướng bỉnh, thiếu tôn trọng, bắt nạt người khác, cha mẹ cần đưa ra biện pháp thích hợp để giúp con sửa đổi.
Sự nghịch ngợm, bướng bỉnh của trẻ đôi khi thách thức tinh thần của cha mẹ. Điều này là bình thường khi trẻ đang muốn thể hiện cái tôi của bản thân, quan điểm cá nhân và khám phá thế giới.
Nhưng nếu trẻ lặp lại quá thường xuyên, thói quen xấu sẽ trở nên trầm trọng hơn trong tương lai. Vì vậy, cha mẹ cần có phương pháp thích hợp để thay đổi thói quen xấu của trẻ, giúp các bé nhận ra điều nên và không nên làm.
Thiếu tôn trọng
Theo tạp chí Parenting Science, khi thường xuyên thiếu tôn trọng bạn hoặc người lớn, về cơ bản, trẻ gửi thông điệp rõ ràng rằng chúng không cần để ý tới cảm giác của người khác. Khi trẻ mắc phải lỗi này, cha mẹ cần đưa ra những hình thức xử lý để con biết điều đó không đúng.
Thông thường, trẻ em là tấm gương phản chiếu những hành động, thái độ của cha mẹ. Vì vậy, bạn hãy nhớ thể hiện thái độ tốt khi trò chuyện, giao tiếp với con. Bạn chỉ cần nói cảm ơn khi con làm điều gì đó cho mình hoặc có thái độ lịch sự mỗi lần nhờ các bé làm việc.
Thái độ thiếu tôn trọng người khác là hành vi rất xấu ở trẻ nhỏ. Ảnh: Verywellfamily.
Bướng bỉnh, không lắng nghe
Thông thường, những đứa trẻ thiếu tôn trọng người khác sẽ không lắng nghe. Đôi khi, trẻ có thể thực sự bị phân tâm hoặc lơ đễnh khiến bạn phải nói lại nhiều lần. Nhưng điều đó cũng có thể do bé không muốn nghe vì nghĩ rằng việc này sẽ không gây hậu quả nghiêm trọng.
Lúc này, bạn cần đưa ra cảnh báo cho con ngay lập tức như “Nếu con không dọn dẹp phòng, bàn học của mình ngay bây giờ, tối nay, con sẽ không được xem tivi hay chơi trò chơi”. Bạn cần đảm bảo thực hiện cảnh báo đó nếu trẻ vẫn không tuân thủ.
Vô ơn và tham lam
Nhiều gia đình luôn muốn cho con mọi thứ chúng muốn và cố gắng đáp ứng đòi hỏi của trẻ mọi lúc. Tuy nhiên, điều này lại vô tình tạo ra thói quen đòi hỏi, tính cách tham lam của trẻ.
Để tránh làm hư trẻ, cha mẹ có thể để các bé tự kiếm hoặc tiết kiệm tiền tiêu vặt. Bạn cũng cần dạy trẻ cách trải nghiệm và bày tỏ lòng biết ơn cũng như thái độ tình nguyện khi giúp đỡ người khác. Điều đó sẽ giúp bé giảm lòng tham và trân trọng những gì con có.
Giận dữ, hay cáu kỉnh
Trẻ mới biết đi hoặc học mẫu giáo cáu kỉnh và có biểu hiện bực tức có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, khi trẻ ở độ tuổi đi học (5-6 tuổi), hành vi la hét, khóc lóc mọi lúc hoặc thậm chí nằm lăn ra đất để bày tỏ thái độ của mình là điều bất thường.
Theo Huffington Post, cha mẹ nên dạy trẻ cách kiểm soát, bình tĩnh khi bày tỏ sự thất vọng của mình. Khi trẻ cáu giận, hãy yêu cầu bé vào phòng hoặc ngồi một góc, yên lặng cho tới khi bình tĩnh hơn. Khi bé thiết lập lại cảm xúc và có thể lắng nghe, hãy cho con biết cơn giận dữ sẽ không giúp đạt được điều mình muốn. Bạn cũng nên cho bé biết cách xử lý tình huống tốt hơn khi giận dữ.
Cha mẹ cần kiểm soát cơn giận dữ vô cớ của trẻ. Ảnh: Familydoctor.
Bắt nạt
Cha mẹ thường lo lắng con có thể bị bắt nạt và nói với bé về việc phải làm gì nếu điều đó xảy ra. Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu con bạn là kẻ bắt nạt?
Khi nghi ngờ hoặc phát hiện con có hành động ác ý, hung dữ, xúc phạm ai đó, cha mẹ cần nói chuyện với con ngay lập tức. Bạn cần tìm hiểu lý do con làm những điều này. Sau đó, bạn hãy cho bé biết nguyên nhân đó không thể chấp nhận, sẽ có hại cho cả con và người bị bắt nạt.
Nói dối
Tất cả trẻ em đều nói dối vào một thời điểm nào đó. Thông thường, những đứa trẻ còn rất nhỏ không phân biệt được giữa nói dối và trò chơi tưởng tượng. Nhưng khi trẻ lớn hơn, chúng có thể cố tình nói dối vì những lý do cụ thể (như tránh bị phạt).
Khi phát hiện con có thói quen xấu này, cha mẹ cần tìm hiểu điều gì ẩn sau hành vi đó. Bạn hãy bày tỏ mong muốn con dừng lại và cho bé thấy lý do nói dối sẽ gây hại cho các mối quan hệ của trẻ.
Theo Zing