Từng là đặc sản trên các kênh sóng, tuy nhiên các gameshow truyền hình thời gian qua đang trở nên bão hòa, có dấu hiệu ‘hụt hơi’ cả về yếu tố chuyên môn lẫn nội dung các chương trình.
Vietnam Idol không được đánh giá cao khi trở lại sau 7 năm vắng bóng. Ảnh: M.Q.
Thất bại sau thành công
Việc mua bản quyền nước ngoài của các gameshow truyền hình, đặc biệt là chương trình tìm kiếm tài năng thời gian qua không chỉ là nơi chắp cánh sự nghiệp cho nhiều nghệ sĩ trẻ mà còn mang đến cho khán giả những bữa tiệc nghệ thuật giải trí. Nhiều chương trình đã trở thành những thương hiệu, luôn thu hút một lượng lớn khán giả theo dõi, tương tác trên các nền tảng mạng xã hội. Lĩnh vực âm nhạc có Vietnam Idol, The Voice, Rap Việt… Tranh tài về kiến thức có Vua tiếng Việt, Nhanh như chớp, Đường lên đỉnh Olympia…; Khiêu vũ, nhảy múa là Thử thách cùng bước nhảy, Bước nhảy hoàn vũ…
Điểm cộng cho các chương trình chính là việc được ưu ái phát sóng trong các khung “giờ vàng” vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên, làm gameshow tràn lan đang mang đến những hiệu ứng trái chiều. Sau thành công ở 3 mùa giải, chương trình Rap Việt mùa 4 cũng đang úp mở thông tin sẽ ngừng lên sóng trong năm 2024 và sẽ quay trở lại vào năm 2025. Nguyên nhân có thể là chương trình không tìm được đủ dàn thí sinh chất lượng.
Trước đó, bắt đầu lên sóng vào năm 2007, Vietnam Idol chính là chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam dành cho những người muốn bước vào con đường ca hát. Thậm chí có thời điểm chương trình thành công đến mức gây dựng lại phong trào ca hát, niềm tin khán giả vào show âm nhạc trên truyền hình. Hàng loạt ca sĩ nổi tiếng có bệ phóng từ cuộc thi là Uyên Linh, Trọng Hiếu, Quốc Thiên, Văn Mai Hương, Thanh Duy…
Dù thành công rực rỡ nhưng Vietnam Idol cũng phải dừng phát sóng trong nhiều năm. Thậm chí sau 7 năm trở lại, chương trình cũng chỉ tạo ấn tượng trong nhưng tập đầu tiên sau đó dần mất nhiệt khi số lượng người xem và lượng tương tác giảm rõ rệt. Nhiều khán giả cho rằng, dàn thí sinh của Vietnam Idol ở lần trở lại này mặc dù đồng đều nhưng lại thiếu giọng hát, nội lực, thiếu những cá tính mạnh hoặc giữa các thí sinh không có sự khác biệt rõ nét. Điều này sẽ làm chương trình thiếu sức hút.
Mới đây nhất là “Ca sĩ mặt nạ”, dù được đánh giá là chương trình đáng xem ngay ở lần đầu ra mắt cũng đang “mất điểm” ở mùa thứ hai. Nguyên nhân hầu hết các tiết mục của những nhân vật giấu mặt đa số nhạt nhòa, không còn được chia sẻ ồ ạt trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, Ban giám khảo thì liên tục đưa ra những suy đoán ngờ nghệch sau mỗi tiết mục trình diễn khiến một bộ phận người hâm mộ chương trình cảm thấy khó chịu và cho rằng dàn cố vấn đang cố tình đóng kịch. Không ít người xem đã so sánh chương trình với mùa 1 và đánh giá các ca sĩ ẩn sau những Mascot (mô hình hay trang phục mô phỏng các linh vật, nhân vật hoạt hình) khá dễ đoán, thiết kế phục trang cũng kém đặc sắc hơn.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Có thể nói, các chương trình giải trí trên truyền hình đang đặt ra những thách thức cho các nhà sản xuất trong việc phải tự làm mới mình, nếu không muốn phải dừng cuộc chơi, đòi hỏi các nhà sản xuất tìm mọi cách để “thay áo” nhằm giúp các gameshow thêm nhiều yếu tố thu hút khán giả. Nhiều chương trình hiện nay các yếu tố gây chú ý không phải là tài năng hay chất lượng mà chỉ là những câu chuyện hậu trường ầm ĩ. Đáng buồn hơn là câu chuyện trong một số chương trình, người đăng quang trong không để lại dấu ấn đặc biệt với khán giả, bị cộng đồng mạng thờ ơ.
Từng ngồi ghế nóng trong các gameshow về âm nhạc, nhạc sĩ Đức Huy bày tỏ: “Tôi nghĩ, khán giả yêu thích thì cũng có lúc người ta sẽ thay đổi, có thể khán giả mong đợi nhiều hơn những gì mà chương trình làm được. Không gì có thể tự mình vững chãi, nó phải dựa vào nhiều yếu tố khác. Hiện nay khán giả xem truyền hình đã khắt khe hơn, vậy nên các chương trình cần phải sửa đổi để thích ứng”.
Nhạc sĩ Huy Tuấn, giám khảo chương trình Vietnam Idol bày tỏ, độ thu hút của một chương trình truyền hình thực tế hay gameshow bị giảm là bình thường trong bối cảnh cạnh tranh hiện tại. Theo ông Tuấn, điều này cũng phản ánh xu hướng tiếp nhận của khán giả, là yếu tố “thật” của những chương trình này. Từ đó, nhà sản xuất, thí sinh tham gia cũng có sự lắng nghe, điều chỉnh cho phù hợp hơn, nhằm đáp ứng được thị hiếu của công chúng, nâng cao chất lượng trong các mùa sau.
TS Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu thanh niên) cho rằng, các gameshow âm nhạc được tổ chức trong thời gian qua đã phần nào thỏa mãn nhu cầu tiếp cận thần tượng của giới trẻ và thỏa mãn đam mê của nhiều bạn trẻ với âm nhạc. Tuy nhiên, nhà sản xuất chương trình đôi khi chọn cách khai thác chưa phù hợp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Để các chương trình âm nhạc trên truyền hình đảm bảo tiêu chí giải trí và giáo dục, các cơ quan quản lý văn hóa cần giám sát chặt việc phát sóng của các chương trình. Các nhà đài, nhà sản xuất cũng phải nghiên cứu kỹ nội dung khi xây dựng chương trình và ngay từ trước khi phát sóng.
Theo Đại Đoàn Kết