Với kết quả ‘cả làng cùng vui’, giải thưởng cuộc thi Học viện cải lương chỉ mang tính chất động viên, khích lệ là chính.
Chung kết Học viện cải lương diễn ra vào tối 23/6, gây tranh luận khi trao giải cho 5 quán quân (Biện Thuy, Tú Tri, Quách Phú Thành, Hùng Vương, Melany Trần) và 5 á quân (Lương Vĩ, Kim Cương, Minh Thái, Tuấn Kiệt, Bảo Ngọc).
Kết quả này khiến nhiều người bất ngờ. Bởi theo quy định ban đầu, chỉ có 1 quán quân nhưng ban giám khảo đánh giá các thí sinh đã thể hiện xuất sắc nên lại quyết định phá luật trao đến 5 giải quán quân và 5 giải á quân.
5 quán quân (cầm cúp) của Học viện cải lương mùa đầu tiên gồm: Quách Phú Thành, Hùng Vương, Tú Tri, Melany Trần và Biện Thuy. (Ảnh: BTC)
Đây không phải lần đầu tiên chương trình phá luật chơi. Trước đó, ở vòng bán kết (tập 11), giám khảo NSND Bạch Tuyết quyết định phá luật đưa cả top 10 vào tranh tài ở vòng chung kết, thay vì chỉ 4 thí sinh như dự định.
Như vậy, cả 10 thí sinh được đưa vào chung kết đều có giải. Với kết quả “cả làng cùng vui”, nhiều khán giả lo ngại giải thưởng cuộc thi có thể giảm giá trị, chỉ mang tính chất động viên, khích lệ là chính.
Ban Giám khảo đêm chung kết gồm có: NSND Trọng Phúc, danh ca Châu Thanh, Viện trưởng – NSND Bạch Tuyết, bà Xuân Trang – hiệu trưởng Trường đào tạo kỹ năng John Robert Power, nghệ sĩ Thanh Hằng và MC Hữu Luân (từ trái sang). (Ảnh: BTC)
Trả lời Báo Giao thông về tranh luận sau đêm chung kết, anh Dunal Trần – đại diện ê kíp Học viện cải lương cho biết, không phải ngẫu nhiên khi ngay sau vòng casting, chương trình đã có một vòng thi bước đệm mang tính thử thách với các kỹ năng thi – ca – vũ – nhạc – kịch.
Đến vòng bán kết, với top 10 thí sinh, ban giám khảo đã phá luật khi quyết định giữ nguyên 10 gương mặt đầy triển vọng, tài năng. Rất may mắn khi nhà sản xuất và đặc biệt là khán giả đã tôn trọng và ủng hộ vòng thi không loại thí sinh này.
Theo Dunal Trần, mục đích cuối cùng của chương trình không hẳn là các ngôi vị quán quân hay á quân, chương trình cũng không đi tìm giọng ca riêng lẻ. Format của chương trình là tìm ra những gương mặt kép chánh, đào thương cùng với dàn diễn viên tính cách tương lai, với hài – độc – lẳng – mùi – lão… – tất cả các nhân tố hội tụ của một gánh hát hoàn chỉnh.
“Chính vì vậy, ngay trước giờ chung kết, các thành viên Ban Giám khảo, nhà sản xuất đã họp bàn và thống nhất: Nếu cả 10 thí sinh đều thể hiện tốt và không phạm lỗi gì, cộng với điểm các phần thi trước mà đều cao như nhau. Chúng tôi sẵn sàng trao giải cho cả 10 bạn.
Với tiêu chí đo ni đóng giày trên từng chất giọng, phong cách biểu diễn, với nỗ lực tạo ra một không gian học nghề, giao lưu mở rộng, trình diễn… Học viện cải lương đã hoàn thành ý nguyện giới thiệu một tập thể diễn viên trẻ và mới, một “gánh hát” thu nhỏ với bảng phân vai đã định hình.
Sau mùa giải này, chúng tôi sẽ còn tiếp tục rèn giũa các bạn trẻ bài học làm nghề, làm người”, anh Dunal Trần nói thêm.
Cuộc thi Học viện cải lương là dự án của NSND Bạch Tuyết. Chương trình được xây dựng theo dạng học viện có Viện trưởng là NSND Bạch Tuyết cùng nghệ sĩ cải lương Châu Thanh, Thanh Hằng và nhạc sĩ, NSND Thanh Hải đồng hành xuyên suốt với thí sinh trong chương trình để đào tạo, truyền nghề.
Chương trình gồm 12 tập, hướng đến xây dựng hình ảnh nghệ sĩ cải lương thế hệ mới, không chỉ làm nghề, mà còn làm văn hóa.
Theo báo Giao Thông