Hàng loạt chương trình cover (hát lại, làm mới) lên sóng truyền hình thời gian qua đã thu hút sự chú ý của khán giả, từ The cover show – Sắc màu thời gian cho đến The Cover Arena… Trên YouTube, nhạc cover cũng trở nên phổ biến để nhiều giọng ca chưa tên tuổi tìm kiếm cơ hội bước chân vào showbiz.
Gần đây, khán giả đã chứng kiến sự xuất hiện của “hiện tượng cover” Tăng Phúc. Giọng ca này đã có những thành công đáng ngạc nhiên, được rất nhiều người yêu thích mà ngay cả các ngôi sao hạng A cũng mơ ước. Đơn cử, sản phẩm cover “Chỉ là không cùng nhau” của Tăng Phúc đã thu hút đến trên 96 triệu view (lượt xem).
Nhiều giọng ca cover đình đám đã nhận được “vé thông hành” bước vào showbiz, trong đó không ít người đã trở thành ca sĩ tiềm năng. Song, nhiều “hiện tượng” đã khiến khán giả thất vọng vì giọng ca chưa đạt chuẩn, chẳng hạn “thánh cover” Hương Ly.
Việc nhiều người nháo nhào cover là có lý do. Ca khúc hay, đủ để giúp ca sĩ trở nên nổi tiếng với một bản hit ngày càng hiếm hoi. Vì vậy, cover là giải pháp mà nhiều người lựa chọn.
The cover show – Sắc màu thời gian đang diễn ra thu hút khán giả truyền hình. (Ảnh do chương trình cung cấp)
Thế nhưng, cover quá nhiều cũng để lại những mặt trái. Việc ca sĩ Han Sara và ê-kíp của cô biến tấu ca khúc “Cô gái mở đường” (phối lại với nhạc điện tử, thay đổi phần lời và thêm rap) cùng phần trình diễn với trang phục nhạy cảm trong chương trình “The Heroes” (phát sóng trên VTV3) đã khiến nhiều người phản ứng. Han Sara và đại diện ê-kíp cũng như nhà sản xuất chương trình sau đó đã lên tiếng xin lỗi; clip phần trình diễn này trên YouTube, TikTok cũng bị gỡ bỏ. Tuy nhiên, sự việc này một lần nữa đặt ra vấn đề cần hiểu thế nào cho đúng về ranh giới giữa sáng tạo và “phá nát” ca khúc khi hát lại hay làm mới.
Trong các chương trình cover đang được phát sóng trên truyền hình, một vài giọng ca trẻ cũng để lại dấu ấn với khán giả khi làm mới một số ca khúc đã quá quen thuộc bằng chất giọng và sự sáng tạo của mình. Dù vậy, việc làm “sống lại” những bản hit cũ chỉ là để “cho vui”, chứ không thể trở thành giải pháp để vào nghề hay tìm kiếm sự nổi tiếng. Trong guồng quay âm nhạc, sáng tạo chính là nền tảng của sự phát triển. Song, việc tiếp thu những nền tảng, giá trị đã có để sáng tạo nên cái mới hoàn toàn khác với chuyện dựa hẳn vào những thành tựu, giá trị cũ để tìm kiếm sự thành công, nổi tiếng.
Theo nhạc sĩ Hoài Sa, Giám đốc Âm nhạc chương trình “The cover show”, ca khúc được chọn cover thường là những tác phẩm hay, có giá trị, gắn với ký ức của nhiều người. Bởi vậy, ca sĩ hát lại ca khúc cũ dễ bị “soi” và không phải lúc nào khán giả cũng dễ chấp nhận việc làm mới những tác phẩm đã in sâu vào tiềm thức họ.
Trong khi đó, nhạc sĩ Minh Nhiên cho rằng cần phải hiểu cover không đơn thuần chỉ là hát lại ca khúc. Đó là công việc đòi hỏi ca sĩ và cả nhạc sĩ hòa âm, nhà sản xuất phải sáng tạo để tạo nên dấu ấn mới cho tác phẩm.
Như vậy, cover nếu đúng cách cũng là một sự sáng tạo. Thế nhưng, nếu cứ sa đà vào việc cover thì đâu còn đất để những sáng tác mới được thể hiện, phổ biến?
Theo Người Lao Động