Châu Âu được xem là chặng lưu diễn bất ổn nhất của ‘Eras Tour’ khi liên tiếp vướng vào ồn ào không đáng có, từ việc fan phá hàng rào đến Taylor Swift bị gây áp lực phải tỏ rõ lập trường chính trị.
Chặng diễn châu Âu của Taylor Swift không suôn sẻ như mong đợi. Ảnh: Getty Images.
Taylor Swift bị gây áp lực
Ngày 9/5, sau vài tháng nghỉ ngơi, Taylor Swift khởi động lại chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới Eras Tour với hành trình chinh phục châu Âu, bắt đầu từ Paris (Pháp). Như thường lệ, sự xuất hiện của người đẹp sinh năm 1989 như cơn bão “càn quét” mọi điểm dừng chân, với những show diễn hết sạch vé và mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho các thành phố.
Tuy nhiên, cùng với những đêm diễn thành công, Taylor và ê kíp gặp không ít ồn ào không đáng có, khiến châu Âu trở thành chặng lưu diễn bất ổn nhất của Eras Tour.
Mở đầu cho chuỗi vận xui của Taylor là khi Eras Tour đến thành phố Lisbon (Bồ Đào Nha) sau khi rời Paris (Pháp). Ngay trước đêm diễn đầu tiên vào ngày 24/5, đám đông người hâm mộ trở nên hỗn loạn do phải chờ đợi lâu hơn dự kiến cả tiếng đồng hồ giữa thời tiết nóng bức để được vào sân vận động Estádio da Luz.
Theo thông báo, cổng mở cửa cho khán giả có vé mời hợp lệ vào lúc 16h. Tuy nhiên, có thông tin cho biết người hâm mộ không được phép vào bên trong cho đến 16h45. Sự chậm trễ này khiến những người vốn đã xếp hàng từ trước đó rất lâu trở nên bực bội và hét vào mặt nhân viên an ninh: “Cho chúng tôi vào”. Tình hình sau đó càng khó kiểm soát hơn khi 200 khán giả đã phá hàng rào, vượt qua cổng an ninh và tiến vào sân vận động trong sự khiếp sợ của đội ngũ bảo vệ.
Sau sự việc, Taylor không đưa ra lời xin lỗi vì sự chậm trễ và để fan phải chờ đợi. Ban tổ chức cũng không trả lời email khi được hỏi về lý do bắt đầu muộn.
Người hâm mộ phá hàng rào để vào sân vận động Estádio da Luz sau thời gian dài chờ đợi dưới nắng nóng. Video: Daily Mail.
Trong những ngày ở lại Lisbon, Taylor phải đối mặt với rắc rối khác là bị người hâm mộ gây áp lực phải tỏ rõ lập trường về cuộc xung đột Israel – Hamas.
Không chỉ chia sẻ bức thư ngỏ kêu gọi nữ ca sĩ lên án các cuộc tấn công của Israel vào thành phố biên giới Rafah (phía Nam Dải Gaza) – nơi trú ẩn của người dân Palestine, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em – kèm hashtag #SwiftiesForPalestine trên mạng xã hội, người hâm mộ Taylor còn mang theo băng rôn, khẩu hiệu và cờ Palestine để nhắc nhở thần tượng phải có trách nhiệm.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các đêm diễn tại sân vận động Estadio Santiago Bernabeu ở Madrid (Tây Ban Nha) vào ngày 29/5.
Áp lực càng đè nặng lên giọng ca Anti-hero khi nhà sản xuất lâu năm của cô, Jack Antonoff, và Paramore, ban nhạc của Eras Tour, đều có động thái phản đối nạn diệt chủng của Gaza.
Taylor hiện chưa đáp lại lời kêu gọi của người hâm mộ. Cô được biết đến luôn giữ thái độ im lặng liên quan đến các vấn đề chính trị.
Trước đó, khi phong trào Blockout 2024 hay chiến dịch “hủy bỏ nền tảng của những người nổi tiếng” nổ ra, Taylor Swift là một trong những ngôi sao nằm trong “danh sách đen” cùng với Kim Kardashian, Beyonce, Kylie Jenner, Zendaya, Miley Cyrus, Selena Gomez, BlackPink…
Người hâm mộ muốn Taylor Swift tỏ rõ quan điểm về cuộc xung đột Israel – Hamas. Ảnh: X.
Ồn ào người vô gia cư bị đuổi
Ồn ào không chỉ xảy ra ở những buổi hòa nhạc đã kết thúc mà cả thành phố chưa đặt chân đến. Sau Madrid, Edinburgh (thủ đô của Scotland) là nơi tiếp theo chào đón Taylor Swift với 3 đêm diễn, bắt đầu từ ngày 7/6.
Với ước tính 215.000 người đến xem Taylor biểu diễn tại sân vận động Murrayfield trong 3 ngày, nhu cầu về chỗ ở tăng đột biến. Bất chấp giá phòng đắt hơn gấp đôi so với ngày thường, các khách sạn trong thành phố đều kín chỗ.
Giữa tình hình đó, các tổ chức từ thiện tỏ ra bức xúc khi người vô gia cư bị buộc phải rời đi để nhường chỗ cho các Swifties (fan Taylor Swift) đổ về thành phố. Theo Daily Mail, người vô gia cư được cung cấp chỗ ở tạm thời cách xa thủ đô tới hơn 160 km.
Shelter Scotland, tổ chức vận động cho quyền của người thuê nhà ở Vương quốc Anh, cho biết một số người mà họ hỗ trợ được đưa đến thành phố Aberdeen và Glasgow bằng taxi. Có người còn bị đưa đến thành phố Newcastle on Tyne ở Đông Bắc nước Anh, cách 166 km về phía nam Edinburgh.
Giám đốc Shelter Scotland, Alison Watson, cảnh báo: “Ở Edinburgh, tình trạng khẩn cấp đó hiện khiến những người vô gia cư phải cạnh tranh trực tiếp với khách du lịch. Một sự bất công trắng trợn. Các dịch vụ tuyến đầu của chúng tôi đã chứng kiến những người cần chỗ ngủ được thông báo rằng lựa chọn duy nhất của họ là rời khỏi thành phố. Một gia đình đang trải qua nỗi đau vô gia cư ở Edinburgh không nên phải di chuyển hàng dặm khỏi nơi làm việc, trường học và cộng đồng để tìm chỗ ở khẩn cấp”.
Một người nằm trong túi ngủ ở ngưỡng cửa văn phòng Hội đồng Edinburgh vào tháng 12/2023. Ảnh: Getty Images.
Trước làn sóng phản đối, Jane Meagher, Ủy viên Hội đồng Thành phố Edinburgh, khẳng định tuyệt đối không chuyển người thuê nhà ra khỏi chỗ ở tạm thời để nhường cho những người hâm mộ Swift và đang nỗ lực tìm chỗ ở thay thế phù hợp cho những người bị ảnh hưởng.
“Một dấu hiệu của tình trạng khẩn cấp về nhà ở mà chúng tôi gặp phải ở Edinburgh là đôi khi chúng tôi phải sử dụng nơi dành cho khách du lịch để làm chỗ trú chân cho các hộ gia đình vô gia cư. Chúng tôi biết những nơi đó không có sẵn quanh năm, đặc biệt là trong những tháng hè bận rộn, vì vậy chúng tôi miễn cưỡng sử dụng những nơi đó như là phương sách cuối cùng. Chúng tôi đã biết tình hình và đang làm việc với các hộ gia đình bị ảnh hưởng để tìm chỗ ở thay thế phù hợp”, bà Meagher nói.
Đại diện của Taylor Swift chưa lên tiếng về vấn đề này.
Theo Tiền Phong