Sau ‘Pickleball’ của Đỗ Phú Quí, ca khúc ‘Tôi yêu Pickleball’ của Cát Tiên cũng trở thành tâm điểm bàn luận, cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng lớn của môn thể thao này.
Ca khúc “Tôi yêu Pickleball” nhận về nhiều lời chê bai từ cộng đồng mạng.
Sau khi ca khúc Pickleball của Đỗ Phú Quí vang lên trong concert Anh Trai Say Hi tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) bất chấp những lời chê bai, một bài hát khác về môn thể thao thịnh hành này cũng nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội.
Ca khúc Tôi yêu Pickleball của Cát Tiên được phát hành từ 2 tháng trước, đang nhận được sự chú ý từ công chúng. Giống với bài hát Pickleball của Đỗ Phú Quí, ca khúc này cũng bị nhận xét là “thảm họa”.
Một số ý kiến cho rằng Tôi yêu Pickleball giống nhạc nền phát trong siêu thị, trên loa phường. Mặc dù không nhận được phản hồi tích cực từ phía khán giả, nhiều bài hát liên quan đến môn thể thao hot vẫn liên tục ra đời.
Tình trạng trên phản ánh sự phát triển vượt bậc của pickleball tại Việt Nam. Môn thể thao này dần trở thành một phần của văn hóa đại chúng, là nguồn cảm hứng sáng tác lớn. Song, mặt khác, một bộ phận nghệ sĩ cũng mượn “sóng” pickleball để thu hút sự quan tâm.
Ca khúc Tôi yêu Pickleball của Cát Tiên bị chỉ trích, được ví như “thảm họa”.
Không chỉ là thể thao
Pickleball bắt đầu thu hút sự chú ý tại Việt Nam từ tháng 4 năm nay, chính thức trở thành cơn sốt vào tháng 8.
Theo báo cáo Xu hướng thảo luận của người dùng về các môn thể thao hot nhất MXH 2024 của YouNet Media, sự quan tâm của công chúng đối với pickleball ngày càng gia tăng.
Trong 8 tháng đầu năm nay, pickleball thu về 189.000 lượt thảo luận, đánh dấu sự tăng trưởng lên đến 400%. Đáng chú ý, chỉ trong tháng 8, số lượng cuộc thảo luận liên quan đến bộ môn này tăng trưởng gấp 7 lần, đạt con số 49.100.
Giống với các ca khúc liên quan đến bóng đá, các bài hát về pickleball cũng ra đời. Ảnh: FB/Đỗ Phú Quí.
Để giải thích cho “cơn sốt” pickleball trong 8 tháng đầu năm nay, báo cáo chỉ ra 3 nguyên nhân chính, bao gồm sự tham gia của KOL, giải đấu và cuộc thi trong nước, sự phát triển của các hội nhóm liên quan trên mạng xã hội.
Cụ thể, trên mạng xã hội Facebook, các nhóm nổi bật như Pickleball TP.HCM thu hút 31.000 thành viên, Cộng đồng Pickleball Việt Nam ghi nhận 69.900 thành viên và Giao lưu Pickleball Hà Nội hấp dẫn 163.800 người tham gia.
Ngoài ra, không thể phủ nhận rằng những cuộc tranh cãi góp phần tạo nên mức độ thịnh hành của pickleball trên mạng xã hội. Vấn đề trang phục luyện tập hở hang, phản cảm được đánh giá là không liên quan trực tiếp tới bộ môn, song vẫn nhận về lượt bình luận lớn.
Như vậy có thể thấy, pickleball dần vượt ra khỏi phạm vi của một hoạt động thể thao, trở thành một phần của văn hóa đại chúng. Các ca khúc được ví như “thảm họa” cũng góp phần vào những cuộc tranh cãi xung quanh bộ môn này.
Thậm chí, cụm từ “vượt mức pickleball” trong ca khúc Pickleball của Đỗ Phú Quí cũng trở thành tiếng lóng, được hiểu là “vượt quá giới hạn”, dựa trên bối cảnh của bài hát nói về mong muốn mối quan hệ chỉ nên dừng ở mức bạn bè chơi thể thao.
Tuy nhiên, điều này không chỉ xảy ra với pickleball. Khi sức ảnh hưởng của một môn thể thao gia tăng, các bài hát, điệu nhạc liên quan cũng theo đó xuất hiện.
Đối với bóng đá, người hâm mộ môn thể thao vua đều thuộc lòng các ca khúc như We Are the Champions (Queen), Waka Waka hay La La La (Shakira).
Nghệ sĩ hưởng lợi
Ở một mặt, âm nhạc góp phần gia tăng sức ảnh hưởng của thể thao trong đời sống. Mặt khác, các nghệ sĩ cũng hưởng lợi khi “đu trend”, tận dụng sức nóng của các bộ môn thịnh hành, giải đấu danh tiếng.
Ví dụ, Waka Waka, ca khúc chủ đề cho World Cup 2010 tại Nam Phi, đem đến nhiều cơ hội lớn cho Shakira. MV này hiện đạt 4,1 tỷ lượt xem trên YouTube.
Các ca khúc “đu trend” thể thao mang lại nhiều lợi ích cho nghệ sĩ. Ảnh: FB/Đỗ Phú Quí.
Bên cạnh việc dễ dàng quảng bá sản phẩm âm nhạc thông qua tất cả nền tảng trên toàn cầu, nữ ca sĩ này còn kết nối Quỹ Barefoot Foundation của mình với tổ chức One Goal của FIFA, mang đến nhiều chương trình giáo dục hơn cho trẻ em Nam Phi.
Tương tự, ca khúc Pickleball ra mắt hồi tháng 11 phần nào giúp khán giả biết đến tên tuổi của Đỗ Phú Quí. Chỉ sau 3 tuần phát hành, MV này đạt 3,8 triệu lượt xem trên YouTube. Bài hát cũng được sử dụng cho gần 17.000 video trên nền tảng TikTok.
Không chỉ bài hát gốc, các clip chế lời, chế giai điệu theo Pickleball cũng đang lan truyền mạnh mẽ, tạo ra một trào lưu trên mạng xã hội. Nhờ sức ảnh hưởng lớn này, ca khúc có cơ hội phát ra trên một sân khấu lớn.
“Thật sự không thể tin là Pickleball được vang lên tại SVĐ Mỹ Đình. Biết ơn vô cùng! Cảm ơn các bạn đã hát cùng Quí”, Đỗ Phú Quí chia sẻ trên trang cá nhân sau concert Anh Trai Say Hi.
Tôi yêu Pickleball của Cát Tiên cũng tạo hiệu ứng nhất định cho tên tuổi nữ ca sĩ trên không gian mạng, bất chấp những ý kiến trái chiều. Ngày 11/12, cô tung ra bản remix cho ca khúc này.
Dù chưa được khen ngợi về chất lượng, các ca khúc “bắt trend” pickleball mang lại nhiều lợi ích cho nghệ sĩ hơn thiệt hại.
Theo ZNews