1. Cao nguyên đá Đồng Văn
Kỳ quan thứ nhất là Cao nguyên đá Đồng Văn, đã tạo nên khung cảnh đá xám, nơi người dân “sống trong đá, chết vùi trong đá” cực kỳ đặc biệt cho Hà Giang.
Hà Giang, mảnh đất xa xôi “chim bay hai lần gãy cánh” mới đến nơi, án ngữ nơi cực Bắc của Tổ quốc. Hà Giang cũng lại là một vùng đất đá cổ xưa vào bậc nhất của Trái Đất, để Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận vào tháng 12 năm 2010.
2. Dinh họ Vương – Viên ngọc xanh giữa lòng cao nguyên
Kỳ quan thứ hai là viên ngọc xanh giữa lòng cao nguyên đá – Dinh thự họ Vương. Dinh thự xinh đẹp hình chữ Vương được bao quanh bởi hàng cây sa mộc, vẫn được bảo tồn một cách nguyên vẹn sau bao thăng trầm lịch sử, mưa gió dập vùi, mang theo nó là một câu chuyện lịch sử vô cùng hấp dẫn.
Dinh thự họ Vương được khởi công năm 1019 và hoàn thành 10 năm sau đó với tổng kinh phí lên đến 150.000 đồng bạc trắng (tương đương 150 tỷ đồng Việt Nam bây giờ). Mỏm đồi hình mai rùa quý hiếm cùng những dãy sa mộc vươn cao mạnh mẽ đã mọc lên một ngôi nhà hình chữ “Vương” sừng sững như in dấu giữa trời xanh.
3. Cột cờ Lũng Cú – “Nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc”
Kỳ quan thứ ba là Cột cờ Lũng Cú – “nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc”, mà bất kỳ ai là con lạc cháu hồng đều muốn được chinh phục một lần điểm cực Bắc thiêng liêng.
Quãng đường 1,5 cây số lên cột cờ Lũng Cú, vượt qua 389 bậc thang đá và leo thêm 140 bậc thang xoắn ốc ngay trong lòng cột cờ, ta sẽ đặt chân được tới đỉnh cột cờ Lũng Cú, Hà Giang – điểm cực bắc của Tổ quốc. Nơi có lá cờ đỏ sao vàng có diện tích 54m2, ẩn dụ của 54 dân tộc anh em, phần phật tung bay trong gió.
4. Con đường Hạnh phúc – 50 năm con đường của máu và hoa
Kỳ quan thứ tư là Con đường Hạnh phúc – con đường của máu và hoa. Con đường dài khoảng 200 km này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng. Mã Pì Lèng được du khách gọi một cách không chính thống là một trong “tứ đại đỉnh đèo” tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.
Con đường Hạnh phúc là cầu nối mang lại ánh sáng cho rẻo cao, không chỉ nhuốm công sức mà cả máu và mạng sống của bao thanh niên xung phong một thời. Năm nay cũng là kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành Con đường Hạnh phúc Hà Giang – Đồng Văn.
5. Đèo Mã Pì Lèng – “Bất đáo Pì Lèng phi phượt thủ”
Chỉ là một chút ví von ngô nghê của tác giả từ câu “Bất đáo trường thành phi hảo hán” (Chưa đến Vạn Lý trường thành chưa phải là hảo hán) thì với cảnh quan hùng vĩ mang tầm đệ nhất hùng quan, những cung đường hiểm trở có một không hai như đèo Mã Pì Lèng thì “Bất đáo Pì Lèng phi phượt thủ” (Chưa đến Pì Lèng chưa phải là phượt thủ bậc thầy).
Mã Pì Lèng là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa chỉ “Sống mũi ngựa” theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Tuy nhiên, theo một số người Mông bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là “sống mũi mèo”.
Lẽ ra, đèo Mã Pì Lèng cũng có thể xếp vào hàng “tứ đại kỳ quan” của Hà Giang, tuy nhiên, rất tiếc là đèo đã bị “bê tông hóa”. Và dù khung cảnh xung quanh vẫn rất hùng vĩ, nhưng chính bản thân những mỏm đá lởm chởm, bản sắc của đèo đã không còn được như xưa.
Theo Du Lịch TPHCM