Thực khách có thể khó tìm thấy bungeoppang (bánh cá chép) – thức bánh nổi tiếng của Hàn Quốc – trong thời gian tới.
Bánh bungeoppang trước đây từng xuất hiện nhiều trên đường phố Hàn Quốc. Ảnh: @joyousjetsetter.
Bungeoppang, một loại bánh ngọt hình cá chép nhân sốt đậu đỏ, dần vắng bóng tại các khu phố ẩm thực ở Hàn Quốc, theo Korean Times.
Sự sụt giảm này “rất đáng chú ý” bởi thứ bánh giá rẻ từng được người dân xứ sở kim chi ưa chuộng trong thời gian dài, khởi đầu từ năm 1990, đặc biệt là khi vào đông. Vào thời điểm đó, 10 bungeoppang chỉ có giá 1.000 won (0,72 USD).
Ngày nay, giá đã tăng ít nhất gấp 10 lần.
“Bungeoppang khan hiếm tới mức thực khách vô tình trả mức giá cao ngất ngưỡng tại những khu vực còn bán”, một trong số tờ báo lâu đời nhất Hàn Quốc cho hay.
Bungeoppang có ngoại hình khá giống taiyaki của Nhật Bản. Ảnh: @mapetitecoree_boutique.
Trên thực tế, những người bán hàng rong buộc phải tăng giá thành trong bối cảnh giá các nguyên liệu làm bánh chính như đậu đỏ, bột mì và dầu ăn tăng vọt trong năm nay. Tăng mạnh nhất là đậu đỏ (do lũ lụt, hạn hán vào tháng 7-9 ảnh hưởng đến năng suất đậu).
Tính đến tháng 11, giá đậu đỏ đã lên đến 264.000 won/40 kg, tăng 52% so với năm 2019, theo Tổng cục Thống kê Hàn Quốc. Giá bột mì và dầu ăn trong tháng 11 cũng lần lượt tăng 5,1% và 5,9% so với tháng trước.
Chưa kể, khí propan (một loại khí hydrocacbon thường dùng làm nhiên liệu máy sưởi, bếp nấu ăn, lò nướng bánh…) cũng tăng 9,9% so với năm ngoái.
Những đợt tăng giá này đã khiến bungeoppang không còn có neo ở mức giá 100 won/chiếc (khoảng 1,800 đồng).
Hiện, hầu hết nhà cung cấp bán bánh với giá 1.000 won/chiếc (khoảng 18,000 đồng) hoặc 3 cái với giá 2.000 won (khoảng 36,000 đồng).
Một số loại khác nhân kem thay vì đậu đỏ sẽ có giá nhỉnh hơn, rơi vào khoảng 2.000 won cho mỗi chiếc.
Giá một bánh cá chép Hàn Quốc có thể lên đến 1,000 won, theo Korean Times. Ảnh: @deannawoo.
Lạm phát giá bánh bungeoppang “đánh bật” một số xe bán hàng rong ở nước này.
Chứng kiến tình trạng trên, một nền tảng giao dịch đồ cũ trực tuyến ở Hàn Quốc đã ra mắt tính năng “bản đồ bungeoppang” trên ứng dụng vào cuối tháng 11, mục tiêu là giúp du khách tìm thấy cửa hàng bán bungeoppang “còn sót lại”.
Trong khi đó, các “ông lớn” ở lĩnh vực bánh kẹo cũng nhảy vào thị trường với quy mô sản xuất hàng loạt, đa dạng hương vị, mở rộng lựa chọn cho khách hàng đam mê thức bánh này khi đông về.
Các công ty lớn giới thiệu sản phẩm bungeoppang đông lạnh giúp thực khách dễ dàng mua tích trữ, làm nóng bằng lò vi sóng tại nhà và ăn dần. Theo Korean Times, những người vốn yêu thích thưởng thức ẩm thực đường phố cũng tỏ ra ngạc nhiên trước xu hướng mới này.
Shinsegae Food lần đầu tiên phát hành 3 loại bánh cá chép khác nhau vào năm 2022. Quy mô được mở rộng với nhân đậu đỏ, kem, socola, phô mai khoai lang và pizza.
Bánh taiyaki Nhật Bản (trái) và bungeoppang của Hàn Quốc. Ảnh: @wearelapecera, @dessinons_le_monde.
Công ty Ottogi thực phẩm như “trúng số độc đắc” vào năm ngoái khi ra mắt 2 loại bánh bungeoppang nhân khác nhau vào mùa đông, thu về doanh thu 3 tỷ won. Được đà lấn tới, vào tháng 7, đơn vị đã giới thiệu thêm 2 hương vị.
Một doanh nghiệp bánh khác là CJ Cheiljedang vào đêm trước mùa đông năm ngoái đã ra mắt 3 loại bungeoppang dưới thương hiệu thực phẩm đông lạnh Bibigo.
“Giá thành nguyên liệu tăng vọt đã đưa thị trường bungeoppang vào tay các “gã khổng lồ” ngành bánh kẹo. Cơn sốt này sẽ kéo dài một thời gian nữa”, một chuyên gia trong ngành nói với Korean Times.
Du khách có thể sẽ dễ nhầm lẫn bungeoppang của Hàn Quốc và taiyaki của Nhật Bản. 2 loại có ngoại hình khá giống nhau, đều là cá. Tuy nhiên, bungeoppang của xứ sở kim chi là cá chép, có vây lưng. Còn taiyaki của xứ sở Mặt Trời mọc là cá tráp với phần đuôi ngắn hướng lên trên.
Theo ZNews