Trước khi trở thành bà chủ của một tiệm bánh cuốn hơn 35 năm qua, bà Khanh từng đổ bánh ‘không công’ nhiều năm để học cách làm bánh cuốn nóng. Nhiều người Sài Gòn không ngại đợi 15 tới 30 phút để được thưởng thức.
Bà Khanh đổ bánh cuốn hơn 35 năm ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
“Đợi 15 phút nha”, bà Trần Minh Khanh (61 tuổi) vừa bận rộn khuấy bột, đổ bánh vừa nhắc khách mới bước vào quán. Bà giải thích, bà phải nói trước với khách vì không phải ai cũng có thời gian để đợi.
Cách chợ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) khoảng 100m, tiệm của bà Khanh là nơi quen thuộc của những người “thích” chờ. Thay vì khó chịu, với nhiều người, vừa đợi vừa ngắm bà Khanh đổ bánh cũng là một trong những điều níu chân họ.
Từng đổ bánh “không công”
Trước khi gầy dựng được tiệm bánh cuốn được nhiều người biết đến như hiện tại trước đây bà Khanh làm công nhân may cho một xí nghiệp tại Bình Thạnh, còn mẹ bà bán bánh cuốn ở khu chợ gần nhà.
“Lúc trước khu vực tôi ở vắng vẻ lắm, không có người nên tôi cũng không có ý định buôn bán gì. Mẹ tôi còn phải ra chợ bán thì mới có người mua. Rồi sau này khi đông đúc, nhiều người bảo nhà có mặt bằng tốt sao không mở tiệm bán gì đi. Vậy là tôi nghĩ ngay đến việc bán bánh cuốn”, bà nhớ lại.
Bà Khanh tự tay trộn bột đổ bánh ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
Mẹ bà Khanh trước đó cũng được một người bạn truyền nghề đổ bánh cuốn, vậy là mỗi buổi sáng bà Khanh đều đi đổ bánh “không công” cho bạn của mẹ để học cách làm bánh. “Sau nhiều năm đổ bánh, tôi cũng học được chút kinh nghiệm. Đến khi bà ấy sang nước ngoài định cư, tôi thì có ít vốn nên bỏ việc ở công ty để mở tiệm bán cho đến giờ luôn, ngót nghét cũng mấy chục năm rồi”, bà Khanh nói.
Ban đầu, việc kinh doanh của bà không được thuận lợi do chưa có nhiều khách quen, bà đổ bánh cũng chưa quen tay. “Rồi nghề dạy nghề, mình nấu từ từ thì cũng ngon lên, rồi nhiều người biết đến hơn. Cửa tiệm của tôi lúc đó xập xệ lắm, dần dần mới xây được cửa tiệm khang trang như bây giờ”.
Món bánh cuốn bắt mắt ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
Dĩa bánh cuốn của bà Khanh những ngày đầu là 4.000 đồng, sau đó tăng theo thời giá và hiện tại, một phần bánh cuốn tại quán có giá 35.000 đồng. Nhiều năm qua, cửa tiệm bà Khanh thường rơi vào cảnh “không kịp thở”, phần vì khách đông, phần vì khách gọi món thì bà mới bắt đầu đổ bánh, cuốn nhân.
Ông Nguyễn Thành Trung (46 tuổi, Q.Bình Thạnh) cho biết ông đã ăn ở tiệm bánh của bà Khang nhiều năm nay. “Thường thì tôi phải đợi tầm 15 phút mới được ăn ở tiệm này. Tôi có cảm giác như chỉ có khách đợi bánh chứ không phải bánh có sẵn rồi đợi khách mua. Tuy nhiên vì ngon nên mọi sự chờ đợi đều xứng đáng”, ông Trung cười nói.
Khi khách gọi món, bà Khanh múc phần bột đã được pha tráng đều một lớp thật mỏng vào khuôn vải, sau đó đậy nắp kín trong 5 phút. Sau đó, bà vớt bánh ra để vào một cái mâm to, bỏ phần nhân đã chuẩn bị vào bánh rồi cuốn lại, đưa lên đĩa. Bà không quên cho giá, hành phi và rau mùi vào để dậy hương vị món ăn. Dĩa thức ăn được đưa lên bàn cho thực khách thưởng thức còn giữ nguyên vị nóng của bánh cuốn “mới ra lò” nên hương vị rất “cuốn”.
Tỉ mỉ chọn lựa từng nguyên liệu
Nhiều thực khách ăn tại tiệm cho biết, đây là một trong những tiệm bánh cuốn hiếm hoi khiến họ sẵn sàng ghé lại nhiều lần để ăn.
Anh Nguyễn Nhật Thành (22 tuổi, Q.Gò Vấp) lần đầu tiên đến ăn tại quán. Anh nhận xét: “Tôi nghĩ đây là một trong những quán bánh cuốn ngon nhất mà mình từng ăn qua tại Sài Gòn. Nếu so giữa các quán với nhau thì quán này là “hàng hiệu” đó. Phần bánh mềm và nóng cũng như phần nước chấm rất vừa ăn. Chắc chắn tôi sẽ rủ bạn bè quay lại đây để thưởng thức”.
Nói về bí quyết để có một dĩa bánh cuốn ngon, bà Khanh cười nói không có gì quá phức tạp. Tất cả là sự dung hòa giữa các hương vị trong món ăn. “Mỗi nguyên liệu tôi đều lựa chọn kỹ lưỡng, chế biến tỉ mỉ nên hòa trộn chúng lại với nhau thì ngon thôi”, bà cười.
Khuôn tráng bánh cuốn ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
Ngày trước, để có phần bánh ngon bà phải tự tay xay bột, rồi pha theo công thức đã đúc kết được. Tuy nhiên, những năm gần đây, bà đã tìm thấy được một loại bột xuất khẩu ngon không kém phần bột bà xay nên bà chuyển sang dùng loại bột này. “Hành phi, mỗi ngày bán bao nhiêu thì tôi làm bấy nhiêu chứ không có dùng cho ngày sau. Chả tôi cũng mua loại tốt nhất. Tôi nghĩ khách hàng đã bỏ tiền ra thì mình phải làm sao cho họ thấy xứng đáng. Chứ mua hàng trôi nổi kém chất lượng thì sao mà coi được”, bà Khanh tâm sự.
Nhiều vị khách không ngại đợi lâu để được thưởng thức món bánh cuốn ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
Từ trước đến nay, mọi nguyên liệu đều do chính tay bà chọn. Đặc biệt, phần bột bánh do chính bà pha và đổ bánh. Bà nói: “Nhiều lần tôi có thuê người đổ bánh, vì làm không kịp nhưng họ đổ không đúng ý tôi nên tôi quyết định tự đổ luôn. Tôi nghĩ bí quyết lớn nhất để món ăn của mình ngon là do tôi tự tay đổ bánh đó, vì đổ hơn 35 năm nên quá quen rồi”, bà Khanh cười.
Nhiều thực khách nói đùa món bánh cuốn của bà Khanh là món “hàng hiệu” ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
Chị Trương Ni (31 tuổi, ngụ Đồng Nai) tự hào khoe mình là khách quen của tiệm từ những ngày đầu tiên. “Tôi ăn ở quán cô Khanh từ thời tôi còn là một đứa trẻ, giờ tôi đã có chồng, có con rồi theo chồng về Đồng Nai sống, nhưng lâu lâu vẫn nhớ hương vị món ăn của cô mà tìm về. Với tôi, món ăn này không chỉ ngon mà còn là tuổi thơ của mình nên có bắt tôi chờ 1 tiếng tôi cũng chịu”, chị nói.
Không chỉ chị Ni, nhiều thực khách ăn bánh cuốn của bà Khanh từ bé, đến khi lập gia đình lại dẫn cả nhà đến ăn bánh. Cứ như vậy, mỗi ngày khách vẫn ra vào tiệm bánh cuốn ở địa chỉ 283 Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh) của bà Khanh để chờ thưởng thức món ăn “hàng hiệu” này.
Theo Thanh Niên