Hủ tiếu Hồng Phát ra đời từ gần 50 năm trước ở TP.HCM, được Michelin trao danh hiệu Bib Gourmand 2 năm liên tiếp.
Sau gần 50 năm phát triển, ngoài địa chỉ số 389-391 đường Võ Văn Tần, Quận 3, hủ tiếu Hồng Phát còn có thêm chi nhánh ở TP Thủ Đức và đặc biệt là một chi nhánh ở Canada. Quán mở cửa từ 6h đến 22h hằng ngày.
Bà Đặng Thị Nguyệt (76 tuổi) – người sáng lập ra thương hiệu hủ tiếu này chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào khi nhận được giải thưởng Michelin Bib Gourmand trong hai năm 2023 và 2024. Đối với tôi, giải thưởng này tượng trưng cho sự công nhận của các thực khách dành cho tập thể Hồng Phát suốt thời gian qua”.
Bà Đặng Thị Nguyệt – người sáng lập ra thương hiệu hủ tiếu Hồng Phát.
Theo bà Nguyệt, bà là người gốc Việt, sinh ra và lớn lên tại Phnom Penh (Campuchia). Năm 1970, bà cùng chồng rời Campuchia đến Sài Gòn. Quen thuộc với món hủ tiếu Nam Vang ở Campuchia và nhờ tài nghệ nấu nướng của mình nên bà quyết định khởi nghiệp với món ăn này ở vùng đất mới. Năm 1975, hủ tiếu Hồng Phát có mặt ở TP.HCM, quán đặt theo tên con trai cả của bà.
Những ngày đầu mở quán, do quy mô nhỏ nên lượng khách bấp bênh, quán cũng gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ngoài bán ở quán, bà Nguyệt còn đẩy xe hủ tiếu ra công viên Tao Đàn và chợ Vườn Chuối bán thêm. Từ từ “tiếng lành đồn xa”, nhiều thực khách đến ăn một lần rồi trở thành khách quen của quán, tạo nên thương hiệu Hồng Phát hiện tại.
Món hủ tiếu khô tại hủ tiếu Hồng Phát.
Các kiểm định viên Michelin đặc biệt đề xuất hai món hủ tiếu Nam Vang và chả giò tôm cua của quán. Cụ thể, một tô hủ tiếu Nam Vang khô hoặc nước có giá 118.000 đồng gồm tôm sú tươi, tôm khô, thịt, gan, tim, trứng cút, huyết kho cùng nước lèo gia truyền. Rau ăn kèm gồm các loại tần ô, cần tàu, giá, hẹ, xà lách.
Một khay chả giò tôm cua có giá 145.000 đồng gồm tôm, cua, thịt bằm, củ sắn, nấm ăn kèm rau, dưa chua, nước mắm.
Hủ tiếu Hồng Phát.
Nói về hương vị đặc biệt của món ăn, bà Nguyệt cho hay, hủ tiếu Hồng Phát mang một số nét đặc trưng của đồ ăn Campuchia, đồng thời biến tấu cho phù hợp với khẩu vị của người dân TP.HCM.
Món hủ tiếu Nam Vang ở Campuchia chỉ có thịt heo, thịt bằm, phèo non ăn kèm rau và giá nên bà Nguyệt đã thêm nhiều nguyên liệu mà người Nam thích ăn. Điều tạo nên điểm khác biệt của hủ tiếu Hồng Phát là nước dùng và huyết kho. Nước dùng của hủ tiếu ninh từ xương và được bà Nguyệt cho thêm một số vị thuốc bắc bổ dưỡng.
Nhiều người thắc mắc tại sao hủ tiếu mà lại có huyết, bà Nguyệt lý giải: “Món huyết kho chỉ Hồng Phát có thôi. Huyết kho dẻo, dai khi ăn kèm hủ tiếu rất bắt vị. Nhiều thực khách đến Hồng Phát rất yêu thích thậm chí gọi riêng món này để ăn”.
Quán cũng ghi điểm với thực khách khi không dùng tô sành, sứ để đựng hủ tiếu mà sử dụng tô thủy tinh được nhập từ Pháp nhằm tăng sự hấp dẫn cho món ăn.
Chén huyết ăn kèm với hủ tiếu tại Hồng Phát.
Món chả giò tôm cua được Michelin đánh giá là một món khai vị tuyệt vời khi ghé Hồng Phát. Trước kia, quán chỉ bán hủ tiếu và bánh bao. Các nguyên liệu tôm, cua phải tươi ngon ướp cùng gia vị như bột nêm, muối, tiêu, hành. Chả giò Hồng Phát dùng loại bánh tráng đặc biệt để cuốn, được chiên giòn vừa chín tới.
Chị Valentine – một thực khách người Pháp chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến nhà hàng này. Tôm, cua thịt, mọi thứ ở đây rất tươi ngon. Đặc biệt là nước sốt đậm đà khiến tôi rất hài lòng”.
Món chả giò tôm cua của Hồng Phát được Michelin đánh giá cao.
Là khách ruột của quán, anh Nguyễn Hoàng Tuấn (37 tuổi) cho biết, hủ tiếu Hồng Phát thơm ngon, nước dùng không bị gắt, riêng sợi hủ tiếu mềm và dai, khi thưởng thức rất vừa miệng.
Sau khi được Michelin đề xuất, lượng khách đến quán tăng đến 40%, tính cả trong nước và quốc tế. Quán có nhiều khách trẻ trong nước và khách quốc tế nhiều nơi như Đông Nam Á, Trung Quốc và châu Âu. Nói về dự định, nữ chủ quán cho hay, quán sẽ nghiên cứu kỹ để bổ sung món mới và mong muốn mở thêm chi nhánh để mang ẩm thực của mình đến gần hơn với khách hàng.
Theo VTC