Món cơm vỉa hè có giá 35.000 đồng/suất, kèm canh khổ qua 15.000 đồng khiến vị khách Nhật Bản ăn không ngừng, hết lời xuýt xoa và khen ‘ngon nhất từng ăn trong đời’.
Papaken (35 tuổi, làm nghề sáng tạo nội dung) là người Nhật Bản, sống ở Hà Nội được hơn 2 năm.
Còn Kazuki Matsumoto (hay được biết đến với biệt danh Kiki) là một blogger người Nhật khá có tiếng, hiện sinh sống và làm việc tại TPHCM.
Trên kênh YouTube cá nhân với hàng trăm ngàn lượt theo dõi, 2 vị khách Nhật Bản thường xuyên chia sẻ video về trải nghiệm du lịch, ẩm thực tại một số tỉnh thành Việt Nam mà họ có dịp ghé thăm.
Kiki (trái) và Papaken (phải) thưởng thức cơm tấm vỉa hè ở TPHCM
Gần đây nhất, nhân dịp Papaken đến TPHCM, Kiki đã dẫn người bạn đồng hương tới một quán ăn địa phương trên đường Cô Giang (quận 1) để thưởng thức món cơm tấm nức tiếng.
Papaken tiết lộ từng trải nghiệm cơm tấm ở Hà Nội và đây là lần đầu anh ăn cơm tấm chính gốc tại TPHCM.
Kiki cho hay, tuy không phải địa điểm ăn uống phổ biến với khách du lịch nhưng quán thu hút rất đông người dân bản địa và vùng lân cận tới thưởng thức cơm tấm vỉa hè mỗi ngày.
Tại đây, 2 vị khách gọi 2 suất cơm tấm với sườn chả, ăn kèm canh khổ qua (mướp đắng) nhồi thịt.
Quán có phục vụ canh miễn phí, nếu khách gọi canh khổ qua riêng thì phải trả thêm 15.000 đồng/chén.
Kiki gọi 1 suất cơm tấm sườn, còn Papaken ăn cơm tấm sườn thêm chả
Một điều khiến Papaken ngạc nhiên là món cơm tấm ở quán chỉ phục vụ bằng thìa và dĩa thay vì ăn đũa như nơi khác.
Kiki giải thích rằng đây là cách ăn cơm tấm đặc trưng của người địa phương.
“Nếu ăn quen rồi thì lại thấy rất bình thường vì ở đây họ cũng không để đũa. Nhưng nếu chưa quen sẽ thấy khó hơn”, Kiki cho hay.
Trước khi thưởng thức, Papaken rưới đều nước mắm chua ngọt lên đĩa cơm. Kiki nói có thể rưới hoặc chấm tùy sở thích.
Nếm thử miếng sườn nướng đầu tiên, Papaken lập tức thốt lên “ngon quá”. Anh nhận xét sườn có tỉ lệ nạc và mỡ hoàn hảo, thịt nướng mềm, thơm và đậm đà chứ không quá khô.
“Cơm tấm ở đây thực sự rất ngon vì có mùi khói. Ngay khi cho vào miệng đã cảm thấy dậy mùi thơm cực kỳ”, anh nói.
Vị khách Nhật Bản liên tục khen ngon khi thưởng thức cơm tấm chính gốc tại TPHCM
Chung nhận định, Kiki cho rằng sườn ở đây được tẩm ướp vừa vặn, thấm đều gia vị. Khi ăn, thực khách cảm giác mùi khói như tan dần trong khoang miệng.
“Phần mỡ này ngon quá, là mỡ nhưng lại không thấy ngấy tí nào”, Kiki bày tỏ.
Theo cảm nhận của Papaken, không chỉ sườn nướng mà cơm tấm cũng ngon, hạt cơm mềm và nóng hổi. Bên cạnh đó là nước mắm chua ngọt vừa phải, hợp khẩu vị, còn chả rất ngon.
“Em ăn cơm tấm ở Hà Nội thấy cũng ngon rồi nhưng ăn ở đây còn ngon hơn”, vị khách Nhật Bản nhận xét.
Kiki tiết lộ từng nếm thử cơm tấm ở nhiều quán khác nhau tại TPHCM. Song anh thấy ấn tượng với món cơm tấm vỉa hè ở đây hơn vì giá bình dân và đồ ăn kèm như sườn, nước mắm đều được nêm nếm vừa vặn, không quá ngọt.
Với món canh khổ qua nhồi thịt, Papaken cũng ấn tượng vì hương vị thơm ngon hấp dẫn. Anh không thấy vị đắng mà lại cảm nhận được vị ngọt thanh, đậm đà từ nước dùng.
Kiki nhận xét cơm tấm “ngon đến mức muốn ăn hết cả phần xung quanh xương”, còn Papaken cũng ăn sạch mọi thứ trên đĩa
Vì quá yêu thích món cơm tấm vỉa hè ở TPHCM mà Papaken thưởng thức không ngừng. Anh liên tục đưa thức ăn lên miệng, vừa ăn vừa gật gù xuýt xoa khen ngon.
“Món cơm tấm ngon nhất từng ăn trong đời, thật sự luôn”, Papaken chia sẻ.
Còn Kiki thừa nhận món cơm tấm “ngon đến mức muốn ăn hết cả phần xung quanh xương”.
Vị khách 35 tuổi hết lời khen món cơm tấm vỉa hè
Được biết, quán cơm tấm mà 2 vị khách Nhật Bản ghé thăm là của chị Ngọc Thanh (52 tuổi) và chồng là anh Tấn Phong (53 tuổi).
Chia sẻ với PV VietNamNet, chị Thanh cho biết, trước đó 2 vợ chồng chị từng bán cơm tấm trên đường Cô Bắc (quận 1) khoảng 10 năm rồi nghỉ. Sau đó, họ mở quán trở lại trên đường Cô Giang, hoạt động đến nay được chừng hơn 4 năm.
Gọi là quán cơm nhưng thực chất chỉ là xe cơm tấm được đặt ngay góc đường Cô Giang với khu bếp nhỏ. Trên xe bày biện đầy ắp các món ăn được sắp xếp gọn gàng.
Quán mở bán từ 17h đến 23h, đông nhất là vào khung giờ tối.
Điểm bán cơm tấm vỉa hè của vợ chồng chị Thanh, anh Phong ở đường Cô Giang
Chị Thanh cho biết, món cơm tấm do 2 vợ chồng tự làm và chế biến. Ngoài ra, anh chị thuê thêm anh em, họ hàng phụ giúp, tạo công ăn việc làm cho họ hàng ngày.
Mỗi ngày, quán bán hết khoảng 30kg sườn.
Ngoài cơm sườn, thực khách có thể gọi các phần cơm với đồ ăn kèm khác nhau như thịt kho hột vịt, chả trứng, gà chiên sả ớt, lạp xưởng, thịt nướng, xíu mại, trứng ốp la,…
Giá dao động từ 35.000 – 50.000 đồng/suất, tùy sở thích và khẩu phần ăn của khách.
Theo Vietnamnet