‘Xiên bẩn’- món quà vặt không còn xa lạ với nhiều người, nhất là trẻ em. Với mức giá chỉ từ 2.000 đồng/xiên nhưng tiềm ẩn đầy nguy cơ có hại cho sức khỏe. Từ lâu, câu chuyện quà vặt ở cổng trường không thể xem là… chuyện nhỏ.
“Đi ăn xiên bẩn đi?”; “Tan học ăn xiên bẩn nhé!”, đó là những lời chào mời, rủ nhau của nhiều em học sinh từ tiểu học đến THPT, thậm chí nhiều sinh viên đại học hay người lớn cũng “mê” món ăn rẻ tiền mà theo họ là “rất ngon và hấp dẫn”.
Cái tên “xiên bẩn” xuất phát từ việc chúng được gắn kết bằng các que xiên nhỏ và nhọn. Mỗi que xiên thường chứa 2-5 viên thịt gồm chả cá, xúc xích, tôm, gà, hải sản, bò viên, cá viên, phô mai…, có giá trung bình từ 2.000-10.000 đồng/que, tùy loại. Phần lớn những món ăn này thường không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, pha chế nhiều phụ gia độc hại và được chiên rán trong chảo dầu đã tái sử dụng nhiều lần. Đáng nói, “xiên bẩn” thường được bán ngoài đường trong môi trường đầy khói bụi và không được trang bị đồ bảo vệ thực phẩm.

“Xiên bẩn” – món ăn được nhiều người yêu thích
Tại một số cổng trường học thuộc địa bàn các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Ba Đình (Hà Nội), rất nhiều hàng quán bán “xiên bẩn” hoạt động từ sáng đến tối. Mặc dù không được chế biến theo tiêu chuẩn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng “xiên bẩn” lại có hương vị hấp dẫn, nhất là khi được ăn kèm với đồ chua, các loại nước chấm chua ngọt, tương ớt, tương cà… Đặc biệt, với giá thành hợp lý, “xiên bẩn” được coi là món ăn “ngon, bổ, rẻ” nên các hàng quán bán “xiên bẩn” luôn tấp nập khách vào ra, đối tượng khách hàng đa dạng, từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ học sinh đến sinh viên…
Ngoài các hàng quán bán cố định gần khu vực cổng trường thì sau giờ tan tầm còn có các xe hàng rong bán “xiên bẩn” hoạt động.

Đối tượng khách hàng của các hàng bán “xiên bẩn” rất đa dạng, từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ học sinh đến sinh viên
Theo quan sát của PV, tại nhiều cổng trường học ở Hà Nội, ngay sau giờ tan học, từng tốp học sinh đã sà vào các hàng bán “xiên bẩn” và nhanh chóng chọn món. Cuối giờ học, đói bụng nên em nào cũng ăn một cách ngon lành những xiên tôm, xiên thịt, chả cá, xúc xích được chiên ngập dầu mỡ.
Khi được hỏi lý do tại sao thích ăn “xiên bẩn” nhiều như vậy, hầu hết các em học sinh đều có chung câu trả lời vì nó rẻ, dễ ăn và có nhiều món để lựa chọn…
Đẹp mắt, ngon miệng là vậy nhưng ít người biết rằng, trước khi những que “xiên bẩn” được đưa đến tay khách hàng với mùi thơm khó cưỡng thì nó đã được chiên lại trong chảo dầu sôi sùng sục và được chiên đi chiên lại nhiều lần.
Cảnh báo nguy cơ có hại cho sức khỏe từ các que “xiên bẩn”
“Xiên bẩn” thực sự bẩn, đúng như tên gọi của nó. Các quán bán hàng cố định thì được che chắn tạm bợ, đồ chiên rán được bày trên bàn, không che chắn, mặc cho xe cộ qua lại để lại nhiều bụi bẩn; Trên các xe bán hàng lưu động, một không gian nhỏ hẹp nhưng bày biện và chứa đủ thứ “đồ nghề” chế biến, đồ ăn, nước chấm và đặc biệt là một chảo dầu đã ngả màu vàng đậm. Những que xiên chín để gần đồ sống, bọc trong túi nilon cáu bẩn được buộc sơ sài, dưới thời tiết nắng nóng; Những can tương ớt không nhãn mác để chỏng chơ, mất nắp… Tất cả tạo nên khung cảnh nhếch nhác, dơ bẩn, vô cùng mất vệ sinh. Chưa kể, những “xiên bẩn” này còn có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng.
Khi hỏi chuyện các chủ kinh doanh “xiên bẩn”, hầu hết họ đều né tránh và thường trả lời qua loa về nguồn gốc mua túi đồ viên, đồ chế biến sẵn. Họ cho biết, tìm được nguồn cung cấp giá rẻ thì nhập về bán, bản thân họ cũng không rõ nhà sản xuất ở đâu và nhập từ đâu về.
Cách thức bảo quản, cách chế biến, nguồn gốc không rõ ràng của “xiên bẩn” khiến ai biết và chứng kiến cũng phải rùng bình, điều này làm dấy lên nỗi lo sợ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ẩn chứa nguy cơ ngộ độc thực phẩm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, “xiên bẩn” được làm từ những nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thường là thịt ôi thiu. Sau khi chế biến và thêm các chất phụ gia, sản phẩm sẽ có màu sắc và mùi vị khiến người ăn cảm thấy ngon miệng, vì chất lượng không đảm bảo nên mới có giá thành siêu rẻ.
Các hàng quán bán “xiên bẩn” phẩn lớn sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, người bán không tuân thủ quy trình chế biến. Loại đồ ăn này được bán ở những địa điểm bụi bặm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Thực phẩm chiên rán ở nhiệt độ cao, dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần không chỉ không giữ được chất dinh dưỡng mà còn tăng hàm lượng chất béo chuyển hóa. Đây là nguyên nhân gây nên bệnh máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp… Ngoài ra, chất Acrolein trong dầu mỡ cháy tăng cao không chỉ gây ngộ độc, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, tiêu hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ung thư, béo phì”, TS. Nguyễn Duy Thịnh cho hay.
Cũng theo ông Thịnh, việc sử dụng các loại gia vị không rõ nguồn gốc xuất xứ như tương ớt, nước sốt… sẽ dẫn đến những nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Nếu dùng phải những phụ gia không được phép dùng trong thực phẩm có thể gây ngộ độc cấp tính.
Ngoài “xiên bẩn”, quanh khu vực cổng trường còn xuất hiện các xe đẩy hàng rong buôn bán mặt hàng đồ chơi, đồ ăn vặt khác phục vụ học sinh. Chỉ với vài nghìn đồng trong túi, các em học sinh đã có thể mua được bim bim, xúc xích, thịt bò khô, chân gà, cánh gà… hay các gói kẹo với màu sắc bắt mắt, giá chỉ từ 2.000-10.000 đồng. Những loại quà vặt này đều ghi chữ Trung Quốc, Thái Lan, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt đính kèm… Người bán thì mập mờ về nguồn gốc sản phẩm, còn các em học sinh thì cứ vô tư ăn mà không biết những nguy cơ đối với sức khỏe là rất lớn.

“Xiên bẩn” không chỉ bán tại các cổng trường mà còn được bán rất nhiều tại phố đi bộ Hồ Gươm ngày cuối tuần
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, chuyên gia dinh dưỡng cao cấp, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, ngoài những vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm như tồn dư hóa chất hoặc vấn đề nhiễm vi sinh vật thì còn có thêm một số vấn đề khác nữa. Cụ thể, sử dụng dầu chiên nhiều có thể gây nên béo phì, máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch. Ngoài ra, lượng muối, lượng đường cao có trong đồ ăn cũng không tốt cho sức khỏe của mọi lứa tuổi.
BS. Trương Hồng Sơn khuyến cáo, người lớn tuổi, các bậc cha mẹ cần giáo dục, nhắc nhở con em mình không ăn quà vặt, thức ăn đường phố bừa bãi. Đây là câu chuyện không thừa, nhất là thời gian qua liên tục có các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, khi thời tiết nóng lên, nguy cơ ngộ độc càng tăng cao hơn.
“Việc giáo dục về dinh dưỡng trong trường học rất quan trọng. Nếu giáo dục cho trẻ em thói quen về dinh dưỡng tốt thì sau này lớn lên, các em sẽ duy trì được thói quen tốt, biết bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình. Các trường học cần phối hợp với các phụ huynh có nhiều biện pháp hạn chế cũng như nhắc nhở, tuyên truyền học sinh không nên sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh ở các gánh hàng rong trước cổng trường để bảo vệ sức khỏe của chính mình, cần kiên quyết tẩy chay các loại thực phẩm bẩn. Món quà vặt nhỏ nhưng tác hại của nó lại không hề nhỏ”, BS. Trương Hồng Sơn cho hay.

Theo các chuyên gia, thực phẩm chiên rán ở nhiệt độ cao, dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần không chỉ không giữ được chất dinh dưỡng mà còn tăng hàm lượng chất béo chuyển hóa
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên đường phố, đặc biệt là các hàng quán không đảm bảo quy chuẩn vệ sinh như hàng nướng “xiên bẩn” ven đường, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn và tích tụ độc tố lâu dài cho người tiêu dùng.
Việc tiêu thụ thực phẩm kém vệ sinh, đặc biệt là nướng “xiên bẩn” có thể gây ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe như ngộ độc thực phẩm: Gây đau bụng, tiêu chảy, nôn ói cấp tính, nhiễm khuẩn đường ruột từ các vi khuẩn như E.coli, Salmonella, tụ cầu khuẩn… dẫn đến rối loạn tiêu hóa kéo dài; Tích tụ độc tố lâu dài từ dầu chiên đi chiên lại nhiều lần dễ tạo ra các chất gây ung thư. “Xiên bẩn” cũng có thể gây nhiễm ký sinh trùng nếu thịt không được nướng chín kỹ hoặc nguyên liệu từ động vật nhiễm bệnh.
Theo VOV