Dù giá cả thị trường leo thang dịp cận Tết, nhiều chủ nhà hàng, quán ăn cho biết không dám tăng giá quá nhiều bởi nỗi lo giữ khách.
Nhiều hàng quán vỉa hè đắt khách dịp Tết. Ảnh: Thụy Trang.
“Lợi nhuận bán Tết không tăng, thậm chí còn giảm hơn ngày thường”, anh Mai Trung Kiên, chủ quán lẩu sườn riêu Mộc Nhiên nằm trên đường Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, chia sẻ với Tri Thức – Znews.
Chủ cửa hàng cho biết 2025 là năm thứ 3 quán mở xuyên Tết để phục vụ khách. Kể từ tháng giáp Tết trở đi, nguyên liệu thực phẩm anh nhập đều có xu hướng tăng khoảng 20%.
Năm nào cứ đến dịp Tết, vợ chồng anh Kiên cũng “đau đầu” tính toán phương án niêm yết mức giá bán ra sao cho vừa duy trì lợi nhuận, đồng thời giữ chân khách hàng.
Quyết định tăng giá 10.000 đồng/món vào những ngày Tết, song anh Kiên cho hay khoản phụ thu này chỉ bù được một phần giá trị gia tăng thực phẩm, vật liệu và tiền thuê nhân viên.
“Giá cả hàng hóa nhập vào đều tăng, như giá thịt tăng 20%, rau tươi, gia vị đồng loạt lên giá. Chưa kể nhân viên đi làm dịp này chúng tôi trả lương gấp 2, thậm chí gấp 3. Dù vậy quán cũng không giám tăng giá nhiều, chỉ tăng 10.000 đồng mỗi món vì sợ khách hàng có trải nghiệm không tốt”, anh Kiên nói, đồng thời chia sẻ đành chấp nhận “thất thu” để kéo khách.
Quán lẩu ở Đội Cấn, Hà Nội bán xuyên Tết chấp nhận lợi nhuận giảm so với ngày thường để giữ khách. Ảnh: Mộc Nhiên Restaurant.
Dịp Tết, các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt đều có xu hướng tăng, chủ yếu do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Điều này trở thành bài toán khó cho các nhà hàng, quán ăn bán xuyên lễ Tết bởi e sợ nếu tăng giá quá cao, khách sẽ không đến.
Tương tự, quán bún riêu Cô Dung (đường Nguyễn Siêu, Hoàn Kiếm) nức tiếng phố cổ cũng chỉ dám phụ thu 10.000 đồng/bát dịp Tết Nguyên đán.
Với kinh nghiệm 17 năm bán hàng ăn xuyên lễ Tết, bà Dung, chủ quán bún, chia sẻ nhắm vào lượng khách đông để kéo lợi nhuận giữa bối cảnh vật giá leo thang.
“Quán tôi bán hàng rất lâu năm rồi, khách ăn quanh năm nên tôi bán Tết cũng một phần muốn giữ khách. Tuy nhiên, thực phẩm năm nay đắt hơn năm ngoái, có mặt hàng tăng lên 10%, thậm chí tăng 20%. Thì thôi, tôi cũng chấp nhận lấy số lượng đông để bù vào giá trị gia tăng”, cô Dung chia sẻ.
Chủ quán bún riêu tiết lộ ngày Tết thường bán 1.000-2.000 bát/ngày, cũng có ngày đông khách bán lên 3.000 bát. Trong khi ngày thường quán bán bình quân khoảng 500 bát/ngày.
Phở gà là một trong những “đặc sản” của Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh, Thụy Trang.
Tọa lạc tại ngay trung tâm Thủ đô, một bát bún riêu bình thường nhà ba Dung chỉ 20.000 đồng, loại bún riêu đậu là 25.000 đồng/bát. Dịp Tết Nguyên đán, quán phụ thu thêm 10.000 đồng/bát.
Chia sẻ về giá phụ thu, bà Dung cho rằng số tiền này phù hợp với giá cả thị trường, không quá cao so với chi tiêu của khách, đồng thời phần nào giúp quán giảm gánh nặng vận hành dịp Tết.
“Giá bán cộng phụ thu được niêm yết công khai. Khách đến với tôi đều vui vẻ, hài hòa, cũng là động lực để tôi tiếp mở bán phục vụ thực khách”, bà nói.
Khác với nhiều nhà hàng đang rục rịch tăng giá dịp Tết, quán phở gà Hương gia truyền 30 năm tuổi tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội quyết định vẫn giữ nguyên giá như ngày thường.
Bà Hương, chủ quán, cho biết tiệm không tăng giá bởi quán bán phở hàng chục năm, nhập thực phẩm gà với số lượng lớn nên được các mối nhập hàng giữ giá bình ổn.
Bình ổn được giá thịt, bà vẫn phải đối mặt bởi các gia vị khác ăn kèm như rau sống, chanh, ớt, tỏi ngâm… đều tăng giá vùn vụt dịp Tết. Đối với các gia giảm đi kèm như vậy, chủ quán phở gà cho hay đành phải chấp nhận theo giá thị trường.
“Phương châm của tôi là luôn tri ân khách hàng, không tăng giá, cho nên dịp Tết khách hàng đến với tôi rất yên tâm”, bà nói.
Theo ZNews