Gần 3 thập kỷ qua, khách tới tiệm ăn của bà Thuận chưa bao giờ đoán trước được hôm nay mình sẽ thưởng thức món gì.
Khoảng 6h hàng ngày, dưới dãy cư xá ở số 32 đường Tháp Mười (quận 6, TP.HCM), tiệm ăn sáng bình dân do vợ chồng bà Thuận (50 tuổi) bắt đầu hoạt động.
Chỉ vỏn vẹn một quầy hàng, hai chiếc bàn nhựa và vài cái ghế con, nơi đây đã trở thành kế sinh nhai của gia đình bà chủ suốt gần 30 năm qua.
Sau nhiều năm buôn bán, tiệm ăn nhà bà Thuận vẫn là điểm đến quen thuộc đối với nhiều thực khách địa phương nhờ phong cách bán hàng độc đáo: thực đơn không bao giờ bán trùng một món.
“Chủ quán nấu nướng sạch sẽ và ngon miệng lắm! Mỗi ngày bả lại đổi một món khác nhau, phải hỏi mới biết nay ăn gì đó!”, một vị khách dùng bữa tại quán tấm tắc.
Đổi món để đỡ ngán
Chia sẻ với Zing, bà Thuận cho biết tiệm ăn này được hai vợ chồng mở ra từ khi còn trẻ, mới chuyển về đây sinh sống.
Tới nay, khi con cái đã trưởng thành, có việc làm ổn định, bà và ông xã vẫn tiếp tục duy trì quán để kiếm thêm đồng ra, đồng vào.
Đều đặn mỗi ngày, hai vợ chồng đều dậy từ 4h để đi chợ, chuẩn bị nguyên liệu và dọn hàng.
Khi bà Thuận nấu nướng, người chồng sẽ đảm nhiệm việc bưng bê, dọn dẹp, phụ giúp việc vặt khác.
“Gần 30 năm qua, hai vợ chồng tui cùng nhau chăm lo cho tiệm ăn này. Không có ổng là tui cực lắm”, bà chủ nói.
Bên cạnh tay nghề nấu nướng, điểm đặc biệt khiến quán ăn này có thể trụ vững sau khoảng ba chục năm nằm ở phong cách bán hàng độc nhất.
Nơi đây hoàn toàn không có thực đơn cố định, mỗi ngày một món khác nhau, không hôm nào trùng lặp. Do đó, thực khách không thể biết trước hôm nay họ sẽ được thưởng thức món gì.
“Từ khi mở tiệm tới giờ, tui luôn cố thay đổi món ăn hàng ngày. Tui nghĩ khách ăn hoài một món thì ngán lắm, có thêm lựa chọn như vậy sẽ hay hơn”, chủ quán bộc bạch.
Để có thể liên tục đổi mới thực đơn, bà Thuận phải đi chợ hai lần mỗi ngày, vào chiều muộn và sáng sớm. Từ 17h hôm trước, bà sẽ ra chợ mua xương, thịt cho tươi ngon, còn rau củ và các nguyên liệu khác phải chờ tới 4h hôm sau.
“Chọn được thực phẩm rồi tui mới quyết xem làm món gì. Đổi món liên tục vậy cũng không quá khó vì mình thường nấu đồ nước, mà làm vậy khách ăn cũng luôn tò mò, háo hức”, bà Thuận bật mí.
“Tin tưởng tay nghề bà chủ”
Khi được hỏi liệu có vị khách nào từng than phiền về cách bán hàng độc đáo này chưa, chủ quán nói rằng do phần lớn đều là “khách ruột” sống quanh đây, ai cũng quen với việc hỏi han trước khi gọi món.
“Hôm qua tui bán bún mắm, nay tui đổi qua nấu phở bò. Bữa có bún mắm nêm, ngày thì canh bún. Ngày nào có món khách ưng thì họ ăn, còn không thì hẹn hôm sau tới. Mình không nề hà gì chuyên đó, mỗi người một khẩu vị mà!”, bà Thuận chia sẻ.
Buôn bán trên đường Tháp Mười đã lâu, bà chủ gần như nắm được gu ăn uống của đa số “mối ruột”.
Theo đó, bún bò Huế là món được nhiều người yêu thích nhất. Những ngày nấu bún, lượng khách hàng kéo tới đông đúc hẳn lên, các yêu cầu đặt mua mang về cũng nhiều hơn.
“Mấy năm nay, lượng khách vãng lai cũng thưa dần, chủ yếu là cư dân quanh đây tới ăn thôi. Họ vốn là dân lao động, dọn dẹp cửa hàng xong là tới ăn sáng hoặc nhờ tui bưng tô qua”, chồng bà Thuận nói.
Dù là phở bò, bún bò Huế, hủ tiếu hay bánh canh, những món ăn tại đây luôn đồng giá 30.000 đồng/tô. Phần lớn khách hàng tại tiệm đều cho rằng đây là mức giá hợp lý, tương xứng với chất lượng phần ăn.
Ông Vinh (sinh năm 1971) là một trong những thực khách trung thành tại tiệm ăn sáng bình dân này. Mỗi sáng tầm 7h, người đàn ông này sẽ qua đây dùng bữa trước khi đi làm.
“Tui ăn ở đây từ lúc trẻ tới giờ, hầu như ngày nào cũng tới. Mỗi ngày đổi một món khác nhau nhưng tui không thấy phiền hà vì tin tưởng tay nghề bà chủ”, vị khách này kể.
Ông Dũng (trú tại quận 1, TP.HCM) cũng thường xuyên ghé quán ủng hộ vợ chồng bà Thuận vì đồ ăn vừa miệng, giá cả hợp lý và thuận đường đi làm.
“Ăn ở đây đã lâu, song chưa bao giờ tui băn khoăn về chất lượng món ăn. Hôm nào có món mình thích thì mua, còn không thì hẹn bữa sau ghé. Bà chủ tính dễ mến nên tui cũng thấy thoải mái hơn”.
Món ăn thay đổi mỗi ngày, song không thực khách nào phàn nàn, băn khoăn vì tin tưởng tay nghề bà chủ. |
Theo Zing