Nếu nhìn đủ gần và kĩ càng, bạn hoàn toàn có thể nhận biết được video giả mạo khuôn mặt, sử dụng công nghệ deepfake.
Deepfake là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thay thế chân dung của người này bằng người khác, giả mạo khuôn mặt trong video và các phương tiện kỹ thuật số khác.
Deepfake đã trở thành vấn đề được bàn tán nhiều trong những ngày qua, khi tội phạm mạng lạm dụng công nghệ này để tạo video giả mạo khuôn mặt người khác.
Với sự phát triển của công nghệ, việc tạo một video deepfake đã trở nên đơn giản như chỉnh sửa văn bản trong tài liệu Word. Nói cách khác, bạn có thể lấy hình ảnh, video của bất kỳ ai và khiến họ nói bất cứ điều gì bạn muốn. Bạn có thể sửa đổi video bằng văn bản, dễ dàng thêm từ mới, xóa những từ không mong muốn hoặc chỉnh sửa lại video đã hoàn thành.
Tuy nhiên, cũng chính vì điều này mà số lượng nội dung giả mạo đã tăng lên đáng kể. Làm thế nào để nhận biết video giả mạo khuôn mặt?
Kiểm tra các chuyển động trên khuôn mặt
Dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất chính là chuyển động của mắt không được tự nhiên hoặc không chớp mắt.
Nếu khuôn mặt của một người không thể hiện cảm xúc phù hợp với những gì họ đang nói, có sự biến đổi nhẹ trên khuôn mặt thì rất có thể đó là một video giả mạo khuôn mặt.
Ngoài ra, bạn cũng nên thận trọng với những video có vẻ như thật nhưng mặt và mũi của người đó hướng về các hướng khác nhau.
Chất lượng âm thanh
Các công cụ hỗ trợ tạo video deepfake thường tập trung nhiều vào hình ảnh hơn là âm thanh, vì vậy bạn có thể nhận thấy sự khác biệt trong âm thanh hoặc phong cách nói. Hãy chú ý đến khẩu hình khi nói, cách phát âm từ lạ… đây sẽ là những yếu tố để nhận biết video giả mạo.
Hãy nhớ rằng những tiến bộ trong công nghệ deepfake không ngừng được tạo ra, vì vậy điều cần thiết là luôn cảnh giác và cập nhật thông tin về các kỹ thuật và công cụ mới nhất được sử dụng để tạo và phát hiện deepfake.
Kiểm tra tư thế của người trong video
Nếu một người quay đầu hoặc di chuyển từ khung hình này sang khung hình khác một cách giật cục hoặc rời rạc, hoặc nếu chuyển động của họ có vẻ méo mó, không được tự nhiên thì bạn nên nghi ngờ.
Công nghệ deepfake thường tập trung vào các đặc điểm trên khuôn mặt hơn là toàn bộ cơ thể, do đó, bạn có thể kiểm tra kĩ các điểm bất thường này để phát hiện video giả mạo.
Ai đó có thể chồng khuôn mặt của một người lên cơ thể của một người khác, làm cho người đó có vẻ như đang nói hoặc làm những việc mà họ chưa bao giờ thực sự làm. Công nghệ này đã phát triển đến mức có thể tạo ra các cảnh quay có sức thuyết phục cao, rất khó phân biệt.
Cẩn thận với những từ vô nghĩa
Bằng cách kết hợp các từ vô nghĩa và từ thực tế một cách liền mạch, những người tạo video deepfake cố gắng tạo ra âm thanh bắt chước các mẫu giọng nói của cá nhân được nhắm mục tiêu.
Nhận biết và xác định những từ vô nghĩa có thể là một thách thức, đặc biệt là khi công nghệ deepfake ngày càng tiến bộ.
Trước hết, điều cần thiết là phải xác minh độ tin cậy của nguồn chia sẻ nội dung. Dựa vào các trang báo chí uy tín hoặc tài khoản mạng xã hội đã được xác minh để giảm thiểu các nội dung giả mạo.
Deepfake có nguy hiểm không?
Trí tuệ nhân tạo hiện đang tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế và cuộc sống hàng ngày của con người. Deepfake là một sản phẩm trí tuệ nhân tạo xuất sắc khác.
Tuy nhiên, không nên xem xét nó chỉ từ một khía cạnh. Deepfake hoạt động đặc biệt hiệu quả trong lĩnh vực y học và sức khỏe. Bạn không nên chỉ đơn thuần liên kết nó với cảnh quay giả mạo của các chính trị gia hoặc người nổi tiếng.
Chuyên gia bảo mật nói gì về thủ đoạn giả mạo video?
Các chuyên gia đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về một số diễn biến mới nhất liên quan đến các vụ lừa đảo giả mạo video.
Đầu tiên, kẻ gian sẽ hack Facebook của nạn nhân và dùng nó để gửi tin nhắn mượn tiền. Để tạo thêm lòng tin, tội phạm mạng sẽ tạo video giả mạo khuôn mặt và giọng nói của nạn nhân, sau đó thực hiện cuộc gọi trong vài giây và tắt với lý do mạng lag, tín hiệu Internet kém.
Anh Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), kỹ sư tại trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia (NCSC – Bộ TT&TT) cho biết để tránh bị lừa tiền, bạn đọc nên gọi video hoặc FaceTime ít nhất một phút, hoặc gọi qua số điện thoại cá nhân của người mượn. Đồng thời Kiểm tra bằng cách hỏi một số câu hỏi để nghe giọng nói đó là của người thật hay do AI tạo ra.
Andy Taylor, Giám đốc điều hành của TechTalk Radio cho biết: “Có một mối đe dọa mới đang diễn ra đó là lừa đảo bằng giọng nói. Những gì những kẻ lừa đảo đang làm hiện nay là sử dụng công nghệ giọng nói deepfake AI để giả mạo giọng nói của một ai đó”.
Theo Kỷ Nguyên Số