Vừa qua, Apple và Google đã triển khai các tính năng bảo mật mới nhằm hỗ trợ người dùng phát hiện các thiết bị theo dõi bằng điện thoại.
Tính năng phát hiện thiết bị theo dõi
Theo đó, tính năng này được gọi là Tracking Detection (phát hiện theo dõi), nhằm giúp người dùng hạn chế bị theo dõi trên nhiều nền tảng.
Cụ thể, Tracking Detection (phát hiện theo dõi) sẽ tự động hiển thị cảnh báo trên điện thoại khi phát hiện các thiết bị theo dõi lạ di chuyển cùng bạn. Bạn có thể xác định vị trí của thiết bị theo dõi bằng cách phát âm thanh và làm theo các bước hướng dẫn trên màn hình để vô hiệu hóa thiết bị.
Những điện thoại nào có khả năng phát hiện các thiết bị theo dõi?
Hiện tại tính năng Tracking Detection (phát hiện theo dõi) đã có sẵn trên các thiết bị chạy iOS 17.5 và Android 6 trở lên, đồng thời áp dụng cho tất cả các thiết bị theo dõi Bluetooth, đơn cử như AirTag. Google và Apple xác nhận các thiết bị theo dõi của những nhà sản xuất khác như Chipolo, eufy, Jio, Motorola và Pebblebee sẽ sớm được hỗ trợ trong tương lai.
iPhone hiển thị cảnh báo khi phát hiện các thiết bị theo dõi. Ảnh: Apple
Nếu tôi không có điện thoại thông minh thì sao?
Nếu không có điện thoại thông minh để nhận cảnh báo về thiết bị theo dõi không xác định, bạn hãy để ý các âm thanh cảnh báo ở xung quanh.
Theo đó, AirTag được Apple lập trình để phát ra âm thanh cụ thể cho từng trường hợp, ví dụ như khi cài đặt hoàn tất, khi xác định vị trí, hay khi chúng đi cùng người lạ. Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo âm thanh cảnh báo trong video này.
AirTag có thể phát ra âm thanh lạ khi nó di chuyển cùng người lạ. Ảnh chụp màn hình
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng kẻ gian cũng cũng có thể tìm cách tắt loa của AirTag của để nó không thể phát ra âm thanh.
Những thiết bị theo dõi thường được giấu ở đâu?
Ban đầu, những thiết bị này được phát triển với mục đích hỗ trợ người dùng dễ dàng tìm lại các đồ vật quan trọng, theo dõi thú cưng… Tuy nhiên, theo thời gian các thiết bị này lại được sử dụng để theo dõi người khác. Vì kích thước nhỏ gọn nên các thiết bị theo dõi có thể được đặt ở bất cứ đâu, ví dụ như trong balo, xe máy, xe hơi, quần áo… của bạn.
Cần làm gì nếu phát hiện các thiết bị theo dõi?
Khi điện thoại hiển thị cảnh báo có thiết bị theo dõi, người dùng sẽ được cung cấp một số tùy chọn để xác định vị trí của thiết bị. Đi kèm theo đó là thông tin hạn chế của chủ sở hữu thiết bị theo dõi, cùng với cách tắt thiết bị theo dõi (thường liên quan đến việc tháo pin).
Cách xác định vị trí và vô hiệu hóa thiết bị theo dõi. Ảnh: MINH HOÀNG
Lưu ý rằng thông tin chủ sở hữu có thể là giả mạo nhưng hãy chụp ảnh màn hình thông tin đó nếu bạn cảm thấy muốn nhờ đến cơ quan thực thi pháp luật.
Dấu hiệu nhận biết điện thoại bị theo dõi
Nếu điện thoại đột nhiên hoạt động chậm mà không có lý do rõ ràng, có thể có phần mềm gián điệp đang chạy ngầm. Bên cạnh đó, pin điện thoại hao nhanh hơn bình thường cũng là một dấu hiệu khả nghi.
Để hạn chế nguy cơ bị theo dõi, trước tiên, bạn nên kiểm tra và gỡ bỏ các ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc không cần thiết. Xem xét các quyền mà các ứng dụng yêu cầu và thu hồi quyền của những ứng dụng đáng ngờ. Cài đặt phần mềm bảo mật uy tín để quét và phát hiện phần mềm gián điệp là một biện pháp hữu hiệu.
Cuối cùng, luôn cập nhật hệ điều hành và các ứng dụng lên phiên bản mới nhất, sử dụng mật khẩu mạnh và chỉ tải ứng dụng từ nguồn tin cậy như Google Play hoặc Apple App.
Theo Pháp Luật