Bộ TT&TT cho hay, với những video gây ảnh hưởng xấu tới giới trẻ được báo chí phản ánh, cơ quan quản lý Nhà nước đã vào cuộc rất nhanh để xử lý.
Chiều tối ngày 8/8, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông trong tháng 7 năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới.
Theo thông tin từ Bộ TT&TT, trong tháng 7, doanh thu toàn ngành ước đạt: 271.984 tỷ đồng, giảm 8% so với tháng trước (Tháng 6/2023: 296.586 tỷ đồng) và tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái (Tháng 7/2022: 266.040 tỷ đồng). Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 7/2023 ước đạt 1.902.800 tỷ đồng.
Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt: 8.327 tỷ đồng, giảm 3% so với tháng trước (Tháng 6/2023: 8.614 tỷ đồng) và giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái (Tháng 7/2022: 9.940 tỷ đồng). Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 7/2023 ước đạt 55.446 tỷ đồng.
Đối với việc đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, Bộ TT&TT cho hay, thời gian qua nội dung này đã nhận được nhiều kết quả tích cực.
Facebook đã chặn, gỡ bỏ 224 bài viết đăng thông tin sai sự thật tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước…
Cụ thể, trong tháng 7/2023, đã có tổng cộng 1.300 bài đăng vi phạm trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube bị gỡ bỏ.
Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, từ ngày 1/7 đến ngày 24/72023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ 224 bài viết đăng thông tin sai sự thật tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức. Tỉ lệ gỡ bỏ là 90%.
Với Google, qua công tác đấu tranh, nền tảng này đã gỡ bỏ tổng cộng 1.052 video vi phạm trên YouTube. Tỉ lệ gỡ bỏ 91%.
Với một nền tảng gây nhiều bức xúc thời gian gần đây là TikTok, cùng trong khoảng thời gian trên, đơn vị này đã chặn, gỡ bỏ 19 video vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực. Tỉlệ các bài đăng vi phạm được gỡ bỏ trên TikTok là 90%.
Ngày 4/8/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo phổ biến thông tư hướng dẫn Nghị định số 71/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Trong đó có nội dung quản lý sản phẩm văn hóa trên các nền tảng xuyên biên giới.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quản lý việc phân phối những sản phẩm văn hóa xuyên biên giới. Đặc biệt, đối với các sản phẩm có chứa nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào đều không được chấp nhận.
Đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới là một chủ trương đã được Bộ TT&TT triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Hoạt động này bao gồm việc buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, sai lệch, tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thông tin tại buổi họp báo.
Thông tin tại họp báo, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT – Bộ TT&TT) cho biết, với những video gây ảnh hưởng xấu tới giới trẻ được báo chí phản ánh, cơ quan quản lý Nhà nước đã vào cuộc rất nhanh để xử lý.
Đối với các clip dàn dựng, gây tranh cãi xuất hiện nhiều trên mạng thời gian gần đây, theo bà Huyền, thông qua phản ánh từ báo chí và mạng xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải đánh giá các thông tin đó có vi phạm pháp luật hay không. Nếu những nội dung đăng tải trên mạng có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý.
“Với những nội dung không tích cực nhưng cũng chưa phổ biến, gây ảnh hưởng đến cộng đồng, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đánh giá và có hướng xử lý nếu đây là xu hướng thông tin xấu độc”, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết.
Cục PTTH&TTĐT mong muốn các cơ quan báo chí sẽ có những phát hiện, đánh giá, lên án và cảnh báo đối với các nội dung trên mạng xã hội có ảnh hưởng xấu tới người sử dụng.
Theo Người Đưa Tin