Người dùng SIM 4G vật lý và eSIM không cần đổi SIM để trải nghiệm 5G, nhưng vẫn phải đáp ứng một số điều kiện như smartphone tương thích, nhà mạng hỗ trợ 5G.
Người dùng thử nghiệm đo tốc độ 5G. Ảnh: Tuấn Anh.
Sau thời gian thử nghiệm, các nhà mạng lớn tại Việt Nam dần thương mại hóa 5G. Bên cạnh thiết bị tương thích và đăng ký gói cước phù hợp, nhiều người đặt câu hỏi liệu có cần đổi SIM để sử dụng 5G không.
Về cơ bản, khách hàng 4G hiện không cần đổi SIM để sử dụng 5G. Người dùng SIM 4G vật lý có thể kết nối 5G mà không cần đổi SIM. Với eSIM, chỉ cần đăng ký gói cước là có thể kết nối 5G.
“Đây là một trong những câu hỏi mà khách hàng thắc mắc nhiều nhất trong quá trình triển khai 5G chính thức thời gian qua”, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động Viettel Telecom chia sẻ trong buổi tọa đàm tổ chức tại Hà Nội hôm 24/10.
Để sử dụng 5G, khách hàng cần đảm bảo một số yếu tố: thuê bao của nhà mạng cung cấp 5G, ở khu vực có sóng 5G, sử dụng điện thoại hỗ trợ 5G, bật chế độ 5G trên điện thoại và sử dụng SIM từ 4G trở lên.
Website hỗ trợ của VinaPhone cho biết người dùng chỉ cần SIM 4G để sử dụng 5G, bên cạnh một số điều kiện như smartphone có 5G, đăng ký gói cước data, thuê bao được mở dịch vụ 5G và hoạt động trong vùng phủ sóng 5G.
Các nhà mạng triển khai 5G trên 2 kiến trúc gồm 5G NSA (Non-Standalone) và 5G SA (Standalone). 5G SA chạy trên hạ tầng độc lập, còn 5G NSA dựa vào nền tảng 4G.
Với 5G NSA, dữ liệu di động truyền qua 5G nhưng cuộc gọi và tin nhắn vẫn định tuyến về 3G/4G, hệ thống nhà mạng xác thực thuê bao trên 4G. Do đó, người dùng không cần đổi SIM để sử dụng 5G, chỉ cần thiết bị hỗ trợ là có thể kết nối.
Tại Việt Nam, Viettel triển khai đồng thời hạ tầng 5G NSA và 5G SA. Với những nhà mạng khác, giai đoạn thử nghiệm vào năm 2020 cho biết sử dụng kiến trúc 5G NSA.
Nhìn chung, người dùng hiện không cần đổi SIM 4G để sử dụng 5G. Tuy nhiên, các nhà mạng nhấn mạnh cần sở hữu smartphone hỗ trợ 5G nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động Viettel Telecom, trong giai đoạn đầu thương mại hóa 5G người dùng thường thắc mắc về việc đăng ký dịch vụ, đổi SIM hay lý do tốc độ chưa cao, nóng máy. Ảnh: Chí Hiếu.
Một số ưu điểm của 5G gồm độ trễ thấp, tốc độ lý thuyết tối đa 10 Gbps. Trong điều kiện thực tế, 5G cho người dùng đạt tốc độ dưới 1 Gbps, gấp 10 lần 4G.
Sử dụng 5G không tốn nhiều dữ liệu so với 4G nếu bật ứng dụng hoặc xem nội dung với cùng chất lượng. Tuy nhiên do tốc độ tải nhanh hơn, người dùng có thể cảm nhận 5G tốn nhiều dữ liệu, đặc biệt với những tác vụ như xem video 4K, sử dụng app AR/VR độ phân giải cao…
Người dùng có thể mua smartphone 5G qua hệ thống đại lý chính hãng hoặc trực tuyến. Tuy nhiên, chỉ các model hỗ trợ dải tần phù hợp, chứng nhận hợp quy mới dùng được 5G tại Việt Nam. Sự khác biệt về tiêu chuẩn sóng giữa các thị trường có thể khiến nhiều máy xách tay không thể sử dụng 5G trong nước.
Sau Viettel, VinaPhone và MobiFone chuẩn bị ra mắt 5G. VinaPhone cho biết đang triển khai chương trình trải nghiệm 5G miễn phí từ 13/10-15/11. Với MobiFone, nhà mạng này dự kiến phát hành chính thức 5G từ tháng 11.
Tại Việt Nam, 2024 được Bộ Thông tin & Truyền thông xác định là năm thương mại hóa 5G trên toàn quốc. Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 100 Mbps cho 5G. Đến 2030, mạng 5G phủ sóng 99% dân số.
Theo ZNews