Một số cách đơn giản có thể giúp phát hiện camera quay lén như nhìn bằng mắt thường, quét kết nối Wi-Fi hoặc dùng đèn pin.
Mẫu camera quay lén ngụy trang đồng hồ, giống như trong sự việc của Châu Bùi. Ảnh: Quang Review.
Camera quay lén luôn là vấn đề lo ngại khi đến nơi công cộng, khách sạn hay nhà cho thuê. Những nơi như nhà vệ sinh máy bay, studio cũng có thể chứa camera ẩn. Chúng ngày càng tinh vi, nhỏ gọn và có thể mua bán phi pháp.
Các vật dụng tưởng chừng vô hại nhưng vẫn chứa camera quay lén như đồng hồ báo thức, máy lọc không khí hay ổ điện. Thay vì ghi lên thẻ nhớ, chủ camera có thể theo dõi hình ảnh trực tiếp từ điện thoại, dùng cho nhiều mục đích khác nhau.
Dù gây nhiều lo lắng, người dùng vẫn có cách phát hiện camera quay lén. Đây là một số bước kiểm tra phổ biến.
Ảnh minh họa một camera siêu nhỏ. Ảnh: Lifewire.
Tìm vật dụng cắm điện
Khách sạn hay nơi công cộng có nhiều vị trí giấu camera như giá sách, tranh hay kệ tủ. Tuy nhiên, đây không phải những nơi giấu camera thực tế bởi chúng thường không có nguồn điện, theo chia sẻ của Joe LaSorsa, nhà sáng lập và Chủ tịch LaSorsa and Associates, công ty tư vấn bảo mật chuyên về phản gián tại doanh nghiệp.
“Đồ nội thất và vật trang trí ít được quan tâm hơn bởi chúng đa số chạy bằng pin, chỉ hoạt động được vài giờ”, LaSorsa cho biết.
Thay vì phòng khách, nhà bếp là nơi đặt camera quay lén hiệu quả hơn. Những vật “ngụy trang” có thể ít ngờ đến như củ sạc, máy dò khói và ổ điện nối dài. Chúng dựa vào nguồn năng lượng như ổ điện trên tường, Wi-Fi để kích hoạt camera giấu bên trong.
Một số thiết bị có thể dùng để gắn camera quay lén. Ảnh: Washington Post.
Trong một thử nghiệm khi phóng viên Josh Carroll từ Washington Post giấu camera để LaSorsa tìm kiếm, ông chỉ tập trung một số vật dụng có thể kiểm tra dễ dàng.
“Điều đầu tiên tôi chú ý là máy dò khí carbon monoxide (CO) trên tường. Đây không phải vật dụng gia đình bình thường nhưng tôi không biết liệu nó vô hại không. Thiết bị này có nguồn điện và được gắn thêm trong nhà”, LaSorsa nói.
Một số vật dụng cũng được kiểm tra như loa Bluetooth trên kệ bếp, đồng hồ báo thức tại phòng khách, máy khử mùi dưới một cái kệ. Ông cũng nhìn qua những chiếc loa trong dàn âm thanh nhưng nhanh chóng loại bỏ.
“Có một số loa, dường như hợp lý tại nơi đặt TV”, LaSorsa cho biết.
Quét kết nối Wi-Fi
LaSorsa cũng khuyên kiểm tra thiết bị kết nối Internet với các app miễn phí như AirPort Utility, có thể quét và hiển thị mạng Wi-Fi.
Để chứng minh, ông đứng cạnh máy dò khí CO và quét kết nối Wi-Fi trên điện thoại. Các mạng bình thường của căn nhà xuất hiện, nhưng cũng có kết nối với ký tự lạ, chẳng hạn như “G419637LGWMW”.
Một ứng dụng hỗ trợ quét thiết bị kết nối Wi-Fi. Ảnh: Lifewire.
“Tại sao máy dò khí CO lại có Wi-Fi? Dấu hiệu cho thấy nó còn làm nhiều thứ hơn bề ngoài”, LaSorsa nhấn mạnh.
Fing cũng là ứng dụng quét thiết bị kết nối Wi-Fi. Trong thử nghiệm của CNBC, app quét 22 mạng, nhưng không thấy camera do chúng được kết nối với mạng khác (không phải mạng chính của nhà). Kể cả khi phát hiện, ứng dụng chỉ hiển thị kết nối chứ không tính vị trí camera.
Tìm mã QR và dùng đèn pin
Sau khi tìm ra vật dụng đáng ngờ, LaSorsa làm thêm một số bước để xác nhận chúng có thực sự giấu camera hay không.
Đầu tiên, ông rút điện, lật mặt sau món đồ để tìm mã QR ẩn.
“Đây không phải nhãn dán số serial của nhà sản xuất để đăng ký bảo hành. Vậy mục đích thứ này là gì. QR dùng để kết nối Wi-Fi chăng?”, LaSorsa nói.
Mã QR lạ dán dưới máy cảnh báo khí CO. Ảnh: Washington Post.
Để kết luận chính xác, LaSorsa bật đèn pin trên điện thoại, vẫy trước mặt đồng hồ báo thức. Ông nhìn thấy tia sáng trong lỗ tròn trên mặt đồng hồ.
“Khi di chuyển ánh sáng xung quanh, lỗ tròn ấy lấp lánh. Lúc tôi giữ đèn pin phía trước, liền thấy một thấu kính tại đó”, ông nhấn mạnh.
Theo phóng viên Washington Post, thấu kính chỉ lớn hơn một dấu chấm. Để quan sát rõ hơn, LaSorsa dùng máy dò tần số vô tuyến và thấu kính.
“Nó sẽ cảnh báo nếu có ống kính tại đó”, ông cho biết.
Thiết bị chuyên dụng
Nếu cần thêm bằng chứng xác nhận, người dùng có thể mua máy dò bức xạ sóng vô tuyến (RF). Những thiết bị này có thể phát hiện nguồn phát RF của một vật thể, trong khoảng 20 MHz đến 6 GHz.
Gần như mọi thiết bị điện tử như điện thoại di động, bộ đàm, thiết bị giám sát trẻ em, loa Bluetooth hay camera quay lén phát sóng vô tuyến. Nếu đã rút điện nhưng vẫn phát hiện giá trị RF cao, nhiều khả năng camera quay lén đang hoạt động.
Máy dò ống kính, sóng RF (trái) và thiết bị dò nhiệt. Ảnh: Washington Post.
Một thiết bị khác là máy dò nhiệt dù giá đắt hơn. LaSorsa gắn một chiếc InfiRay lên điện thoại. Khi đặt gần thiết bị báo khói không có camera quay lén, nhiệt độ vật thể trên màn hình có màu xanh. Khi đưa đến vật dụng có hình củ sạc USB và máy khử mùi, đốm tròn trên màn hình chuyển sang màu đỏ.
“Những thiết bị cắm điện đều có thể tỏa nhiệt nhưng chỉ một lượng nhỏ. Tuy nhiên như trên màn hình, điểm nóng nhất rõ ràng là những vật cắm điện vào tường”, LarSosa nói.
Nếu phát hiện camera ẩn, chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng rút dây điện hoặc dùng khăn che ống kính. Không nên phá hỏng đồ vật bởi chủ cơ sở có thể phản ứng.
Nếu đặt phòng trên app, có thể báo cáo vi phạm với nền tảng nếu không nghiêm trọng, hoặc gọi cảnh sát nếu thấy camera gắn tại khu vực nhạy cảm như phòng ngủ hay nhà tắm. Ngoài ra, cân nhắc chuyển địa điểm khác nếu thấy không thoải mái.
Theo ZNews