Không phải ai cũng có hiểu biết đầy đủ hoặc lường trước được những phiền toái và rắc rối khi thông tin cá nhân của mình bị lộ, lọt. Trên thực tế, khi những thông tin này rơi vào tay kẻ xấu, nó có thể gây ra vô số rủi ro, từ quấy rối đến lừa đảo và đe dọa. Hậu quả còn có thể ảnh hưởng đến sự an toàn, danh dự của cá nhân lẫn gia đình…
Hậu quả nặng nề
Tuần rồi, chị đồng nghiệp của tôi nhận được một số tiền khá lớn từ một tài khoản lạ. Nội dung chuyển khoản là “giải ngân khoản vay”. Ngay sau đó, một người phụ nữ gọi đến yêu cầu chị đồng nghiệp trả lại tiền vì số tiền đó bị… chuyển khoản nhầm. Cũng may, trước đó mấy ngày, chị đồng nghiệp đọc được cảnh báo của Công an thành phố Hà Nội về thủ đoạn của tội phạm vờ chuyển tiền nhầm vào tài khoản người khác để lừa đảo hoặc ép vay lãi nặng và chiếm đoạt tiền. Do đó, chị ấy nhanh chóng yêu cầu ngân hàng phong tỏa số tiền và trình báo công an khu vực. Có vẻ nhờ vậy, đến hiện tại, chị ấy tạm thời chưa gặp rắc rối gì.
Tình huống khác, một người quen của tôi vừa phát hiện ra mình làm người đại diện theo pháp luật của một công ty. Ai đó đã lấy thông tin của anh ấy và tận dụng lỗ hổng trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp để thành lập một công ty “ma” mà anh ấy không hề hay biết. Điều đáng nói là công ty này đang nợ thuế, tạm ngừng hoạt động và có dấu hiệu tham gia đường dây mua bán hóa đơn trái phép. Anh ấy đã phải tốn nhiều thời gian để làm hồ sơ trình báo với các cơ quan hữu quan và cũng gặp không ít phiền toái.
Thoạt nghe qua, hai vụ việc trên có vẻ khá hy hữu nhưng lại là tình trạng đang phổ biến trên thực tế. Nghĩa là có nhiều người cũng đã và đang vô tình vướng vào những phiền toái, rắc rối tương tự. Và không phải ai cũng may mắn phát hiện, xử lý kịp thời, mà họ đã vô tình trở thành “con mồi” cho kẻ xấu. Những tình cảnh éo le này đều xuất phát từ nguyên nhân là thông tin cá nhân bị lộ, lọt vào tay kẻ xấu.
Trong khi chờ đợi sự hoàn thiện của luật pháp và cơ chế bảo vệ, mỗi người trong chúng ta cần phải ý thức và trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân mình trước những rủi ro trên môi trường số.
Trong bối cảnh các dịch vụ trực tuyến và mạng xã hội bùng nổ, chúng ta phải tiết lộ nhiều thông tin cá nhân để có thể truy cập vào các tiện ích này. Thông tin cá nhân thường phải tiết lộ bao gồm số điện thoại, địa chỉ, ngày sinh, giấy tờ tùy thân, tài khoản ngân hàng hay thói quen, sở thích. Khi thông tin của bạn bị thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, một hồ sơ số đầy đủ và chính xác về bạn đã được tạo nên. Đây là dữ liệu mà nhiều công ty sẵn sàng trả giá cao để tiếp cận nhằm phục vụ cho các hoạt động tiếp thị trực tuyến. Đối với kẻ lừa đảo, những thông tin tưởng chừng vô hại này lại trở thành công cụ để chúng lợi dụng nhằm phục vụ cho hoạt động phi pháp. Đây là “mảnh đất màu mỡ” để họ khai thác và trục lợi.
Tôi hay bạn chắc cũng đã nhiều lần nhận được những cuộc gọi, tin nhắn của các công ty nhằm tiếp thị sản phẩm, dịch vụ hay cơ hội đầu tư. Họ biết rất nhiều về chúng ta nhưng chúng ta lại hoàn toàn không biết gì về họ. Nhiều người đã phản ánh rằng liên tục bị làm phiền bất kể ngày đêm bởi những cuộc gọi hoặc tin nhắn từ các số lạ, nhất là ở giai đoạn trước khi Nghị định 91/2020/NĐ-CP quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực. Điều này không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị quấy rối, theo dõi.
Thời gian gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông, tình trạng tiếp thị qua cuộc gọi rác, tin nhắn rác đã được giảm thiểu, mặc dù vẫn chưa chấm dứt được triệt để. Mặt khác, các cuộc gọi điện hay tin nhắn rác nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản vẫn đang tiếp tục diễn ra tinh vi và nhiều biến tướng.
Khi kẻ xấu có đủ thông tin về bạn, chúng có thể giả mạo là người thân, đối tác làm ăn hoặc ngân hàng để dụ bạn cung cấp thêm thông tin nhạy cảm như mật khẩu, mã OTP của tài khoản ngân hàng hoặc yêu cầu bạn chuyển khoản để chiếm đoạt tiền. Nguy hiểm hơn, kẻ xấu còn lợi dụng thông tin cá nhân của người dùng để vay tiền tại các ứng dụng tài chính trực tuyến hay tổ chức cho vay lãi nặng mà chính chủ hoàn toàn không hay biết. Trong nhiều trường hợp, các khoản vay bị đẩy lên mức lãi suất rất cao, khiến nạn nhân phải gánh chịu số nợ lớn mà bản thân họ không hề được sử dụng. Không ít nạn nhân bị kiệt quệ về tài chính và gánh chịu những áp lực tinh thần từ hành vi đòi nợ khủng bố.
Thực tế cho thấy những cuộc gọi lừa đảo giả danh công an, tòa án, cơ quan thuế, ngân hàng với các thủ đoạn như kể trên đang là một vấn nạn. Thậm chí, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) phải liên tục đưa ra thông tin cảnh báo người dân về những hình thức, thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại mới vào mỗi tuần.
Không chỉ dừng lại ở việc bị quấy nhiễu và lừa đảo, việc lộ, lọt thông tin cá nhân còn có thể đe dọa đến sự an toàn của cá nhân và gia đình. Khi kẻ gian biết được địa chỉ, thói quen, lịch trình của bạn, chúng có thể dễ dàng lập kế hoạch nhắm vào bạn hoặc gia đình của bạn. Các vụ việc bắt cóc trẻ em, tống tiền hoặc uy hiếp gia đình không phải là chuyện xa lạ và nhiều trong số đó bắt nguồn từ việc kẻ xấu có thông tin chi tiết về các thành viên trong gia đình. Do đó, lộ, lọt thông tin cá nhân không chỉ là vấn đề của một cá nhân mà còn có thể ảnh hưởng đến những người thân của người đó.
Chưa kể, có trường hợp còn phải đối mặt với các hậu quả nghiêm trọng về uy tín, danh dự khi thông tin cá nhân của họ bị phát tán mà không có sự kiểm soát. Trong thời đại mạng xã hội, thông tin được lan truyền với tốc độ chóng mặt, một dữ liệu cá nhân bị phát tán sai cách có thể hủy hoại danh tiếng của một người chỉ sau vài phút. Những bức ảnh cá nhân, thông tin hoặc những tin nhắn, e-mail riêng tư bị công khai trên mạng có thể gây tổn thương về tâm lý và danh dự của nạn nhân mà không gì có thể bù đắp được.
Xem nhẹ nguy cơ
Theo kết quả khảo sát sơ bộ với 1.108 người dùng mạng xã hội Facebook tại Việt Nam của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) vào năm 2024, có đến 61% người được khảo sát không quan tâm đến dữ liệu cá nhân của họ bị khai thác. Đây là một con số đáng quan ngại về ý thức tự bảo vệ bản thân trên môi trường số của người dùng tại Việt Nam.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công an, tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân đến từ nhiều nguyên nhân và sự chủ quan, thờ ơ của người dùng là một trong số đó, có thể kể đến như: (i) người dùng không thiết lập các biện pháp bảo vệ phù hợp (mật khẩu yếu hoặc không sử dụng các phần mềm bảo mật trên thiết bị cá nhân); (ii) chia sẻ thông tin cá nhân quá mức trên các mạng xã hội; (iii) sử dụng các trang web giả mạo của tội phạm mạng; (iv) vô tư cài đặt các phần mềm không rõ nguồn gốc, miễn phí; (v) chủ quan trong việc tham gia ký kết các điều khoản giao dịch trực tuyến và không đọc/không đọc hết các quy định trong điều khoản bảo mật thông tin khi tham gia sử dụng các dịch vụ này.
Đặc biệt, đa số người dùng bỏ qua những điều khoản về thu thập, bảo vệ thông tin cá nhân và trao quyền cho ứng dụng, để rồi nhanh chóng bấm chọn “Tôi đồng ý với các điều khoản trên”. Ngay lúc đó, người dùng đã “bán” thông tin của chính mình cho nhà phát hành hoặc bên thứ ba nào đó để đổi lấy sự miễn phí khi sử dụng các ứng dụng, dịch vụ trực tuyến. Điều này dẫn đến việc các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến có thể sử dụng các dữ liệu khách hàng vào những mục đích mà người dùng không nghĩ đến, không hề lường hết những hậu quả có thể xảy ra.
Tôi tin chắc rằng bạn có thể đã gặp ở đâu đó những thông tin mà tôi chia sẻ ở trên. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn một lần nữa nhấn mạnh đến hậu quả của vấn đề này từ những câu chuyện đang xảy ra quanh tôi để kêu gọi sự quan tâm của mọi người đối với việc bảo vệ thông tin cá nhân của mình khi tham gia các hoạt động trực tuyến và tiết lộ thông tin cá nhân. Trong khi chờ đợi sự hoàn thiện của luật pháp và cơ chế bảo vệ, mỗi người trong chúng ta cần phải ý thức và trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân mình trước những rủi ro trên môi trường số.
(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM
Theo SaiGonTimes