Phó chủ tịch Dịch vụ của Apple, Eddy Cue cho rằng việc tạo ra một công cụ tìm kiếm sẽ tốn hàng tỷ USD và mất nhiều năm phát triển.
Phó chủ tịch Dịch vụ của Apple, Eddy Cue giải thích việc tạo ra một công cụ tìm kiếm là rủi ro về mặt kinh tế. Ảnh: Cult of Mac.
Trong hồ sơ tòa án mới được Reuters phát hiện, Eddy Cue, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng dịch vụ của Apple đã nêu rõ lý do tại sao họ sẽ không bao giờ phát triển công cụ tìm kiếm của riêng mình.
Cue giải thích phía tòa án cho rằng các biện pháp khắc phục được đề xuất trong vụ kiện chống độc quyền của Google sẽ khiến Apple phải “phát triển công cụ tìm kiếm riêng hoặc tham gia thị trường quảng cáo văn bản tìm kiếm” và cạnh tranh với sự thống trị của gã khổng lồ tìm kiếm này.
Tuy nhiên, phó chủ tịch của Apple cho biết giả định đó là sai. Cụ thể, theo ông Cue, Apple sẽ không bao giờ tạo ra công cụ tìm kiếm vì vẫn cần tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng khác.
Trong khi đó, việc phát triển một công cụ tìm kiếm sẽ đòi hỏi phải chuyển hướng cả vốn đầu tư và nhân viên vì tạo ra một công cụ tìm kiếm sẽ tốn hàng tỷ USD và mất nhiều năm phát triển.
Ngoài ra, việc những công cụ AI tìm kiếm đang nổi lên cũng khiến việc dành nguồn lực khổng lồ cần thiết để tạo ra một công cụ tìm kiếm trở nên rủi ro về mặt kinh tế.
Quan trọng hơn, một công cụ tìm kiếm khả thi sẽ đòi hỏi phải xây dựng một nền tảng để bán quảng cáo nhắm mục tiêu, vốn không phải là hoạt động kinh doanh cốt lõi của Apple.
“Apple không có đủ số lượng chuyên gia có chuyên môn và cơ sở hạ tầng hoạt động đáng kể cần thiết để xây dựng hay điều hành một doanh nghiệp quảng cáo tìm kiếm thành công. Mặc dù Apple có một số quảng cáo ngách, chẳng hạn như trên nền tảng App Store, nhưng quảng cáo tìm kiếm lại khác và nằm ngoài chuyên môn cốt lõi của Apple”, phó Chủ tịch cấp cao phụ trách mảng dịch vụ của Apple giải thích.
Theo hồ sơ trong vụ kiện, Google đang trả cho Apple hàng tỷ USD mỗi năm để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trong Safari. Điều này đã giúp Google Tìm kiếm dành vị thế độc tôn trên các thiết bị của Táo khuyết.
Ngoài ra, để đổi lại vị thế độc quyền, Google trả cho Apple một tỷ lệ phần trăm nhất định trên tổng doanh thu quảng cáo ròng, lên tới 20 tỷ USD vào năm 2022. Trước đó, gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm đã chia 17,5% số tiền kiếm được từ hoạt động quảng cáo cho Táo khuyết vào năm 2020.
Phía Apple cho rằng họ không có giải pháp thay thế phù hợp khi lựa chọn công cụ tìm kiếm cho người dùng. Trong phiên tòa, Eddy Cue nói rằng công ty không tin Bing của Microsoft sẽ phù hợp với người dùng của Táo khuyết.