Người dùng được xem là mắt xích yếu nhất về bảo mật trong thanh toán online, nhưng khi xảy ra sự cố, lỗi không phải lúc nào cũng thuộc về họ.
Thanh toán online ( trực tuyến) là hình thức giao dịch ngày càng phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhưng đi kèm với đó là những rủi ro mất tiền, bị đe dọa về an toàn thông tin cá nhân của người dùng. Theo ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành công ty bảo mật NTSS, lừa đảo trực tuyến ngày càng nhiều và trở thành “việc làm ăn” của giới tội phạm mạng.
Nhà báo Phạm Hồng Phước bày tỏ nhiều quan ngại tới tâm lý của người dùng khi thanh toán online
Khác với nhiều quốc gia khác trên thế giới khi những vụ lừa đảo do các nhóm tin tặc sừng sỏ cầm đầu, thì ở Việt Nam đa phần vụ lừa đảo đều thực hiện bằng các thủ đoạn đã cũ, đơn giản, nhưng tỏ ra có hiệu lực khi người dùng vẫn sập bẫy. “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy người dùng cuối là mắt xích yếu nhất, khó nâng cấp nhất của các thành phần trong hệ thống bảo mật. Khi người dùng không có ý thức về bảo mật thì dù ngân hàng có hệ thống an ninh tới bao nhiêu cũng không thể bảo vệ họ nếu sơ suất khi thanh toán online”, lãnh đạo NTSS chia sẻ.
Ở góc độ người tiêu dùng, đồng thời là một chuyên gia nhiều năm theo dõi lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, nhà báo Phạm Hồng Phước đồng tình những câu chuyện thiếu an toàn khi tiêu dùng không tiền mặt đều quy lỗi về người tiêu dùng là một thực tế không thể phủ nhận, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng nếu chỉ nghĩ vậy sẽ rất khó cho khách hàng và có thể khiến họ cảm thấy không an toàn.
“Tôi thấy trường hợp mất tiền xảy ra, rất hiếm khi lấy lại được vì các lỗi đều đổ cho người dùng. Fintech (các công ty công nghệ tài chính) và ngân hàng nên quan tâm tới vấn đề này, nên áp dụng chân lý kinh doanh Người tiêu dùng luôn đúng chứ không phải luôn đẩy trách nhiệm về phía họ. Đó mới gọi là an toàn trong giao dịch không tiền mặt. Còn bây giờ, người dùng vẫn còn cảm thấy bơ vơ, không tạo được áp lực trước nhà cung cấp khi xảy ra vấn đề. Chúng ta đều hiểu nếu không còn cảm thấy an toàn, được bảo vệ thì người tiêu dùng sẽ phải tìm phương án khác”, nhà báo Hồng Phước chia sẻ tại buổi tọa đàm “Để an toàn trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt” diễn ra ngày 30.3 tại Báo Thanh Niên.https://27cf7a111ad358245914a53f769e2697.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html
Vị chuyên gia tin rằng khi các biện pháp công nghệ đã được làm tốt ở nhà cung cấp dịch vụ, thì Fintech, ngân hàng nên chuyển hướng quan tâm bảo mật từ lớp người dùng, làm sao để họ sử dụng ngày càng an toàn hơn. “Nên có đơn vị trung lập đứng ra tập hợp, tổ chức, phản ánh về những sự cố tiêu dùng trực tuyến để các bên cùng xử lý, từ đó bàn thảo những vấn đề xảy ra trong lĩnh vực này”, ông nhận định.
Cũng theo nhà báo kỳ cựu, hiện nay khi gặp sự cố người dùng chỉ có cách cầu cứu bên cung cấp dịch vụ nhưng mất thời gian, công sức mà chưa chắc đã xử lý được vấn đề, tâm lý cũng vì thế mà không thoải mái. Mà đã không thoải mái thì người dùng sẽ cân nhắc việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Nguyễn Bá Diệp – Đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo
Ông Nguyễn Bá Diệp – Đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo và bà Trương Cẩm Thanh – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần ZION (đơn vị chủ quản ví điện tử ZaloPay) đều xác nhận có một thực tế khi xảy ra sự cố, nguyên nhân đa phần xuất phát từ sự bất cẩn của khách hàng, dù Fintech hay các cơ quan truyền thông đã liên tục cảnh báo, nhắc nhở và thông tin về những vụ lừa đảo cũng như cách phòng tránh.
“Chúng tôi luôn cung cấp cho khách hàng nhiều hình thức liên hệ, phản ánh như tổng đài 24/7, trung tâm tư vấn, email hỗ trợ… đồng thời chủ động cảnh báo tới người dùng. Nhưng nhiều khi họ vì một lý do nào đó bỏ qua các cảnh báo. Ngoài ra, chúng tôi từng xử lý nhiều vụ mất tiền, có những trường hợp lấy lại được nhưng vô cùng khó khăn bởi trong giao dịch trực tuyến, kẻ gian dễ dàng tẩu tán số tiền trộm được sang những địa chỉ khác chứ không giữ tại tài khoản lừa đảo dù Fintech khóa tài khoản khả nghi rất nhanh chóng. Việc truy lùng đường đi của dòng tiền vô cùng tốn thời gian và công sức”, bà Cẩm Thanh trình bày.
Bà Trương Cẩm Thanh – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần ZION (đơn vị chủ quản ví điện tử ZaloPay)
Theo khảo sát của ZaloPay, 57% người dùng dự định sử dụng ví điện tử nhiều hơn trong 6 tháng tới cho các giao dịch thanh toán online, điều này cho thấy tiềm năng của thị trường ví điện tử còn rất nhiều dư địa. MoMo, ShopeePay và ZaloPay là những ví điện tử phổ biến nhất, chiếm tổng số 87% người dùng ví điện tử. Trong số các nhà cung cấp hàng đầu này, MoMo và ZaloPay chiếm được cảm tình của người dùng nhờ giao dịch chuyển tiền nhanh, trong khi các chương trình khuyến mãi thúc đẩy sự phổ biến của ShopeePay.
“Để an toàn trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt” là chủ đề tọa đàm do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Ví điện tử MoMo, Ví điện tử ZaloPay, Ví điện tử ShopeePay, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), Công ty cổ phần TNHH Tiki và Công ty TNHH Bảo mật Nam Trường Sơn tổ chức. Chương trình diễn ra tại tòa soạn Báo Thanh Niên (268 – 270 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM) và được tường thuật trên các kênh của báo như thanhnien.vn, các nền tảng Facebook, YouTube của Báo Thanh Niên… Buổi tọa đàm xoay quanh xu hướng tiêu dùng không tiền mặt trên thế giới cũng như tại Việt Nam; những lợi ích – khó khăn mà hình thức giao dịch này mang lại cho cả người tiêu dùng lẫn đơn vị cung cấp dịch vụ, các nhà quản lý. Các chuyên gia cũng sẽ chia sẻ cái nhìn chi tiết hơn về những hình thức lừa đảo trực tuyến của giới tội phạm.
Theo Thanh Niên