Người bán lợi dụng giai đoạn nền tảng tung ra nhiều mã giảm giá để thu lợi bất chính thông qua các đơn hàng ảo. Do đó, người dùng thật không mấy khi được hưởng ưu đãi của sàn.
Sàn TMĐT tung nhiều mã giảm giá, để thu hút người dùng mua qua livestream. Ảnh: Xuân Sang.
Trong mùa mua sắm cuối năm, các nền tảng thương mại điện tử tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để cạnh tranh với đối thủ. Tuy nhiên, chính sách của nền tảng bị các chủ shop lợi dụng, thu lợi bất chính. Điều này gây thiệt hại cho sàn thương mại điện tử (TMĐT) và người dùng cuối, khi không nhận được khuyến mãi.
Bằng cách móc nối với đơn vị vận chuyển, thuê người mua giả, bên bán hàng có thể kiếm số tiền lớn trong thời gian ngắn.
Sàn đốt tiền, shop thu lợi bất chính
Trao đổi với Tri thức – Znews, ông Nguyễn Trung Kiên, chuyên gia mảng kinh doanh online, quản trị viên nhóm người bán hàng có gần 400.000 thành viên, cho biết 3 tháng gần đây, nền tảng liên tục tung ra chương trình khuyến mãi trong các ngày đôi (10/10, 11/11, 12/12) để thu hút khách hàng. Shopee cung cấp nhiều mã giảm giá lớn khi người dùng mua hàng trên các phiên phát trực tiếp.
“Với sự nổi lên của TikTok Shop, Shopee phải bung tiền để cạnh tranh với đối thủ. Chức năng livestream là nơi mà sàn này tập trung đẩy mạnh, bằng cách tung ra rất nhiều mã giảm giá với hạn mức lớn”, ông Kiên nói.
Bài đăng thuê người đặt đơn ảo trên sàn TMĐT. Ảnh: Minh Thắng.
Nắm bắt chính sách, nhiều chủ shop dùng chiêu trò để lợi dụng nền tảng. Theo ông Kiên, phía bán hàng sẽ tìm người quen hoặc thuê cộng tác viên qua mạng, thu thập mã giảm giá trên phiên livestream, rồi mua hàng ở shop theo hướng dẫn.
“Ví dụ, một món hàng giá gốc 100.000 đồng, sau khi áp mã giảm 40.000 đồng của sàn, giá còn 60.000 đồng. Sau đó, shop đóng hộp trống để gửi đi cho khách đã sắp đặt. Cuối cùng, khi sàn trừ thuế phí khoảng 10.000 đồng, người bán thu lời 30.000 đồng trên mỗi mã giảm giá của sàn”, ông Nguyễn Thanh Tùng, một người chuyên bán phụ kiện trên các sàn TMĐT, chia sẻ “mẹo” các chủ shop online sử dụng để qua mặt nền tảng.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, chủ shop có thể thông đồng với bưu cục vận chuyển, chỉ bấm giao đơn trên hệ thống mà không cần nhận hàng. “Như vậy, phía giao hàng vẫn đạt KPI mà không cần làm việc. Chủ shop ăn tiền chênh lệch. Chỉ có sàn chịu thiệt”, ông Kiên nhận định.
Với cách thực hiện đơn giản, chủ shop có thể thu về khoản lợi rất lớn trong các đợt khuyến mãi. Trong khi đó, người dùng muốn mua hàng thật sự lại không được tiếp cận với các mã giảm giá mà sàn TMĐT tung ra.
Mặt khác, những gian hàng dùng thủ thuật này còn giúp tăng số liệu bán ra. Theo thuật toán nền tảng, các món được mua nhiều sẽ nằm ở vị trí cao khi người dùng tìm kiếm.
Khó qua mặt nền tảng
Trả lời Znews, đại diện Shopee cho biết sàn này đã ghi nhận tình trạng chính sách bị người bán lạm dụng. Nền tảng sẽ trừ tiền, khóa tài khoản đối tác vi phạm từ ngày 28/12. Mỗi đơn hàng lợi dụng mã giảm giá sẽ bị phạt tối đa 10 triệu đồng, trừ vào tài khoản người bán.
Một số sản phẩm có lượng bán cao bất thường, bị nghi ngờ là đơn ảo. Ảnh: Đức Sơn.
Nền tảng khuyến khích người dùng tố cáo các gian hàng có hoạt động bất thường trên nền tảng, để đảm bảo quyền lợi. Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, thủ thuật kiếm tiền từ mã giảm giá dạng này đã xuất hiện từ lâu, nhưng nó không quá phổ biến và các sàn cũng xử lý “nhẹ tay”.
“Tuy nhiên, người bán khó qua mặt nền tảng. Tôi từng gửi đi một số đơn hàng trống để ‘buff’ số lượng bán sản phẩm mới. Nhưng không rõ bằng cách nào, Shopee vẫn phát hiện ra”, ông Tùng kể lại.
Thực trạng đơn hàng ảo tồn tại trên các nền tảng TMĐT từ lâu, ảnh hưởng đến quyền lợi người mua hàng. Một số sản phẩm có số lượng bán ra hiển thị lên đến hàng trăm nghìn đến cả triệu mỗi tháng, chiếm các vị trí cao trên ô tìm kiếm. Đi kèm với đó là các đánh giá ảo, không đúng về sản phẩm. Điều này khiến người dùng có các nhận định sai khi mua hàng online.
“Việc seeding, tạo một số lượt bán với sản phẩm mới là cần thiết để tạo lòng tin với khách hàng. Nhưng một món mà ‘buff ảo’ đến vài trăm nghìn lượt là có vấn đề”, ông Kiên chia sẻ quan điểm.
Theo ZNews