ATM được nhiều người sử dụng vì tính tiện lợi của nó. Phương thức này khá đơn giản, không đòi hỏi nhiều thao tác khó. Tuy nhiên, việc bị nuốt thẻ ATM khi đang thực hiện giao dịch cũng thường xảy ra. Vậy cần chú ý những thao tác gì để không bị nuốt thẻ?
ATM là gì?
ATM là từ viết tắt của Automated Teller Machine nghĩa là máy rút tiền tự động. Chức năng chính của máy rút tiền tự động là dùng để rút tiền mặt được các ngân hàng đựng sẵn trong máy.
Ngày nay ATM còn thực hiện được nhiều chức năng khác như chuyển khoản, truy vấn số dư… rất tiện lợi nhằm giảm thiểu lượng khách hàng đến giao dịch tại ngân hàng và giúp khách hàng linh hoạt hơn trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Có những loại ATM nào?
Máy ATM gồm 2 loại chính:
Máy ATM với chức năng cơ bản là rút tiền và truy vấn số dư.
Máy ATM tích hợp nhiều chức năng như thanh toán hóa đơn, chuyển tiền khác ngân hàng, rút tiền, kiểm tra số dư, gửi tiền tiết kiệm…
Để sử dụng ATM, cần phải có thẻ ATM và mã pin đã được đăng ký với ngân hàng. Chiếc thẻ ATM này có thể cùng hoặc khác ngân hàng phát hành với máy ATM đang sử dụng.
Cây ATM xuất hiện ở khắp nơi như chi nhánh ngân hàng, mạch đường chính, siêu thị, công viên, tòa nhà… giúp cho người dân có thể rút tiền mọi lúc mọi nơi.
ATM rất tiện lợi giúp khách hàng linh hoạt hơn trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Làm thế nào để tìm cây ATM gần nhất?
Để tìm ATM gần nhất có thể vào Google gõ từ khóa: ATM + [tên ngân hàng] gần đây. Hoặc bạn có thể gõ ATM + [tên ngân hàng], ví dụ: ATM Vietcombank, ATM BIDV, ATM Vietinbank… Google sẽ hiển thị ra danh sách cây ATM gần nhất.
Lưu ý nhớ cho phép Google quyền truy cập địa chỉ hiện tại của người sử dụng.
Cách rút tiền ATM không lo bị nuốt thẻ
Bước 1: Đưa thẻ ATM vào khe đựng thẻ.
Trên mặt thẻ ATM đều có hình mũi tên được in trên thẻ, cần đưa đúng chiều mũi tên vào khe thẻ.
Bước 2: Bấm chọn ngôn ngữ
ATM sẽ yêu cầu bạn chọn ngôn ngữ muốn sử dụng (Select Language). Thông thường, hệ thống ATM có những ngôn ngữ phổ biến như Tiếng Việt, Tiếng Anh và Tiếng Hoa.
Bước 3: Nhập mã PIN
Sau khi chọn ngôn ngữ, ATM yêu cầu bạn nhập mã PIN.
Sau khi nhập mã PIN, chọn tiếp “Enter” để chuyển tiếp, hoặc “Clear” để nhập lại mã PIN. Nút “Cancel” có chức năng hủy và không tiếp tục thực hiện giao dịch.
Lưu ý: Khi thao tác nhập mã PIN nên dùng tay che để tránh trường hợp bị lấy mất thông tin.
Bước 4: Chọn loại giao dịch
Sau khi nhập thành công mã PIN, cần chọn tiếp giao dịch rút tiền mặt trên màn hình.
Ngoài ra rút tiền, các loại giao dịch thường có tại ATM như:
Rút tiền mặt.
Vấn tin tài khoản.
Đổi mã pin.
Chuyển khoản.
Gửi tiền có kỳ hạn.
Thanh toán hóa đơn.
Thanh toán thẻ tín dụng.
Bước 5: Chọn tài khoản thanh toán.
Đối với giao dịch rút tiền, ATM sẽ yêu cầu chọn loại tài khoản giao dịch như: Tài khoản thẻ (tài khoản mặc định), tài khoản thẻ tín dụng, tài khoản tiết kiệm…
Lưu ý: Thông thường, sẽ chọn “Tài khoản thẻ”. Rút tiền thẻ tín dụng sẽ bị tính lãi suất trên số tiền rút, do đó nên cân nhắc trước khi rút.
Bước 6: Nhập số tiền cần rút
Các máy ATM sẽ hỗ trợ mặc định các hạn mức tiền bạn có thể rút như: 100.000VND, 200.000VND, 500.000VND, 1.000.000VND, 1.500.000VND, 2.000.000VND, 5.000.000VND và “Số khác”.
Sau khi chọn số tiền cần rút, chọn “Enter”.
ATM sẽ hỏi bạn có muốn in hóa đơn không, bạn có thể bấm chọn Có (Enter) hoặc Không (Cancel).
Lưu ý: Số tiền rút từ tài khoản thẻ phải nhỏ hơn số dư có trong thẻ ATM.
Bước 7: Nhận tiền và thẻ
Sau khi thực hiện đúng các thao tác, ATM sẽ thực hiện giao dịch. Sẽ có 2 hình thức nhận tiền trước và nhận thẻ sau hoặc nhận thẻ trước và nhận tiền sau. Có thể quan sát thông báo trên màn hình máy ATM hiện thị.
Lưu ý: Cần phải kiểm tra lại số tiền và thẻ sau khi hoàn tất giao dịch. Tránh tình trạng quên thẻ tại máy có thể xảy ra những rủi ro không đáng có.
Có một số cây ATM sử dụng màn hình cảm ứng, không có nút bấm ở bên cạnh. Vì vậy chỉ cần chạm tay vào các tùy chọn trên màn hình là có thể thực hiện được giao dịch như mong muốn.
Khi nhập mật khẩu, người dùng cần lấy 1 tay che để đảm bảo vấn đề bảo mật thông tin. Tránh tình trạng nhập sai mật khẩu và bị nuốt thẻ.
Ở một số ngân hàng, thẻ ATM sẽ được nhả trước rồi mới trả tiền và ngược lại tiền ra trước, nhả thẻ sau. Do đó cần chú ý lấy lại thẻ và nhận tiền ở đúng khe.
Sử dụng ATM cần thực hiện đúng các bước để tránh bị nuốt thẻ.
Vì sao ATM lại nuốt thẻ?
Việc thẻ ATM bị nuốt xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân thường gặp là:
Máy ATM bị hỏng hóc, phát sinh lỗi kỹ thuật, lỗi đường truyền.
Thẻ ATM của người sử dụng là thẻ đen ngân hàng.
Nhập sai mã pin quá 3 lần khi giao dịch.
Sau giao dịch, không nhận lại thẻ trong thời gian quy định từ 15 giây- 30 giây.
Bị nuốt thẻ ATM khi rút tiền ngân hàng khác có bị tính phí không?
Sử dụng thẻ ATM rút tiền ngân hàng khác bị nuốt thẻ sẽ không bị tính phí. Do đó khách hàng không nên quá lo lắng, số tiền sẽ được bảo toàn 100% nếu làm theo đúng những bước hướng dẫn khi gọi điện báo ngân hàng bị nuốt thẻ.
Các bước lấy lại thẻ ATM bị nuốt
Với trường hợp thẻ bị nuốt khi rút tiền ở cây ATM khác ngân hàng, cần thực hiện những bước sau để nhanh chóng lấy lại được thẻ ATM của mình.
Kiểm tra lần cuối cùng mọi giáo dịch tại ATM khác ngân hàng đang sử dụng. Đảm bảo là thẻ đã bị nuốt và đang không có phát sinh thêm bất cứ giao dịch nào.
Gọi điện ngay số hotline của ngân hàng mở thẻ để báo bị nuốt thẻ. Nên yêu cầu khóa thẻ để đảm bảo số tiền trong tài khoản không phát sinh bất cứ giao dịch nào.
Gọi điện ngay cho số hotline bên trong buồng ATM khác ngân hàng mà đang giao dịch để báo thẻ bị nuốt và yêu cầu hướng dẫn lấy lại thẻ. Nếu đang giao dịch cây ATM đặt tại chi nhánh hay phòng giao dịch thì hãy báo cho bảo vệ hoặc vào ngay bên trong báo để nhân viên hỗ trợ.
Thực hiện theo hướng dẫn của ngân hàng để lấy lại thẻ nhanh nhất. Thông thường thời gian để giải quyết sẽ mất từ 5 ngày. Thủ tục nhận lại thẻ cũng không quá phức tạp. Cần mang theo giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc giấy tờ khác theo yêu cầu của ngân hàng để đối chiếu nhận lại thẻ.
Để tránh bị nuốt thẻ khi rút tiền ở cây ATM khác ngân hàng cần làm gì?
Để hạn chế rủi ro khi bị nuốt thẻ trong trường hợp chọn cách rút tiền ATM ở ngân hàng khác cần chú ý những điểm sau:
Tuân thủ quy trình rút tiền bằng thẻ tại cây ATM.
Tìm hiểu kỹ những ngân hàng có liên kết với ngân hàng mở thẻ để sử dụng cây ATM cho thuận tiện. Việc sử dụng cây ATM khác ngân hàng không có liên kết cũng là một trong những nguyên nhân khiến thẻ của bạn bị nuốt khi cố gắng giao dịch.
Cách rút tiền ATM bằng mã QR không cần dùng thẻ
Cách rút tiền ATM bằng mã QR không cần dùng thẻ được nhiều khách hàng ưa chuộng trong thời gian gần đây. Để thực hiện rút tiền ATM bằng mã QR cần làm theo các hướng dẫn sau:
Bước 1: Tại cây ATM, chọn chức năng “Rút tiền bằng mã” sau đó nhập số tiền cần rút.
Bước 2: Nhập số điện thoại đang sử dụng và hệ thống sẽ thông báo giao dịch thành công. Đồng thời, sẽ nhận được mã rút tiền 1 và 2 đến điện thoại di động.
Bước 3: Tại cây ATM, chọn “Cardless”, chọn tính năng “Rút tiền bằng mã” rồi nhập mã rút tiền 1, 2 đã nhận trước đó.
Bước 4: Nhập số tiền cần rút trên bàn phím rồi bấm xác nhận.
Phí sử dụng cây ATM là bao nhiêu?
Thông thường, giao dịch trong cùng hệ thống ngân hàng bạn sẽ được miễn phí các phí giao dịch trên cây ATM. Nếu có, thì sẽ một khoản phí nhỏ khi thực hiện rút tiền mặt tại ATM.
Đối với việc sử dụng cây ATM khác hệ thống. Trừ dịch vụ truy vấn số dư thì hầu hết các ngân hàng đều tính phí giao dịch. Ước tính của các ngân hàng cho chi phí xử lý giao dịch trên gồm cả phí bảo trì khoảng 7.000đ/giao dịch.
Hiện nay, các ngân hàng đang phí thu 0-1.000đ cho việc rút tiền qua cây ATM cùng hệ thống và 3.000đ khi rút tiền qua cây ATM khác hệ thống.
Theo Gia Đình Xã Hội