Việc không thể ngăn chặn hoàn toàn những nỗ lực tấn công từ bên ngoài thông qua phần mềm độc hại khiến việc bỏ phiếu online chưa khả thi.
Trong đại dịch, mọi người có xu hướng mua sắm trực tuyến, thanh toán không tiền mặt, họp từ xa và học online… Tuy nhiên, hoạt động này chưa thể áp dụng với việc bỏ phiếu.
Dan Wallach, Giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Rice (Texas), chia sẻ trên Marketplace: “Nhìn bề ngoài, bỏ phiếu từ xa nghe có vẻ hấp dẫn và đơn giản. Chúng ta vẫn gửi ngân hàng trực tuyến, tại sao không thể bỏ phiếu trực tuyến? Câu trả lời là việc xây dựng một hệ thống không khó, cái khó là xây dựng tính bảo mật cho hệ thống đó có thể đối mặt với những mối đe dọa, những nỗ lực can thiệp từ bên ngoài”.
Wallach là thành viên nhóm hỗ trợ kỹ thuật của Hội đồng Hỗ trợ Bầu cử Mỹ. Theo ông, bỏ phiếu qua Internet tạo ra một số thách thức mà các chuyên gia chưa biết cách giải quyết, như không thể chặn hoàn toàn việc phát tán phần mềm độc hại, ngăn các nỗ lực tấn công từ bên ngoài, hay đảm bảo mọi cử tri đều có kết nối Internet.
Lý do cản trở bầu cử trực tuyến là an ninh mạng. Ảnh: Cumanagement.
“Hãy nghĩ đến giao dịch ngân hàng trực tuyến. Lỗi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trung bình mỗi năm một lần, số thẻ tín dụng của tôi bằng cách nào đó lại bị rò rỉ và sau đó tôi phải đổi thẻ, trả một vài khoản phí. Đó là quy trình chúng ta đều quen thuộc”, Wallach giải thích. “Hãy tưởng tượng nếu điều tương tự xảy ra với hệ thống bỏ phiếu trực tuyến. Bởi các phiếu bầu là riêng tư và ẩn danh, nên nếu bị giả mạo, chúng ta sẽ khó phát hiện và không biết rằng mình cần có hành động khắc phục kịp thời”.
Ông cho rằng lá phiếu giấy vẫn là “công nghệ” tuyệt vời. Một khi nội dung nào đó được viết hoặc được in ra giấy rồi, nó vượt qua sự tác động của phần mềm độc hại trên máy tính. Nội dung trên giấy không thể xóa được và những thay đổi trên đó sẽ được nhìn thấy.
“Trong tương lai có thể sẽ xuất hiện một số hình thức bầu chọn trên Internet. Còn ngày nay, không có công nghệ nào đủ đảm bảo rằng tất cả điện thoại và máy tính đang hoạt động trong hệ thống không có phần mềm độc hại, không bị giả mạo”, Wallach nhấn mạnh.
Hồi tháng 10, một nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Michigan cảnh báo rằng nền tảng bỏ phiếu trực tuyến nổi tiếng OmniBallot, được sử dụng bởi cả hai bang cũng như một số nơi khác, có lỗ hổng bảo mật và các lá phiếu trực tuyến được trả lại qua con đường điện tử có thể dễ dàng bị tấn công.
Theo Tiến sĩ David Jefferson, nhà khoa học máy tính tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore (Mỹ), bầu cử qua mạng không khả thi bởi không có bất kỳ công nghệ hiện tại nào có thể đảm bảo đầy đủ cho một cuộc bầu cử công khai trực tuyến. “Có những vấn đề cơ bản về an ninh mạng mà chúng ta thậm chí không có giải pháp tiềm năng”, Jefferson nhận định trên Observer.
Theo Vnexpress