Smartphone – thiết bị công nghệ không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, nhưng lại trở thành nỗi lo của không ít bậc phụ huynh. Vậy đâu là lý do khiến họ ngày càng hạn chế con cái sử dụng thiết bị này?
Nhiều tổ chức quần chúng ra đời kêu gọi phụ huynh hạn chế cho con dùng smartphone
Ảnh minh họa.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng smartphone liên quan đến tác hại đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em. Một tổ chức quần chúng ở Anh có tên “Smartphone Free Childhood” (tạm dịch: Tuổi thơ không smartphone) đang hỗ trợ các bậc phụ huynh quyết định không cho con em mình sử dụng thiết bị này.
Được sáng lập bởi Daisy Greenwell và Clare Fernyhough vào tháng 2 vừa qua, tổ chức “Smartphone Free Childhood” đã nhanh chóng trở thành một cộng đồng lớn mạnh với hơn 60.000 phụ huynh tham gia.
Sự phát triển chóng mặt này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về việc trẻ em quá sớm tiếp xúc với smartphone. Với mục tiêu tạo ra một môi trường số lành mạnh hơn cho trẻ, tổ chức này đã cung cấp một diễn đàn để các bậc phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp.
Con số thống kê đáng báo động từ cơ quan quản lý lĩnh vực truyền thông của Vương quốc Anh (Ofcom) cho thấy, 97% trẻ em dưới 12 tuổi tại Anh đã sở hữu điện thoại di động, phản ánh một thực tế đáng lo ngại về sự phụ thuộc vào công nghệ số của thế hệ trẻ. Trước tình hình này, phong trào “Smartphone Free Childhood” đã ra đời, nhằm mục tiêu giảm thiểu những tác động tiêu cực của smartphone và tạo ra một môi trường sống lành mạnh hơn cho trẻ em.
Trong khi đó, tại Mỹ, theo một báo cáo năm 2021 của tổ chức phi lợi nhuận Common Sense khảo sát 1.306 thanh thiếu niên từ 8 đến 18 tuổi tại Mỹ cho thấy, 42% trẻ em đã sở hữu smartphone khi mới 10 tuổi và con số này tăng lên 91% khi lên 14 tuổi.
Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào internet, các bậc phụ huynh đưa smartphone cho con em mình vì nhiều lý do, bao gồm giải trí, theo dõi vị trí và giữ liên lạc khi trẻ rời khỏi nhà. Tuy nhiên, các nghiên cứu và chuyên gia nhấn mạnh rằng điều này mở ra cánh cửa cho mạng xã hội và có thể gây hại cho sức khỏe tâm thần.
Do đó, tổ chức “Smartphone Free Childhood” hướng đến việc đoàn kết các bậc phụ huynh không cho con sử dụng smartphone để giảm bớt áp lực từ bạn bè và cảm giác cô lập mà chúng có thể gặp phải.
Sự thành công của tổ chức đã giúp nó mở rộng ra quốc tế với các nhóm được thành lập tại Mỹ, Úc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Brazil, Canada, Nam Phi và nhiều quốc gia khác.
Chỉ vài ngày sau khi chiến dịch “Smartphone Free Childhood” được khởi động, chính phủ Anh, lúc đó do Đảng Bảo thủ lãnh đạo đã ban hành hướng dẫn mới cấm sử dụng smartphone trong trường học và giờ nghỉ giải lao.
Một số nơi ở Mỹ như thành phố Los Angeles và các bang Florida, Indiana đã ban hành lệnh cấm điện thoại di động trong trường học.
Các tổ chức độc lập tương tự khác cũng đang được thành lập trên toàn cầu, bao gồm “Wait Until 8th” có trụ sở tại thành phố Austin (Mỹ), “Unplugged” tại Canada, “No Es Momento” tại Mexico và “Heads Up Alliance” tại Úc.
Tuy nhiên, một số học giả và nhà khoa học vẫn không tin rằng smartphone và sức khỏe tâm thần kém có liên quan với nhau. Giáo sư tâm lý học Christopher Ferguson nói với tờ NBC News hồi đầu năm nay rằng xã hội thường phản ứng tiêu cực với công nghệ mới và những tác hại tiềm ẩn của nó từ TV, trò chơi điện tử và gần đây nhất là trí tuệ nhân tạo.
Các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng hơn khi trẻ em dùng smartphone sớm?
Một nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc nghiên cứu về bộ não con người và sức khỏe tâm thần Sapien Labs công bố năm ngoái cho thấy, những người trẻ tuổi báo cáo tình trạng sức khỏe tâm thần tồi tệ hơn khi họ sở hữu smartphone sớm.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu của 27.969 người từ 18 đến 24 tuổi được thu thập từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2023 tại 41 quốc gia bao gồm Bắc Mỹ, Châu Âu, Mỹ Latinh, Châu Đại Dương, Nam Á và Châu Phi.
Tuổi bắt đầu sử dụng smartphone có mối liên hệ rõ ràng với tình trạng sức khỏe tâm thần ở nữ giới. Nghiên cứu cho thấy, những người bắt đầu sử dụng smartphone càng sớm thì càng có tỷ lệ cao hơn khi báo cáo cảm giác đau khổ hoặc gặp khó khăn. Cụ thể, 74% phụ nữ sở hữu smartphone từ 6 tuổi đã trải qua những cảm xúc tiêu cực này, so với 61% ở độ tuổi 10 và 52% ở độ tuổi 15.
Ở nam giới, tình trạng cảm thấy đau khổ hoặc gặp khó khăn có xu hướng giảm dần theo độ tuổi bắt đầu sử dụng smartphone. Cụ thể, tỷ lệ này giảm từ 42% ở những người sở hữu smartphone đầu tiên ở tuổi độ 6 xuống còn 36% ở độ tuổi 18.
Việc bắt đầu sử dụng smartphone ở độ tuổi lớn hơn có thể mang lại những lợi ích cho sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu cho thấy, những người này ít gặp phải các vấn đề như suy nghĩ tiêu cực, hành vi hung hăng và cảm giác xa cách với cuộc sống
Những phát hiện này đã gióng lên hồi chuông báo động, thúc đẩy các bậc phụ huynh tìm kiếm những giải pháp để bảo vệ sức khỏe tâm thần của con em mình, theo chia sẻ của Zach Rausch, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về thế hệ trẻ tại Đại học New York (Mỹ).
Vị chuyên gia này cho rằng: “Việc trẻ em có một tuổi thơ dựa trên điện thoại thực sự có hại cho giới trẻ. Các nghiên cứu đã được tích lũy và bằng chứng về tác hại ngày càng mạnh mẽ hơn qua từng năm. Vấn đề này đã được phơi bày và các bậc phụ huynh thấy rằng những người khác cũng đang lên tiếng về điều này, vì vậy chúng ta đang chứng kiến một làn sóng các bậc phụ huynh đoàn kết lại”.
Zach Rausch nhấn mạnh rằng, sự kết hợp giữa smartphone và mạng xã hội đặc biệt nguy hiểm đối với giới trẻ.
Nghiên cứu Millennium Cohort của Vương quốc Anh, theo dõi cuộc sống của khoảng 19.000 người trẻ sinh ra ở Vương quốc Anh từ năm 2000 đến năm 2002 cho thấy một mối liên hệ chặt chẽ giữa việc sử dụng mạng xã hội và sự gia tăng các triệu chứng trầm cảm, bao gồm tự ti, bị bắt nạt trực tuyến và lo lắng về ngoại hình.
“Khi smartphone và mạng xã hội thực sự kết hợp với nhau, nó đã tạo ra một cách hoàn toàn mới để tương tác với nhau. Smartphone với các thuật toán thông minh, đã trở thành những “người bạn đồng hành” khó tách rời, nhưng đồng thời cũng là những “kẻ thù” tiềm ẩn, gây nghiện và xâm nhập sâu vào cuộc sống của chúng ta”, chuyên gia Zach Rausch cho biết thêm.
Trong những năm gần đây, gã khổng lồ công nghệ Meta, sở hữu nền tảng mạng xã hội Instagram và Facebook đang đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội từ các nhà lập pháp và phụ huynh vì đã vô tình tạo ra một môi trường trực tuyến đầy rẫy những nội dung độc hại, đặc biệt là đối với trẻ em và thanh thiếu niên.
Trước làn sóng chỉ trích dữ dội, Mark Zuckerberg, CEO của Meta đã lên tiếng kêu gọi các nhà làm luật siết chặt quy định đối với nội dung trực tuyến độc hại. Song song đó, Meta cũng tự chủ động hạn chế loại nội dung mà người dùng trẻ tuổi tiếp xúc, bao gồm các vấn đề nhạy cảm như tự làm hại bản thân và rối loạn ăn uống.
Trước mối quan ngại ngày càng tăng về tác động của mạng xã hội lên trẻ em, nhiều công ty công nghệ đã bắt đầu chuyển hướng sang phát triển các nền tảng thân thiện hơn. Điển hình là Google với YouTube Kids, một ứng dụng được thiết kế riêng cho trẻ em với nội dung lành mạnh và các tính năng kiểm soát của phụ huynh.
Nhận thấy nhu cầu kết nối của trẻ em ngày càng tăng, Apple đã ra mắt một trang web mới giới thiệu Apple Watch như một thiết bị thông minh dành riêng cho trẻ em, giúp các bậc phụ huynh yên tâm hơn khi cho con mình tiếp xúc với công nghệ. Thiết bị này sẽ được quản lý bằng iPhone của cha mẹ để họ có thể giữ liên lạc với con cái của mình.
Theo báo Nghệ An