Bất chấp tuyên bố, phần lớn chủ nhân các video lấy từ khóa “xóa kênh”, “ video cuối cùng” trên làm tiêu đề vẫn tiếp tục hoạt động.
Ngày 1/4, streamer nổi tiếng Viruss tuyên bố xóa kênh YouTube nổi tiếng của mình sau 6 năm thành lập và hoạt động. Đây được xem là sự đánh đổi khi kênh này đã đạt hơn 4 triệu người theo dõi, dính vấn đề bản quyền.
Trước đó, ngày 31/3, Khoa Pug – YouTuber Việt nổi tiếng về nội dung ẩm thực, đăng tải đoạn clip “ Video cuối cùng Khoa Pug tại Việt Nam – Tạm biệt”. Trong đó, nhà sáng tạo này cho biết vẫn sẽ tiếp tục thực hiện đánh giá món ăn nước ngoài theo yêu cầu người xem.
Video đang HOT
Chiêu trò câu tương tác
Thực tế, đây không phải lần đầu, các YouTuber Việt cài cắm những câu từ như “cuối cùng”, “xóa kênh” vào tiêu đề video như một cách để tăng tương tác.
Chiếm hàng đầu lượt tìm kiếm trong các clip sử dụng từ khóa “ video cuối cùng” là nội dung của kênh NTN Vlogs . Ngày 15/11/2019, YouTuber NTN đăng video tiêu đề “Xóa kênh (Delete Channel)”. NTN hiện là nhà sáng tạo có lượng người theo dõi cao thứ ba tại Việt Nam với gần 9,6 triệu lượt.
Kênh NTN Vlog vẫn tiếp tục hoạt động sau nhiều lần tuyên bố xóa kênh .
Tuy có lượng người theo dõi cao, NTN không ít lần gây tranh cãi khi đăng tải nhiều video có nội dung phản cảm , độc hại.
Tuyên bố xóa kênh nói trên diễn ra trong bối cảnh, YouTuber này bị cộng đồng Internet lên án khi thực hiện nội dung thả 100 cây dao trên cao xuống. Đoạn video cũng không bật chế độ hạn chế độ tuổi hay đưa ra cảnh báo nội dung có thể gây nguy hiểm.
Nhà sáng tạo tai tiếng tỏ ra yêu thích từ khóa “cuối cùng”. Bởi trong các ngày 1/7/2019 và 24/8/2019, Nguyễn Thành Nam – chủ kênh NTN Vlog lần lượt cho đăng các nội dung tiêu đề “NTN – Video Cuối Cùng Tại Việt Nam” và “Video Cuối Cùng Với Bà – Bà NTN Chết”.
Ngoài ra, anh còn có “Video Cuối Cùng (Stop YouTube)”. Clip này hiện đã bị xóa khỏi NTN Vlogs , song vẫn được đăng lại trên các kênh khác.
Đến nay, hơn một năm trôi qua, NTN vẫn tiếp tục thực hiện nội dung, bất chấp tiêu đề đoạn clip năm xưa.
Chiêu trò này từng được PHD, một kênh YouTube khác cũng thường xuyên chịu chỉ trích của người dùng Internet sử dụng. Phương Hữu Dưỡng – chủ nhân kênh PHD Troll – từng cùng một người bạn đập vỡ 400 quả trứng bỏ vào chậu, đứng trên sân thượng đổ xuống đầu người lạ đi ngang qua.
Clip tiêu đề “PHD. Video Cuối Cùng…” của kênh này đăng ngày 10/10/2017. Trong đó, Hữu Dưỡng cho biết đã nhận được giấy nghĩa vụ quân sự và sẽ lên đường nhập ngũ.
Trò lừa hoặc là chiêu bài hoạt động theo cách mới
Ngày 20/5/2019, kênh YouTube Oops Banana cũng đăng tải nội dung lấy tiêu đề tương tự. Dù với tên gọi “Video cuối cùng…”, chủ kênh này cho biết anh vẫn tiếp tục sáng tạo nội dung mới.
Ngày 1/4, kênh YouTube Nguyễn Hữu Trí đăng tải đoạn video “Chào tạm biệt…”. Tuy nhiên, đây chỉ là trò đùa ngày Cá tháng tư của nhà sáng lập Awake Your Power.
Trường hợp khác là kênh YouTube Thơ Nguyễn tuyên bố dừng hoạt động kiếm tiền, đồng thời ẩn gần như toàn bộ các video đã đăng tải trên kênh này.
Liên quan đến sự việc clip “xin vía búp bê để học giỏi” của Thơ Nguyễn bị dư luận lên án, kênh YouTube của cô đăng tải clip “Tạm biệt…”. Tuy nhiên, ekip Thơ Nguyễn vẫn bỏ ngỏ khả năng tiếp tục đăng tải video lên chính kênh này.
Cụ thể, ở cuối đoạn clip, đại diện Thơ Nguyễn cho biết: “Đã đến lúc cần phải mạnh mẽ, đứng dậy, lạc quan sống tiếp để xây dựng một phiên bản mới hoàn thiện tốt đẹp hơn”. Điều này khiến nhiều người cho rằng có thể ekip Thơ Nguyễn đóng lại kênh này, nhưng tiếp tục xây dựng kênh mới.
Các kênh NTN chiếm hàng đầu trong các nội dung sử dụng từ khóa “video cuối cùng”.
Thực tế, chỉ cần tìm các từ khóa “video cuối cùng”, “tạm biệt” hay “xóa kênh” trên YouTube, con số nội dung liên quan lên đến hàng trăm. Không ít trong số đó trực tiếp cho rằng đây là video, clip YouTube cuối cùng.
Tuy nhiên, thực chất đây chỉ là chiêu trò thu hút lượt tương tác. Hoặc nếu không, “xóa kênh” là cách để nhà sáng tạo tiếp tục hoạt động theo cách mới.
Trong vụ việc ViruSs tuyên bố xóa kênh , đây có thể là cách hay để tránh bị xóa mất toàn bộ video nếu vi phạm bản quyền thêm lần nữa.
“Việc này còn giúp ViruSs có hệ thống nhiều kênh, tăng trưởng dễ dàng hơn so với một kênh lớn đã bão hòa. Ngoài ra, một kênh đã bị phạt 3 ‘gậy’ như Viruss có nổi tiếng mấy cũng gần như vô giá trị nếu bán lại”, ông Quan Dũng, quản trị viên nhóm cộng đồng làm YouTube lớn nhất tại Việt Nam nhận định.
Theo Zing