Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm.
Thông tin từ Sở Công Thương TP.HCM cho hay, tính đến ngày 25-11 đã có 180 trong tổng số 234 chợ truyền thống hoạt động lại sau khi đã xây dựng phương án hoạt động an toàn trong trạng thái bình thường mới.
Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm. Tại các chợ hoạt động, Ban quản lý chợ thực hiện các quy định có liên quan đến việc đảm bảo mật độ, lượng khách vào chợ cố định.
Dự kiến từ ngày 26-11, đến 30-11 trên địa bàn thành phố sẽ mở lại thêm 15 chợ gồm chợ Long Trường, chợ Long Thạnh Mỹ, chợ Khiết Tâm, chợ Linh Xuân, chợ Tam Hải, chợ Lê Mai, thành phố Thủ Đức.
Ngoài ra còn mở lại các chợ như chợ chiều Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi; chợ Bà Chồi, chợ Bờ Băng, chợ Rạch Dĩa, chợ Ấp 1, chợ Phước Lộc, chợ Phú Xuân, chợ Nhơn Đức, chợ Ấp 5, huyện Nhà Bè.
100% siêu thị tại TP.HCM đã hoạt động trở lại bình thường. ẢNH: T.THANH
Hiện nay cũng đã có 106/106 siêu thị hoạt động. Qua khảo sát nắm tình hình tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong ngày 25-11 cho thấy lượng khách mua sắm bình thường, không có tình trạng thu gom tích trữ.
Các đơn vị phân phối tiếp tục triển khai và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch như khai báo y tế, kiểm tra thẻ xanh, đảm bảo mật độ khách hàng giãn cách… Giá cả tại các đơn vị phân phối theo hệ thống được niêm yết và bán giá thống nhất, giá cả tương đối ổn định, không có biến động.
Tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố ổn định, đảm bảo được nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới.
Theo Sở Công Thương, số lượng chợ truyền thống mở cửa trở lại tại các quận, huyện ngày càng tăng bên cạnh các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki… đã góp phần làm tăng thêm lựa chọn kênh mua sắm cho người dân, giảm áp lực lên các hệ thống phân phối hiện đại.
Do ảnh hưởng dịch COVID-19, tính đến ngày 25-11 có 75 trong tổng số 3.101 cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động.
Nguyên nhân do một số cửa hàng chủ động đóng cửa để điều động nhân sự cho siêu thị, kho, trung tâm phân phối hoặc tạm ngưng để cải tạo, sửa chữa. Một số cửa hàng có doanh thu kém, không thể duy trì hoạt động.
Hiện TP.HCM còn 54/234 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động và đang xây dựng kế hoạch hoạt động lại.
1/3 chợ đầu mối tạm đóng cửa, chỉ tổ chức hoạt động điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa.
Theo Pháp Luật