Ai nói đi Hà Nội mới có bún chửi, phở chửi, người dân TP.HCM vẫn có thể phải/được trải nghiệm loại hình kinh doanh này tại quán bún nước cô Huyền ở quận Phú Nhuận.
Cô Huyền làm không ngơi tay, vừa làm vừa thể hiện “ngón nghề” thương hiệu của mình – Ảnh: TÔ CƯỜNG
Quán bún chửi cô Huyền nằm sâu trong con ngõ đường Nguyễn Công Hoan, phường 7, quận Phú Nhuận, sau lưng công viên văn hóa Phú Nhuận.
Tuy đường vào dày đặc hàng quán và những con đường nhỏ, quán cô Huyền vẫn rất dễ kiếm vì từ đầu hẻm, thực khách đã nghe vang vọng tiếng “chửi” như hát hay từ chủ quán.
Khách vào quán nhớ gọi cho đúng tên món là bún nước chứ lỡ miệng kêu bún chửi là sẽ được cô Huyền “chiều” ngay.
Bún chửi cô Huyền có gì đặc sắc?
Chắc chắn một số độc giả đọc tới đây sẽ tự hỏi bún nước là món gì sao chưa nghe bao giờ? Đây là một món độc nhất vô nhị tại TP.HCM, khác hoàn toàn với bún nước lèo xuất xứ từ người Khmer nổi danh các tỉnh miền Tây.
Dù chưa rõ nguồn gốc của món ăn này, theo lời chủ quán thì đây là một trong những hàng bún nước đầu tiên tại TP.HCM và đã bán hơn 30 năm, công thức do mẹ và bà cô truyền lại.
Phần mì trộn tương ớt, muối ớt, bột ngọt, tiêu trông khá “sinh viên” – Ảnh: TÔ CƯỜNG
Xung quanh khu vực Phú Nhuận cũng bắt đầu có những quán bán theo món ăn này, điểm chung là phải có chữ “cô” đứng đằng trước như quán cô Có, cô Dung… mới đúng điệu.
Tuy là hàng bún nước nhưng món bán chạy nhất ở quán cô Huyền vẫn là mì nước/trộn.
Về căn bản vẫn là món bún nước nhưng thay bằng vắt mì tôm, ai ăn khô thì trộn cùng tiêu, bột ngọt và muối ớt.
Thoạt nhìn, những thành phần của món có phần hơi “lai căng” khi có nào là thịt bò, chả bò, chả tôm, bò viên, bánh phồng tôm và trứng lòng đào.
Khi món ăn được bưng ra, người viết ngay lập tức liên tưởng đến những bữa ăn mì tôm “sang chảnh” thời sinh viên, khi mà lục tủ lạnh có món gì thì trụng với nước sôi rồi thưởng thức.
Chén nước dùng gồm thịt bò, chả bò, chả tôm, bò viên, trứng lòng đào, ngon nhất trong chén này có lẽ là chả tôm dai dai được nêm nếm vừa đủ – Ảnh: TÔ CƯỜNG
Phần nước dùng trông đục đục, đi kèm theo hành lá, hành phi và có bọt do trứng gà và thịt bò, tạo nên cảm giác hoài niệm khó tả.
Húp thử một muỗng, những nguyên liệu như chả tôm, thịt bò và vị cay nhẹ từ tiêu và ớt làm cho hương vị nước dùng trở nên khá đậm đà, nhưng nhìn chung không nổi bật, đặc trưng để có thể gọi đây là một món mới lạ, độc đáo.
So sánh là thế nhưng một tô bún/mì nước lại có giá không hề “sinh viên” khi lên đến hơn 70.000 đồng.
Chửi chỉ để “chiều khách”
Trên các trang mạng xã hội, mỗi lần cái tên bún chửi cô Huyền được nhắc tới là lập tức tranh cãi gay gắt sẽ nổ ra. Trong đó phần lớn là phê bình đồ ăn không có gì đặc sắc mà lại còn nghe chửi và phải trả cái giá đắt đỏ.
Có người đùa rằng khi đến đây ngoài trả tiền để ăn bún nước còn phải đi kèm thêm khoản “phí nghe chửi” nữa mới có giá như thế.
Tuy chất lượng đồ ăn không tệ nhưng vị ngon không phải là lý do thực khách gần xa tìm đến bún chửi cô Huyền – Ảnh: TÔ CƯỜNG
Thực chất theo quan sát của người viết, khi quán ít khách cô Huyền mặc nhiên không hề chửi, phải đến khi thấy từng đoàn người từ đầu ngõ tiến vào cô mới bắt đầu lớn tiếng.
Mà những lời “chửi” này cũng không dành cho khách mà là những lời nhắc nhở nhân viên quán những điều nhỏ nhặt như lau dọn hay bưng món này đi bàn nào…
Khi trò chuyện, cô Huyền cũng niềm nở, không tỏ ra là người hung dữ, có lẽ cô chỉ chửi để duy trì “thương hiệu” của quán, nói vui là giống như một cách marketing đầy dân dã.
Quả thật, nếu không có thương hiệu bún chửi gây tò mò, chắc hẳn quán cô Huyền sẽ không đông khách suốt nhiều năm qua như vậy, “tiếng lành đồn xa” cũng khiến nhiều YouTuber, TikToker, người làm truyền thông… trong đó có người viết tìm đến quán để trải nghiệm.
Cũng có nhiều người từ tò mò đến ăn thử rồi mến luôn cái không khí náo nhiệt và hương vị quán để rồi thành khách quen, từ đó bún chửi cô Huyền cũng ghi dấu ấn riêng trong lòng người dân TP.HCM.
Theo Tuổi Trẻ