Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải chuyển đổi xe năng lượng sạch.
Nhiều doanh nghiệp taxi còn chần chừ chuyển đổi sang xe năng lượng sạch vì vướng mắc cơ chế. Ảnh: Xanh SM.
Văn phòng Chính phủ mới đây đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh taxi chuyển đổi sang xe điện.
Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp vận tải sớm chuyển đổi phương tiện kinh doanh đường bộ sang sử dụng năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cần nghiên cứu, đề xuất, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường bền vững.
Xe điện chưa phù hợp với thị trường vận tải
Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh thị trường taxi năng lượng sạch đang gia tăng mạnh mẽ tại Việt Nam với sự tiên phong của thương hiệu taxi điện Xanh SM. Trong khi đó, vì nhiều lý do khác nhau, các hãng taxi truyền thống vẫn chưa mặn mà chuyển đổi sang xe điện mà chọn dòng xe hybrid để thay thế cho các phường tiện chạy xăng, dầu truyền thống.
Điển hình như ông lớn taxi khu vực phía Nam là Vinasun mới đây đã bắt đầu nhận bàn giao xe hybrid từ Toyota, đồng thời cho ra mắt dịch vụ taxi hybrid đầu tiên tại Việt Nam. Hãng cũng ký thỏa thuận hợp tác chiến lược cho kế hoạch đầu tư 2.000 xe Toyota hybrid trong năm 2025.
Phó tổng giám đốc Vinasun Trần Anh Minh chia sẻ xe hybrid có thể giảm tới 50% nhiên liệu so với xe xăng. Trong khi xe điện tiêu thụ khoảng 800 đồng tiền nhiên liệu/km, xe hybrid mất khoảng 1.100-1.200 đồng/km nhưng không mất chi phí cơ hội khi sạc điện.
Mỗi ngày, Vinasun cần tập kết các xe để kiểm tra trước khi vận hành. Nhưng hiện nay, ông Minh cho biết không có một trạm sạc nào có thể đáp ứng quy mô 40-50 xe của Vinasun để kiểm tra nếu là xe điện.
Một số doanh nghiệp taxi như Vinasun chọn giải pháp xe hybrid thay vì xe điện. Ảnh: Vinasun.
Tương tự Vinasun, một doanh nghiệp taxi đầu ngành khác là Mai Linh cũng đã hợp tác với Toyota trong dự án đầu tư 9.999 xe hybrid, kỳ vọng hoàn thành trong vòng 3 năm. Riêng năm 2024, Mai Linh đặt mục tiêu đầu tư 2.224 xe mới, bao gồm 1.000 xe hybrid cho các thị trường lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Theo lý giải của đơn vị này, xe điện chưa thật sự phù hợp và tối ưu tại thị trường Việt Nam bởi những bất cập về cơ sở hạ tầng cũng như rủi ro liên quan đến rác thải pin. Đây là lý do thúc đẩy hãng chuyển đổi xe sử dụng nhiên liệu xăng thuần túy sang các dòng hybrid.
Với dòng xe hybrid, công ty có thể đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm khí thải CO2, thay thế dần các xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, xe hybrid cũng không cần sạc pin và có thể đổ xăng/diesel tại các trạm nhiên liệu bình thường.
Rào cản về chính sách
Trao đổi với Tri Thức – Znews hồi tháng 5, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, khẳng định quãng đường vận hành của xe điện với mỗi lần sạc chỉ dao động 200-300 km, tương đối hạn chế nếu so với xe xăng truyền thống hay xe hybrid.
Mặt khác, cơ sở hạ tầng cũng là rào cản lớn khiến các hãng taxi khó tiếp cận với xe điện. Dù có tới 150.000 cổng sạc, chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội đánh giá số lượng cổng sạc hiện nay chưa chắc đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng xe điện và đội xe hơn 5.600 chiếc của Xanh SM, chưa kể đến mỗi chiếc xe điện cần dành 5-6 tiếng tại trạm sạc mới có thể đầy năng lượng.
Ông Nguyễn Công Hùng cho biết vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, quy định cụ thể dành cho các doanh nghiệp vận tải sử dụng xe điện.
“Quy trình nạp điện diễn ra sao, an toàn phòng chống cháy nổ như thế nào. Các quy định về xử lý chất thải sau này như pin hết đát cũng chưa có. Những rủi ro đó doanh nghiệp phải chịu hết. Đây là lý do họ phải có cái nhìn xa và lựa chọn thận trọng”, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội phân tích.
Theo ZNews