Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán. Và như mọi năm, Tết càng tới gần là câu chuyện thưởng Tết lại trở thành chủ đề nóng.
Năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp buộc phải giải thể hoặc cắt giảm nhân sự khiến nhiều lao động mất thưởng Tết.
Những doanh nghiệp còn trụ lại thì cũng đau đầu với việc làm sao để lo một cái Tết no ấm cho lao động của mình.
Gắn bó với Công ty TNHH Tỷ Hùng đã hơn 18 năm, nên chị Nguyễn Loan, 46 tuổi, quê tại Vĩnh Long không khỏi bàng hoàng khi biết tin mình thuộc diện cắt giảm nhân sự. Gia đình chị vốn đã khó khăn chồng chất khi chồng chị phát hiện bị u não chỉ cách đây vài tháng.
Nhiều công nhân ở Công ty TNHH Tỷ Hùng (ở quận Bình Tân, TP.HCM) kết thúc ca làm việc trong nỗi lòng nặng trĩu (Ảnh: Thanh Niên)
Dù được bồi thường 2 tháng lương, nhưng mất đi khoản tiền thưởng Tết, không còn thu nhập, gia đình chị Loan sẽ không biết phải làm gì trước hàng loạt khoản phí trước mắt: “Giờ chồng uống thuốc 1 tháng hết cả chục triệu bạc, tiền đâu có. Mình làm 1 tháng lương được 7-8-9 triệu, chừng đó còn không đủ mua thuốc cho chồng chứ còn nghĩ gì đến Tết, chưa kể còn tiền trọ, tiền ăn…”
Lựa chọn cho mình công việc làm tài xế công nghệ, tự do về thời gian, nhưng đồng nghĩa với việc không có ngày nghỉ, lễ Tết hay thiếu đi các chính sách an sinh xã hội như BHXH, BHYT hay được thăm hỏi, hỗ trợ khi đau ốm, anh Nguyễn Quốc Trung, 27 tuổi tại Hà Nội còn không nghĩ tới tiền thường Tết.
Anh Trung cho biết: “Làm shipper thì làm gì có thưởng Tết. Cùng lắm gần Tết này thì có hỗ trợ tăng một ít doanh thu, hoặc là người ta mua sắm nhiều thì mình có nhiều đơn hàng hơn thôi, chứ không có thưởng Tết gì hết. Thế nên làm shipper thì dịp Tết nhất như này, chỉ có cố gắng chạy nhiều đơn hơn để tăng thu nhập thôi”.
Là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực giải khát tại khu vực Hà Nội, nhưng năm 2022 vừa qua Tập Đoàn Polyco chứng kiến không ít những khó khăn như nguyên vật liệu sản xuất về chậm, số lượng đơn hàng giảm… do chịu tác động từ hậu Covid và tình hình chung của kinh tế thế giới.
Lựa chọn cho mình công việc làm tài xế công nghệ, tự do về thời gian, nhưng đồng nghĩa với việc không có ngày nghỉ, lễ Tết hay thiếu đi các chính sách an sinh xã hội như BHXH, BHYT hay được thăm hỏi, hỗ trợ khi đau ốm (Ảnh: Zing).
Ông Đinh Văn Thành – Tổng Giám đốc Tập đoàn Polyco chia sẻ: “Năm 2022 thực sự là một năm khó khăn và nhiều biến động với doanh nghiệp. Sau khi việc cách ly do đại dịch COVID được kiểm soát, cứ ngỡ mọi thứ sẽ vào chu kỳ hồi phục và phát triển. Nhưng thực tế lại không như vậy. Khi quay lại sản xuất, doanh nghiệp đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Lúc đầu thì thiếu hụt lao động. Sau thì bị gián đoạn do vật liệu sản xuất bị giao chậm”.
Với ngành dệt may, những tháng cuối năm bị ảnh hưởng do lạm phát ở các nước tăng cao dẫn đến cầu tiêu dùng giảm, nhiều nhãn hàng lớn đang phải đối diện với lượng hàng tồn kho. Thậm chí, nhiều đơn hàng đã sản xuất xong nhưng đối tác xin hoãn, giãn thời gian giao hàng. Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị May Hưng Yên cho biết:
“Tháng cuối năm có tình trạng là rất nhiều đơn hàng không xác nhận ngay và có xác nhận thì yêu cầu giá xuống rất thấp nhưng lý do là hiện nay tất cả thị trường đều dư mua, tức là ngay thị trường Mỹ lạm phát, thị trường châu Âu cũng tương tự như vậy, hầu hết khách hàng ở các thị trường chính đều yêu cầu giảm giá”.
Mới đây, theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, báo cáo của 25 địa phương, đơn vị, ngành có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…
Theo đó, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động là 1.235 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 646 doanh nghiệp dân doanh, chiếm 52,27%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 590 doanh nghiệp, chiếm 47,73%. Tổng số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm là hơn 472.000 lao động
Dự kiến trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có khoảng gần 700 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của hơn 271.000 lao động và gần 90 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp trên 15.000 lao động…
Nắm được tình hình khó khăn chung, cho nên càng gần Tết, những người lao động càng sốt ruột. Anh Trương Văn Chiến, công nhân đang làm việc tại tập đoàn Polyco Hà Nội chia sẻ: “Nói chung là những ngày lễ Tết, chúng tôi công nhân có nguyện vọng là mong công ty có thể hỗ trợ xe đưa đón về quê ăn Tết, thứ hai là cơm áo gạo tiền những ngày Tết, được phụ cấp tiền thưởng Tết. Được bao nhiêu thì chúng tôi cũng xin cảm ơn”.
Việc bị cắt giảm đơn hàng xuất khẩu đột ngột khi năm hết, tết đến khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn. Thưởng tết cho người lao động đang là bài toán mà nhiều doanh nghiệp phải “cân não”.
Ông Đinh Văn Thành – Tổng Giám đốc Tập đoàn Polyco chia sẻ: “Tết là thời gian cho gia đình và bản thân để đánh giá một năm đã trôi qua. Thời gian này rất ý nghĩa cho các thành viên của công ty. Vì vậy chính sách của tập đoàn là luôn cố gắng để có thể thưởng Tết cho anh em được tốt nhất. Vì ai cũng muốn có một cái Tết sum vầy, đầy đủ. Để làm được điều này, doanh nghiệp chúng tôi cần phải cân đối về dòng tiền, kiểm soát việc tồn kho, cố gắng tăng doanh thu, giảm chi phí hoạt động không cần thiết. Có như vậy mới đảm bảo được quyền lợi cho anh em”.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp của ngành dệt may Việt Nam đưa ra mục tiêu năm nay có thể là hòa vốn nhưng phải giữ được ổn định và phát triển của doanh nghiệp để giữ người lao động và giữ được thị trường, khách hàng, đấy là mục tiêu số một.
Thứ hai là doanh nghiệp cũng bắt đầu thắt hầu bao, kiểm soát mọi khoản chi phí đầu vào của doanh nghiệp để hạn chế tối đa tăng chi phí tác động đến hiệu quả của doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất, làm sao đó vẫn có một phần lợi nhuận để lo lương thưởng tháng 13 cho người lao động. Có như vậy thì chúng ta mới kỳ vọng cho sự ổn định của mục tiêu 2023 đặt ra cho ngành dệt may Việt Nam”.
Theo ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhằm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán 2023, Tổng Liên đoàn đã ban hành Kế hoạch 266.
Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương… thực hiện chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người chi bằng tiền mặt…
Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mới đây cũng yêu cầu các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trên cả nước thực hiện chính sách tiền lương và thưởng Tết cho người lao động.
Bộ yêu cầu các tỉnh cần khảo sát, nắm tình hình thực hiện quy định về lương tối thiểu, trả lương, tiền thưởng, nợ lương và kế hoạch thưởng Tết theo kết quả sản xuất, kinh doanh cho người lao động ở các doanh nghiệp… báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 25/12.
Trước tình trạng khó khăn chung của các doanh nghiệp, việc nợ lương, nợ BHXH và các chế độ của người lao động, trong đó có thưởng Tết. Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để tránh lặp lại kịch bản tương tự trong những cái Tết tới.
Dù bước đầu các tổ chức liên quan đã có những biện pháp nhằm nhằm chăm lo, đảm bảo cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, nhưng với những người lao động, khó khăn của họ chưa dừng lại ở cái Tết.
Bởi dự báo, thời gian tới, người lao động sẽ đối mặt nhiều hơn với nguy cơ mất việc, giảm giờ làm, nhất là với lực lượng lao động làm việc các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Do đó, để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, cần có các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, chú trọng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động.
Hiện các doanh nghiệp Việt đang phải hứng chịu tác động từ nhiều hướng. Đầu tiên, những tác động tiêu cực từ thời kỳ đại dịch COVID-19, đến nay các doanh nghiệp đang bắt đầu “ngấm đòn” khi mà chuỗi cung ứng chưa thể khôi phục hoàn toàn.
Tiếp đó, tình hình bất ổn trên thế giới như căng thẳng Nga – Ukraine lại càng khiến doanh nghiệp khó khăn khi đối mặt với tình trạng lạm phát, giá xăng dầu tăng cao, thiếu nguồn cung nhiên liệu v.v…
Cuối cùng, những biến động về ngân hàng, thị trường chứng khoán hay trái phiếu doanh nghiệp gần đây đã đẩy lãi suất lên cao, doanh nghiệp gặp khó nhưng vẫn phải vay vốn lãi suất cao nhằm duy trì hoạt động. Thậm chí, có doanh nghiệp dù chấp nhận vay lãi cao nhưng vẫn không thể tiếp cận nguồn vốn do khó khăn về dòng tiền.
Lo tiền thưởng, trả công cho người lao động cho cái Tết Nguyên đán sắp tới mới chỉ là bắt đầu của vô vàn những khó khăn, thử thách trong năm 2023.
Doanh nghiệp Việt sẽ vừa phải lo đảm bảo đời sống, giữ chân người lao động, lại phải vừa tìm hướng đi, đường ra cho sản phẩm trong bối cảnh khó khăn chung của không chỉ kinh tế Việt Nam mà cả thế giới.
Và khi người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, trách nhiệm của cơ quan nhà nước càng cao. Tết năm nay, sự đã rồi. Nhưng với cái Tết sau, và những cái Tết sau nữa, liệu tình trạng tương tự có còn lặp lại?/.