Sự việc một khách nợ của dịch vụ vay tín chấp tại TP Hồ Chí Minh phải nhảy cầu quyên sinh do chịu không thấu những áp lực đòi nợ theo kiểu ‘xã hội đen’ đang là tâm điểm dư luận trong những ngày qua.
Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu xác minh xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức liên quan. Điều rút ra từ vụ việc đau lòng này, đó là cần thận trọng kẻo sập bẫy nợ nần khi tin vào những lời chào mời “có cánh” nhan nhản trên mạng hay qua tin nhắn điện thoại.
Cuộc giải thoát bi thương
Sự ra đi đột ngột của anh Lê Thành Tâm (sinh năm 1978, ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) làm “nóng ran” truyền thông và các diễn đàn. Sự kiện một khách nợ buộc phải quyên sinh trước áp lực thu nợ trái pháp luật, đã tạo ra cơn phẫn nộ của cộng đồng, cùng với đó là sự vào cuộc của cơ quan chức năng để làm rõ những “lùm xùm” trong hoạt động cho vay và đòi nợ của một số tổ chức tài chính được cấp phép hoạt động hiện nay.
Câu chuyện đau lòng ấy xảy ra lúc rạng sáng ngày 21/6/2020, anh Tâm một mình đi xe máy đến giữa cầu Phú Long (thuộc phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), để lại xe máy, đôi dép, ví tiền rồi gieo mình xuống sông Sài Gòn tự vẫn. Qua khám nghiệm, cơ quan điều tra tìm thấy trong ví của anh hợp đồng vay nợ trị giá 40 triệu đồng do anh Tâm ký với một Công ty tài chính.
Cầu Phú Long (phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), nơi anh Tâm tự tử.
Được biết, anh Tâm có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định, đang đi ở nhờ. Để nuôi vợ và hai con nhỏ, anh nai lưng làm thuê bất cứ công việc gì, từ khuân vác đến phụ việc ở các quán ăn…
Về việc nợ nần của anh Tâm, gia đình không hay biết gì cho đến chiều 19/6, khi một nhóm khoảng chục nam thanh niên đã tìm đến ngôi nhà nơi gia đình anh đang ở nhờ với thái độ hung hãn, cử chỉ đe nẹt, hăm dọa, nhằm thúc ép anh phải trả khoản nợ 168 triệu cả gốc và lãi.
Theo lời kể của chị Đài (vợ anh Tâm) thì trong lúc vây nhà chị, các đối tượng liên tục lớn tiếng chửi bới và đe dọa đánh chết anh Tâm nếu không trả tiền trước ngày 22/6. Còn con trai anh Tâm cho biết, nhóm này đã liên tục tát vào mặt, xách tai, chửi bới anh trong khi nạn nhân chỉ biết cúi đầu, khóc và chịu đòn.
Sau vài giờ chửi bới, đánh đấm mà không thể lấy được tiền, nhóm này đã ép cả 2 vợ chồng anh Tâm đi đến một công ty đòi nợ thuê. Tại đây, chúng tiếp tục uy hiếp rồi ép vợ chồng anh viết giấy nhận nợ với số tiền 105 triệu đồng (giảm 63 triệu so với khoản nợ 168 triệu cả gốc và lãi) và phải cam kết trả đủ vào ngày 22/6/2020.
Khoảng 21 giờ cùng ngày, sau khi ký giấy nợ, vợ chồng anh Tâm mới được cho về cùng tờ giấy ghi địa chỉ giao tiền tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng. Tuy nhiên, một ngày trước khi đến hạn trả nợ, anh Tâm đã nhảy sông tự tử. Có lẽ vì quá sợ hãi trước sự đe dọa của nhóm côn đồ đòi nợ thuê kia, sợ gia đình sẽ bị liên lụy, trong cơn bế tắc, cùng quẫn, anh đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát cho mình và gia đình.
Chỉ đạo quyết liệt
Sự việc nhanh chóng gây ra nỗi bàng hoàng, công phẫn cao độ trong dư luận xã hội. Trước đó, dịch vụ kinh doanh đòi nợ cũng đã làm “nóng” diễn đàn Quốc hội.
Trên bình diện xã hội, hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ, xiết nợ bằng bạo lực, “luật rừng” đã gây ra quá nhiều hệ lụy phức tạp về an ninh trật tự, đến lúc phải quyết liệt đấu tranh ngăn chặn. Trong phiên họp chiều 17-6-2020, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) với 92,34% tán thành. Theo đó, việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ bị cấm kể từ ngày 1/1/2021.
Về cái chết của anh Tâm, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền cho rằng có đủ cơ sở pháp lý để khởi tố nhóm đòi nợ thuê nói trên theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
Bà Hiền cũng kêu gọi người dân cần hết sức tỉnh táo khi tiếp cận với những dịch vụ cho vay một cách quá dễ dàng như hiện nay.
Ngày 26/6/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ vụ việc và báo cáo Thống đốc để có biện pháp xử lý, với tinh thần không dung túng cho các hành vi cho vay và thu hồi nợ sai trái.
Ngày 29/6, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã yêu cầu UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin nêu trên, nếu đúng như nội dung báo chí phản ánh thì phải xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/7/2020.
FE Credit nói gì?
Mới đây Công ty tài chính FE Credit đã có thông cáo báo chí với nội dung khẳng định việc thu hồi nợ được thực hiện theo đúng thỏa thuận với khách hàng tại Hợp đồng tín dụng, tuân thủ theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Các khoản nợ xấu (trên 180 ngày) sẽ được chuyển qua cho các đối tác thực hiện việc thu hồi nợ. Hai khoản nợ của anh Tâm đã được chuyển giao đến 2 đối tác để thực hiện thu hồi nợ quá hạn.
FE Credit cho biết anh Tâm có 2 khoản nợ quá hạn với tổng dư nợ là 51 triệu đồng (số ngày quá hạn của 2 hợp đồng lần lượt là 257 ngày và 347 ngày).
Ngoài ra, theo kết quả tra cứu thông tin tín dụng của khách hàng, anh Tâm còn có nợ xấu tại 3 công ty tài chính khác với tổng dư nợ hơn 83 triệu đồng. Đại diện FE Credit khẳng định “không có việc nhân viên đến nhà khách hàng Tâm để thu hồi nợ”.
Trụ sở Công ty tài chính Fe Credit.
Được biết, FE Credit vốn là bộ phận Dịch vụ tín dụng tiêu dùng của Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBank), thành lập từ tháng 11/2010. Từ năm 2015, FE Credit hoạt động với tư cách pháp nhân độc lập mang tên Công ty tài chính FE Credit, kinh doanh trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập cá nhân. Hiện nay công ty FE Credit đang cung cấp 3 gói vay tín chấp là: vay tiêu dùng cá nhân, vay mua xe máy trả góp (lãi suất từ 1,75 – 3,27 %/tháng); vay mua hàng gia dụng, điện máy trả góp (lãi suất từ 0 – 3,59 %/tháng).
Với việc quảng cáo rộng rãi trên mạng Internet và viễn thông, nên FE Credit là dịch vụ tín dụng tiêu dùng đang rất phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng đã có khá nhiều “tai tiếng” liên quan đến hoạt động đòi nợ của doanh nghiệp này.
Theo Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, trong năm 2018 cơ quan này nhận được nhiều khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động thu hồi nợ của FE Credit.
Lý do là vì khi cho vay tiền, FE Credit yêu cầu người đi vay phải cung cấp ba số điện thoại “tham chiếu, có liên quan tới người đi vay”. Về lý thuyết, số điện thoại tham chiếu chỉ được sử dụng để hỏi thông tin về người nợ tiền khi FE Credit không thể liên lạc được với họ.
Nhưng trên thực tế, khi cần “đòi nợ”, với lý do “không gọi được người nợ tiền”, đối tác thu nợ cho công ty liên tục quấy rối người không vay nợ và đòi nợ những người này. FE Credit cũng đã thừa nhận hiện tượng này tại văn bản phản hồi ngày 14/5/2018, đồng thời cam kết sẽ điều chỉnh, thắt chặt quy trình cho vay, thu nợ, giải quyết khiếu nại và xem xét các vấn đề mà khách hàng đã phản ánh.
Thận trọng trước “bẫy nợ”
Dịch vụ cho vay tín chấp đang nở rộ như nấm sau mưa hiện nay. Có thể nói chưa bao giờ vay tiền dễ đến thế. Chỉ cần có chứng minh nhân dân, không cần chứng minh thu nhập, được trả góp số tiền chỉ vài trăm ngàn/tháng nhưng lại được vay đến mấy chục triệu đồng… đó là những lời mời chào “có cánh” đang nhan nhản trên mạng, thậm chí được gửi vào điện thoại mỗi người. Với người nghèo, khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng, đang lúc cần tiền thì dịch vụ cho vay tín chấp quả là một lối thoát không thể tốt hơn.
Tuy nhiên, hãy thận trọng bởi mọi chuyện không bao giờ là dễ dàng. Luật sư Lê Hồng Hiển – (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: “Số tiền phải trả góp hàng tháng nhìn qua có vẻ không nhiều, nhưng kéo dài nên cộng lại thì lãi suất không hề nhỏ, thậm chí là rất cao so với mức trần lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Chỉ cần một kỳ không trả đúng hạn, lãi suất lập tức lũy tiến. Khi đó, người ta có xu hướng tìm khoản vay mới để trả cho khoản vay cũ. Và như vậy, vòng xoáy nợ nần càng lúc càng bủa vây, xiết chặt lấy họ”.
Vẫn theo ông Hiển, khi phát sinh nợ xấu, các công ty cho vay tài chính này có thể bán nợ, hoặc yêu cầu đối tác của mình là các công ty, tổ chức kinh doanh dịch vụ thu nợ tiến hành các hoạt động đòi nợ. Để hoàn thành hợp đồng thu nợ, các đối tác của công ty này có thể áp dụng các biện pháp không được pháp luật cho phép nhằm gây áp lực nên con nợ.
Thậm chí họ có thể thực hiện các hành vi nguy hiểm như bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, gây rối TTCC. Việc gọi điện cho những người không liên quan đến khoản vay, quấy rối, đe dọa để họ gây áp lực lên khách nợ cũng là thủ đoạn thường thấy…
“Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước cần yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát toàn bộ các quy định nội bộ về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ, các thỏa thuận với các đối tác về thu nợ, bán nợ. Thông qua đó tiến hành chấn chỉnh toàn bộ hoạt động cấp tín dụng bao gồm việc xét duyệt, cấp tín dụng, theo dõi, đôn đốc, thu hồi nợ, thỏa thuận và việc thực hiện thỏa thuận với các đối tác thu hồi nợ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật” – ông Hiển đề nghị.
Theo ANTG