Theo chuyên gia, bản thân các ngân hàng có cái khó khi không thanh lý tài sản đảm bảo thì nợ xấu sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến dòng vốn ngân hàng.
Trong danh sách các doanh nghiệp bị ngân hàng thu giữ, rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo, thủy sản.
Trong số này phải kể đến CTCP Xuất nhập khẩu Gạo Phụng Hoàng với món nợ lên đến nghìn tỷ.
Theo đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Sở giao dịch 2 mới đây đã thông báo bán đấu giá khoản nợ của công ty này với giá khởi điểm 1.045 tỷ đồng.
Khoản nợ được phát sinh giữa công ty và BIDV từ tháng 1/2015 với tổng dư nợ gốc, lãi vay và phí phạt phát sinh đến 31/3/2020 là 990 tỷ đồng. Khoản nợ có 40 tài sản bảo đảm bao gồm 10 quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với diện tích từ 77m2 tới 8.342m2 tại TP Cần Thơ, 4 ô tô, 2 dây chuyền sản xuất gạo và hơn 20 ghe tải.
Cũng bị ngân hàng phát mại tài sản đảm bảo còn có Công ty CP Sản xuất – Thương mại NPV (Phú Tân, An Giang); Công ty CP Kinh doanh nông sản Kiên Giang; Công ty TNHH Nông Sản Ngân Phát; nhà máy chế biến thủy sản tại KCN Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang), Công ty CP Thủy sản Sài Gòn Cao Lãnh…
Việc hàng loạt công ty gạo, thủy sản bị ngân hàng siết nợ được đánh giá là rất đáng lưu ý, bởi theo quan sát, đây là nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi khi họ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, tình hình đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng. Đặc biệt, không ít doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng này cũng đang manh nha hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)
Bình luận về các trường hợp công ty gạo, thủy sản bị rao bán tài sản đảm bảo, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp bị phá sản là điều hết sức bình thường. Nếu nhìn vào lịch sử hoạt động sản xuất kinh doanh và thời điểm vay nợ của một số doanh nghiệp nêu trên, có thể thấy tác động của đại dịch Covid-19 chỉ là một phần, các doanh nghiệp này đã vay nợ ngân hàng từ nhiều năm nay và kết quả kinh doanh không phải đợi đến khi đại dịch xảy ra mới suy giảm.
Nhà xưởng sản xuất của CTCP XNK Gạo Phụng Hoàng. Ảnh: Website Gạo Phụng Hoàng
“Đây là bài toán của mỗi doanh nghiệp. Khi đại dịch xảy ra, dẫu có kinh doanh lĩnh vực, mặt hàng mà thị trường đang có nhu cầu lớn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được cơ hội, nếu sức cạnh tranh kém, doanh nghiệp đương nhiên bị loại khỏi cuộc chơi”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Không chỉ phải cạnh tranh với chính đối thủ trong nước, các doanh nghiệp nêu trên còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài cùng kinh doanh mặt hàng tương tự. Giá cả, chất lượng và cả chuyện có phù hợp với nhu cầu của khách hàng hay không… là những yếu tố quan trọng quyết định thắng/thua của doanh nghiệp trên trường.
Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, vị chuyên gia nhìn nhận, các công ty gạo, thủy sản nêu trên vẫn còn cơ hội và nên chăng, cần xem xét các trường hợp cụ thể để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tồn tại và phục hồi.
Việc này, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, không hề dễ dàng, mà trước hết xuất phát từ cái khó của ngân hàng. Đấu giá các khoản nợ, thanh lý tài sản đảm bảo là nghiệp vụ bình thường của ngân hàng, nhưng lại đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi nguy cơ nợ quá hạn ngày một tăng cao do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tác động tiêu cực đến dòng vốn của ngân hàng.
“Nếu doanh nghiệp không có khả năng trả được nợ thì nợ ấy chuyển thành nợ xấu, trong khi các gói giãn, hoãn nợ cũng chỉ có thời hạn nhất định. Cho nên, một mặt vẫn nên xem xét, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến một mức nào đó để tồn tại, phục hồi, nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp muốn nợ đến bao giờ thì nợ, về nguyên tắc vẫn phải đảm bảo các tiêu chuẩn của hoạt động cho vay và vẫn chuyển nợ xấu nếu không đạt các yêu cầu đề ra”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói và cho rằng, hai việc này không có gì mâu thuẫn, mà tồn tại song song.
Nhìn rộng ra về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, vị chuyên gia tái khẳng định, không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, tình hình sản xuất kinh doanh ảm đạm từ trước khi đại dịch xảy ra. Thế nhưng, nếu vì vậy mà gạt số doanh nghiệp này ra khỏi danh sách được hưởng hỗ trợ thì rất khó.
“Cơ sở nào để xác định các doanh nghiệp đó không thiệt hại vì Covid-19? Ngược lại, các doanh nghiệp này vẫn có thể kê khai để được hưởng hỗ trợ từ phía Chính phủ. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, muốn chứng minh doanh nghiệp thiệt hại bao nhiêu là cả một quá trình phức tạp, phải xem xét nhiều khía cạnh từ đó mới suy ra được doanh nghiệp thiệt hại bao nhiêu, bị ảnh hưởng thế nào bởi đại dịch… có khi chi phí để xác định gấp mấy lần tiền hỗ trợ. Trong khi đó, các gói hỗ trợ lại đòi hỏi thời gian rất cấp thiết”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.
Theo Báo Đất Việt