Nhiều người còn ngại đặt thức ăn mang về vì ít hàng quán mở bán, không tìm được shipper, phí giao hàng cao ngất ngưởng.
Sau khi hay tin TP.HCM cho phép hàng quán ăn mở cửa trở lại theo hình thức bán mang đi, Yến Nhi (26 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức) đã nghĩ ngay đến việc đặt hàng loạt món ăn yêu thích như bún bò, bún riêu, cơm tấm, bún đậu, trà sữa…
Nhiều người than phiền vì phí ship trên các ứng dụng đặt đồ ăn còn quá cao.
Sáng 12/9, cô mở cả 3 ứng dụng mua đồ ăn có trên điện thoại để tìm các quán quen thường đặt gần nhà. Tuy nhiên, chỉ có hai quán trong khu vực mở cửa.
Hàng bún bò cách nhà khoảng 2 km nhưng đặt hơn 1 tiếng đồng hồ không có tài xế nào nhận đơn. Còn, tiệm cơm tấm cách 6 km lại báo phí giao hàng ngang ngửa giá thức ăn.
“Cuối cùng, mình mất gần 100.000 đồng cho một hộp cơm tấm sườn trứng, trong đó tiền cơm là 50.000 đồng, tiền ship là 44.000 đồng”, Nhi nói với Zing.
Tiền ship cao hơn giá thức ăn
Từ ngày 8/9, TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động từ 6h đến 18h hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi.
Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Trong những ngày gần đây, nhu cầu đặt hàng tăng cao nhưng số lượng shipper có hạn, nhiều hàng quán chưa mở trở lại vì còn gặp khó đủ khâu.
Vì vậy, người mua không có nhiều lựa chọn trên các app giao thức ăn và phải chấp nhận trả tiền ship cao gấp 2-3 lần trước đây nếu mua đồ ăn bên ngoài.
Nhu cầu đặt hàng tăng mạnh song số lượng shipper có hạn.
Với Trang Anh (23 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), việc lướt 2-3 ứng dụng giao đồ ăn một lúc trở thành thói quen mới của cô suốt 3 ngày qua.
Khi nghe tin hàng quán được bán mang về, cô hào hứng nghĩ có thể đặt những món ăn vặt yêu thích và tiếp tục ở nhà tránh dịch. Song, cô thấy thất vọng vì nhiều quán ăn trên nền tảng trực tuyến vẫn chưa hoạt động lại.
“Mình không phiền khi chỉ được đặt hàng nội quận, nhưng quanh khu vực mình sống ít hàng quán quá. Đổi 2-3 ứng dụng liên tục mà vẫn chẳng thấy quán cà phê, trà sữa, ăn vặt đâu cả”, cô nói.
Ít lựa chọn trên ứng dụng giao đồ ăn, Trang Anh đành lên một số hội nhóm trên mạng xã hội, tìm những người bán cá nhân để đặt hàng. Dù chi phí ship ngoài khá cao, dao động từ 40.000-50.000 đồng trong quận, cô vẫn chấp nhận đặt hàng để thỏa cơn thèm.
“Giờ mình chỉ mong tình hình dịch ổn hơn, hàng quán mở lại, shipper hoạt động an toàn để có nhiều sự lựa chọn hơn”.
Đặt đơn 4 lần nhưng không được xác nhận
Bấm nút “Xác nhận đặt hàng”, Nguyễn Thành Phát (22 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) hồi hộp theo dõi trạng thái đơn hàng. Vừa thấy hình ảnh tài xế hiện lên trên ứng dụng, anh thở phào nhẹ nhõm.
Chia sẻ với Zing, Thành Phát cho biết đây là lần đặt hàng thành công hiếm hoi kể từ khi TP.HCM cho phép quán xá bán mang về.
Hàng quán mở cửa còn dè dặt nên khách hàng chưa có nhiều sự lựa chọn trên các app đặt đồ ăn.
“Mình cứ nghĩ có thể mua đồ ăn vặt, trà sữa mỗi ngày, nhưng thực tế lại khó đặt hàng lắm! Dù nhận đơn, các quán thường phải hủy sau 10-15 phút chờ vì không có shipper. Có ngày mình thử đặt 4 lần mà chẳng được đơn nào”, anh nói.
Thành Phát nói thêm ngoài việc khó tìm người giao hàng, phí ship hiện nay cũng cao hơn bình thường khá nhiều. Với đơn hàng này, anh phải trả 34.000 đồng phí ship, trong khi số tiền mua thức ăn chỉ khoảng 40.000 đồng.
“Mình hiểu rằng dịch bệnh khó khăn, khan hiếm shipper nên chi phí giao hàng sẽ nhỉnh hơn bình thường. Do đặt hàng qua ứng dụng, mình cũng sử dụng một vài mã giảm giá để tiết kiệm được chút ít”, Thành Phát nói.
Một số quán ăn bị khách phản ánh chất lượng kém.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp đặt hàng thành công, song chất lượng món ăn chưa được đảm bảo. Ngày 11/9, Ngô H. (28 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đặt 2 suất phở khô từ một quán ăn cùng phường qua ứng dụng giao hàng.
Dù phải chờ gần một tiếng đồng hồ để nhận món, H. lại cảm thấy không hài lòng khi hương vị món ăn tệ, có mùi lạ.
“Mình thực sự thất vọng khi nhận suất ăn có chất lượng như vậy. Mình phải đổ cả 2 tô phở và nhắn tin khiếu nại với quán ăn. Phía quán cũng gửi lời xin lỗi, hứa kiểm tra lại chất lượng nguyên liệu nhập về”.
Ngô H. cho rằng có thể do khó khăn trong khâu nhập và vận chuyển nguyên liệu nên việc kinh doanh tại nhiều quán chưa thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, anh mong rằng các chủ hàng sẽ chú ý hơn về các khâu khi kinh doanh trở lại.
Theo Zing