Sau khi Temu tạm dừng hoạt động, các đơn hàng đã đặt cũng bị ngừng giao về Việt Nam, số tiền dư trong ví tín dụng Temu không thể sử dụng để chi tiêu hay rút về.
Temu phải tạm ngừng hoạt động đến khi hoàn tất đăng ký tại Việt Nam. Ảnh: ShutterStock.
Sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới Temu mới đây đã phải tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam theo yêu cầu từ Bộ Công Thương.
Hiện các đơn hàng mua trên Temu không được làm thủ tục pháp lý để thông quan vào Việt Nam. Chỉ khi được Bộ Công Thương cấp phép, cơ quan hải quan mới thực hiện thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn này.
Trước thông tin trên, anh Duy Hải (32 tuổi, trú tại Hà Nội) tỏ ra bối rối khi chưa biết xử lý khoản tiền dư gần 600.000 đồng trong ví tín dụng Temu ra sao.
“Đây là số tiền Temu bồi hoàn sau khi tôi trả lại một đơn hàng vào giữa tháng trước. Nếu hàng hóa đặt trên Temu không thể giao về Việt Nam, số tiền này hoàn toàn vô nghĩa”, người dùng này chia sẻ.
Dừng giao hàng, tiền bị treo trên ví
Trước khi phải tạm dừng hoạt động tại Việt Nam, phiên bản quốc tế của sàn Pinduoduo (Trung Quốc) đã cung cấp cho người dùng Việt Nam 2 phương án đối với tính năng trả hàng – hoàn tiền là hoàn tiền vào ví tín dụng Temu hoặc tài khoản ngân hàng.
Khác với các ví điện tử thông thường, người dùng không thể rút tiền trong ví tín dụng Temu mà chỉ có thể sử dụng để mua sắm trực tiếp trên sàn này.
Trong khi việc hoàn tiền vào tài khoản ngân hàng thường mất rất nhiều thời gian, dao động 6-14 ngày và tối đa 30 ngày, thì lựa chọn hoàn tiền vào ví tín dụng Temu được xử lý ngay lập tức. Ngoài rút ngắn đáng kể thời gian hoàn tiền, việc ưu tiên trả về ví tín dụng cũng là cách Temu khuyến khích người dùng chi tiêu thường xuyên hơn trên nền tảng.
Một phần không muốn chờ đợi quá lâu, một phần nghĩ Temu là sàn TMĐT quốc tế lớn, sẽ không gặp vấn đề về pháp lý, anh Hải quyết định chọn phương án hoàn tiền về ví tín dụng để mua sắm sau.
Tuy nhiên, đến nay, khi Temu phải tạm dừng hoạt động, số tiền này đã bị treo trong ví.
Anh Hải đang bị “om” gần 600.000 đồng trong ví tín dụng Temu. Ảnh: NVCC.
“Không rõ tiền của tôi sẽ bị treo trong bao lâu. Tổng đài hỗ trợ của Temu cho biết số dư sẽ được lưu giữ vô thời hạn nhưng không thể rút ra”, anh Hải chia sẻ.
Tương tự, chị Thùy Trang (25 tuổi, trú tại Hà Nội) cũng có số dư gần 1 triệu đồng trong ví tín dụng Temu.
“Chờ đơn hàng gần 1 tháng không thấy giao nên tôi quyết định hủy. Khi mua hàng thì bắt thanh toán trước, khi hủy đơn thì lại bắt chờ tới 14 ngày mới trả lại tiền vào tài khoản. Chọn hoàn vào ví tín dụng thì giờ đây gần 1 triệu đồng bị mắc kẹt”, chị bức xúc.
Trước thông tin Temu tạm ngừng hoạt động và giao hàng về Việt Nam, một số người dùng cũng tỏ ra lo lắng khi không rõ số phận đơn hàng đã thanh toán ra sao.
Anh Trung Hiếu (29 tuổi, trú tại TP.HCM) cho biết đơn hàng đặt từ ngày 9/11 đến nay vẫn “bặt vô âm tín”. Trên ứng dụng, hệ thống vẫn thông báo đơn hàng đang được vận chuyển và bị chậm trễ do “bất khả kháng và các điều kiện khác”.
Trong khi đó, một người dùng khác ở Hà Nội lại nhận được thông báo rằng đơn hàng đặt từ đầu tháng 11, dự kiến giao vào ngày 13-15/11, nay có thể đã mất. Người dùng có thể gửi yêu cầu hoàn tiền và chờ sàn TMĐT này xử lý.
Temu có trách nhiệm gì với người dùng?
Theo thông tin của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), đơn vị chủ quản của Temu đã thực hiện nộp hồ sơ đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam. Tuy nhiên, Temu vẫn phải tạm dừng hoạt động, đồng thời tắt ngôn ngữ tiếng Việt trên ứng dụng lẫn website, do quá trình này chưa hoàn tất.
Theo ghi nhận, Temu đã chuyển hoàn toàn ngôn ngữ giao diện từ tiếng Việt sang tiếng Anh trên cả ứng dụng lẫn website. Hiện người dùng tại Việt Nam chỉ có 3 lựa chọn ngôn ngữ là tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp.
“Temu sẽ tiếp tục hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt khi quá trình đăng ký hoàn tất”, Temu cho biết.
Temu phải ngừng các chương trình tiếp thị liên kết tại Việt Nam. Ảnh: Xuân Sang.
Bên cạnh việc tạm dừng hoạt động, cơ quan quản lý cho biết Temu phải có trách nhiệm thông báo với người tiêu dùng về việc đang trong quá trình đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý Việt Nam; gỡ bỏ các chương trình khuyến mại chưa tuân thủ quy định pháp luật; gỡ bỏ các chương trình, mô hình kêu gọi người dùng tham gia để được hưởng các khoản thưởng hoặc hoa hồng.
Về phía người tiêu dùng, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết người dùng không nên hoang mang nếu đã đặt hàng trên Temu trước đó. Trường hợp đã quá thời hạn giao hàng mà sản phẩm chưa đến tay, sàn này phải có nghĩa vụ chuyển trả lại tiền cho người tiêu dùng.
Theo quy định tại Nghị định 85/2021, hoạt động kinh doanh sàn TMĐT phải được cấp phép bởi Bộ Công Thương và chịu sự quản lý Nhà nước. Trong đó, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới cần khẩn trương nộp hồ sơ ngay khi bắt đầu cung cấp dịch vụ tại Việt Nam hoặc ngay khi đáp ứng các điều kiện xác định là đang hoạt động tại Việt Nam.
Theo ZNews