Giá xăng dầu tăng cao đã khiến hầu bao của cánh tài xế bị thâm hụt đáng kể sau mỗi lần ‘lướt’ qua cây xăng. Có người ngỡ ngàng khi giá trị của câu ‘đầy bình’ đã cao hơn hôm trước đến vài trăm nghìn đồng.
Nhanh chân đổ xăng trước giờ “G”, tài xế lợi ngay… mấy bát phở
Ở kỳ điều chỉnh chiều ngày 11/3, giá xăng E5RON92 tăng thêm 2.910 đồng/lít, lên mức 28.980 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng thêm 2.990 đồng/lít, lên mức 29.820 đồng/lít; dầu diesel tăng thêm 3.940 đồng/lít lên mức 25.260.
Như vậy, so với trước khi điều chỉnh, giá xăng E5RON92 và RON92-III đã tăng 11,1%, còn dầu diesel tăng tới 18,5%. Điều này đồng nghĩa với việc người dân phải bỏ thêm số tiền đổ xăng, dầu nhiều hơn so với trước từ 11,2-18,5%.
Việc xăng dầu tăng giá mạnh vào ngày 11/3 là điều đã được dự báo trước. Do đó, trước thời điểm điều chỉnh vào 15h chiều, nhiều người dân và cánh tài xế nô nức mang xe đến cây xăng, tranh thủ đổ nhiều nhất có thể.
Nhiều người tranh thủ đổ đầy bình trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/3.
Sáng 11/3, anh Nguyễn Thành Trung – một tài xế taxi công nghệ tại Hà Nội đã mang chiếc Toyota Vios của mình đi xếp hàng ở một cây xăng trên đường Nguyễn Trãi. Chiếc xe lúc đó đã cạn xăng nên khi đổ đầy bình, anh Trung đã trả hết 1,05 triệu đồng.
“May là tôi đi sớm chứ để đến tối mới đổ thì giá xăng đã gần 30 nghìn/lít rồi. Xe của tôi 42 lít, đổ đầy sẽ phải hết đến 1,2 triệu. Tranh thủ đi đổ sớm là tiết kiệm ngay được 3-4 bát phở rồi”, anh Trung hồ hởi chia sẻ.
Cũng giống như anh Trung nhưng trường hợp của anh Vũ Xuân Nam (45 tuổi, trú ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) còn tiết kiệm được nhiều “bát phở” hơn. Chiếc BMW X6 anh đang sử dụng có bình xăng tới 83 lít, thế nên việc nhanh chân đổ xăng trước giờ “G” giúp anh đỡ mất thêm gần 300 nghìn đồng.
Tuy vậy, không ít người tỏ ra tiếc nuối vì bận công việc hoặc không để ý đã chưa kịp đổ xăng tại thời điểm giá cũ.
Sáng 12/3, anh Dương Trung Kiên (37 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang sử dụng chiếc Chevrolet Captiva đi đổ xăng khi trên đường về quê Quảng Ninh. Như thường lệ, anh bảo với nhân viên đổ đầy bình nhưng tá hỏa khi được thông báo tiền xăng là 1,9 triệu. Trong khi thường ngày, anh cũng đổ đầy như vậy mà chỉ hết khoảng 1,6-1,7 triệu.
“Đầu tiên tôi tưởng nhân viên cây xăng đã nhầm và thắc mắc, nhưng nhân viên này bảo xăng tăng giá từ hôm qua lên gần 30 nghìn/lít rồi, lúc đó tôi mới biết và tiếc tiếc vì không đi đổ sớm hơn”, anh Kiên chia sẻ.
Kỳ điều chỉnh ngày 11/3 đã là lần tăng giá thứ 6 liên tiếp của mặt hàng xăng dầu trong nước. Nếu tính từ đầu năm đến nay, xăng E5RON92 đã tăng hơn 5.800 đồng/lít ; xăng RON95 tăng gần 6.000 đồng/lít; dầu diesel tăng ở mức cao nhất là 7.000 đồng/lít. Như vậy, chỉ sau 2 tháng đầu năm, chi phí đổ xăng đã tăng tương ứng 25%, còn với xe chạy dầu diesel là 38,5%.
Qua khảo sát hơn 10 mẫu xe phổ biến trên thị trường, chi phí để đổ đầy bình xăng hiện nay đã tăng lên tương ứng khoảng 25% so với thời điểm đầu năm 2022.
Về giá trị tuyệt đối, mức tăng thấp nhất là xe VinFast Fadil, tăng 190.000 đồng. Mức cao nhất là mẫu xe Toyota Land Cruiser Prado với chênh lệch tới 518.000 đồng.
Các mẫu xe khác đại diện cho nhiều phân khúc cũng có mức tăng cao. Cụ thể: Toyota Vios tăng 250.000 đồng; Mitsubishi Xpander tăng 268.000 đồng; Toyota Corolla Cross (bản G,V) tăng 280.000 đồng; KIA K3 tăng 298.000 đồng; Ford EcoSport tăng 309.000 đồng; Honda CR-V tăng 340.000; Toyota Camry tăng 358.000 đồng; VinFast Lux A2.0 tăng 416.000; Hyundai SantaFe (máy xăng) tăng 423 nghìn.
Những nỗi lo phía trước
Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, nhất là những người thường xuyên phải sử dụng ô tô, xe máy để kiếm sống, mưu sinh. Tại Hà Nội, cánh tài xế taxi, xe ôm công nghệ là những người “thấm” điều này nhất.
Dù vừa chia sẻ “lãi” được 3-4 bát phở nhờ đổ xăng sớm như câu chuyện ở trên nhưng anh Nguyễn Thành Trung cũng tỏ ra lo lắng cho những ngày phía trước. Giá xăng dầu tăng thì tiền cước cũng tăng, nhưng cánh taxi như anh không hẳn đã thích.
“Cước cũng có tăng nhưng không lại được với mức tăng của giá xăng. Nhưng nếu điều chỉnh cước cao quá thì chắc chắn người dân sẽ quay lưng lại với taxi. Từ khi ra Tết đến nay, lượng khách của tôi giảm đi hơn 50%. Nhiều hôm ngồi cả nửa buổi mà không “nổ” được cuốc khách nào. Tình trạng này khéo tôi phải bán xe để làm nghề khác”, tài xế taxi công nghệ này bày tỏ.
Công việc của anh Thắng và các shipper khác ngày càng khó khăn hơn bởi giá xăng tăng cao. (Ảnh: HT)
Còn anh Đinh Xuân Thắng – một nhân viên giao hàng (shipper) tại Hà Nội cho biết, chiếc Yamaha Sirius của anh trước đây đổ khoảng 80-90 nghìn là đầy bình, nhưng hiện nay đổ 120 nghìn vẫn còn “thòm thèm”. Với những người di chuyển nhiều như anh, chỉ 2 ngày là hết 1 bình xăng. Nhưng xăng là nhiên liệu bắt buộc, không thể tiết kiệm được nên đành cắn răng móc ví.
“Ship hàng như đi câu vậy, có hôm nhận được nhiều đơn, tiện đường thì thu nhập khá, nhưng giá xăng tăng cao như đợt này thì “móm”. Nhiều lúc chúng tôi phải gom đơn hoặc “bắn” những đơn hàng xa cho anh em khác tiện chuyến hơn”, anh Thắng chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng, xăng dầu là mặt hàng đặc biệt. Việc xăng dầu, gas tăng giá không chỉ ảnh hưởng đến ví tiền của người trực tiếp sử dụng phương tiện mà còn kéo theo sự tăng giá tương ứng của hầu hết các mặt hàng khác.
Rộng ra, khi giá xăng dầu ở mức quá cao sẽ kiềm chế tiêu dùng, giảm tăng trưởng kinh tế và dẫn tới lạm phát vẫn gia tăng. Đó là chưa kể, tác động của nó đến an sinh xã hội vào thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Do đó, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự điều tiết thông qua sử dụng các công cụ thuế, phí để kìm đà tăng xăng dầu một cách hợp lý trong thời gian tới.
Theo Vietnamnet