Liên tục vào các kỳ điều chỉnh ngày 21/3; 1/4 và 12/4, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm, sau một thời gian tăng nóng theo giá thế giới. Việc này được các doanh nghiệp, chuyên gia và người tiêu dùng đánh giá cao, kỳ vọng sẽ giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như góp phần cho an sinh xã hội.
Trước đó, vào kỳ điều chỉnh ngày 21/3 và 1/4, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm liên tiếp với mức giảm lên đến gần 1.800 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và RON 95 sau 2 lần điều chỉnh. Việc giá xăng dầu liên tục giảm sau một thời gian tăng theo đà thế giới được đánh giá là nỗ lực lớn của cơ quan điều hành trong việc giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như an sinh xã hội.
Doanh nghiệp, người dân phấn khởi
Giá xăng dầu nhảy múa theo đà tăng của giá thế giới thời gian qua đã khiến doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào gặp không ít khó khăn. Do đó, việc giá xăng giảm 3 lần liên tiếp khiến doanh nghiệp rất vui mừng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Vĩnh Phước – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam vui mừng nói, trong khi giá xăng dầu thế giới liên tục tăng và thiết lập ở mức cao, không có chiều hướng giảm thì việc giữ giá và giảm giá xăng tại thị trường trong nước thông qua 3 đợt điều chỉnh vừa qua là sự hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất.
“Lý do, trong hoạt động sản xuất thang máy, mặc dù chi phí xăng dầu không ảnh hưởng trực tiếp nhưng lại gián tiếp tác động tới doanh nghiệp. Cụ thể, các chi phí đầu vào như sắt, thép, nhựa, thậm chí là thực phẩm đều chịu ảnh hưởng của việc tăng giá xăng, dẫn tới tăng giá mạnh trong thời gian qua. Trong khi đó, doanh nghiệp thường ký hợp đồng cung cấp dài hạn cho đối tác nên không thể điều chỉnh giá trong một sớm một chiều. Do vậy, việc điều chỉnh giá xăng lần thứ 3 này là động thái tích cực giúp kéo giảm các chi phí khác xuống, từ đó hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp” – ông Phước vui mừng cho biết.
Từ 15h ngày 12/4, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm lần thứ 3 liên tiếp
Đồng ý kiến, ông Nguyễn Hữu Trí – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại Nông sản thực phẩm Trí Việt cho hay, từ trước Tết Nguyên đán đến cuối tháng 3/2022, do giá xăng tăng, chi phí vận tải của công ty đã tăng hơn 3 lần. Cụ thể, chi phí vận tải cho 1 container hàng từ vùng nguyên liệu (Đắk Nông) đến cảng tại Trung Quốc đã tăng từ 50 triệu đồng lên 160 triệu đồng. Việc này dẫn tới sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản của Việt Nam đang giảm so với các đối thủ như Campuchia, Thái Lan…
Do đó, với một ngành hàng đặc thù như vận tải, việc giá xăng dầu giảm sẽ góp phần tích cực giúp doanh nghiệp hạ giá chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Cũng là một doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, ông Ong Hàng Văn – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang cho hay, hiện mỗi tháng doanh nghiệp xuất khoảng 200 container đi các thị trường. Từ đầu tháng 4/2022, TP. Hồ Chí Minh thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển khiến chi phí của doanh nghiệp bị đội lên cao. Việc điều chỉnh giá xăng dầu giảm sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm một phần chi phí trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Dưới góc độ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ, xăng dầu giảm giá sẽ tác động mạnh đến đời sống người dân, bởi vì xăng dầu là mặt hàng liên quan đến đầu vào của rất nhiều mặt hàng, tác động lớn đến nền kinh tế. Do vậy, giá xăng dầu giảm, không những người tiêu dùng được hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng mà còn được hưởng lợi gián tiếp từ việc giảm giá cả các loại mặt hàng, dịch vụ khác.
“Việc liên tiếp ba lần giảm giá tăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới chịu nhiều tác động như hiện nay là sự nỗ lực lớn của cơ quan nhà nước, các đơn vị quản lý ngành, quản lý giá mà Hội bảo vệ người tiêu dùng rất hoan nghênh và đánh giá cao” – ông Hùng chia sẻ.
Đặc biệt quan tâm đến việc ở kỳ điều chỉnh ngày 1/4, các cơ quan chức năng đã điều hành giá từ lúc 0h thay vì 15h như thường lệ do thuế môi trường giảm, ông Hùng cho hay: “Tôi thấy đây là sự chia sẻ rất lớn từ các cơ quan nhà nước đối với người tiêu dùng. Điều chỉnh càng sớm chừng nào thì người tiêu dùng càng được hưởng lợi chừng đấy”.
Đánh giá rất cao nỗ lực của các cơ quan điều hành giá, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh chia sẻ, điều hành xăng dầu ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn theo biến động của giá dầu thế giới. Xăng dầu là yếu tố lớn gây áp lực lên mặt bằng giá cả. Sau 6 – 7 lần liên tiếp tăng giá xăng dầu, thì việc giảm 3 lần liên tiếp này đã giảm bớt áp lực lên mặt bằng giá.
Đặc biệt, khi giá xăng dầu tăng liên tiếp thời gian qua dẫn đến nhiều ngành hàng như vận tải, sản xuất hoặc các doanh nghiệp đang tính toán đến việc tăng giá theo giá xăng dầu, thì việc xăng dầu đảo chiều giảm liên tiếp 3 lần như gần đây, có thể khiến rất nhiều các kế hoạch tăng giá các mặt hàng, dịch vụ sẽ không thực hiện được. Hoặc nếu có thực hiện thì sẽ không tăng đến mức dự kiến đưa ra trong bối cảnh xăng dầu tăng nóng như trước. Đây là một dấu hiệu tốt và có ý nghĩa quan trọng nhất cho cả nền kinh tế lẫn đời sống của người dân.
Kỳ vọng lớn vào việc điều hành giá xăng dầu
Việc giá xăng dầu liên tục giảm trong 3 lần điều hành gần đây cho thấy những nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng trong việc điều hành giá sao cho đảm bảo lợi ích lớn nhất cho người dân và doanh nghiệp. Thực tế, các chuyên gia và doanh nghiệp vẫn kỳ vọng lớn vào việc điều hành giá mặt hàng này thời gian tới.
TS Vũ Đình Ánh chia sẻ, cách đây hơn 10 năm, ta chủ yếu trông vào xăng dầu nhập khẩu, thì hiện nay, chúng ta đã có hệ thống sản xuất trong nước. Nên bây giờ việc quan trọng nhất đối với các cơ quan chức năng là cân đối lại nguồn cung. Đồng thời xem xét, cân đối lại tác động của giá cả thế giới đến thị trường xăng dầu Việt Nam; căn cứ vào sự thay đổi cơ bản về đặc điểm nguồn cung xăng dầu của Việt Nam để có những tính toán cho phù hợp.
Thứ hai là vấn đề liên quan đến thời gian giữa các kỳ điều hành giá. Ví dụ như thay vì để thời gian quá dài là 10 ngày mới điều hành thì nên rút ngắn dần. “Riêng về thời gian, theo tôi chọn thời điểm điều hành từ 0h như kỳ điều hành ngày 1/4 là chính xác, tránh việc thị trường biến động khi doanh nghiệp găm hàng trước thời điểm điều hành giá, gây bất ổn thị trường” – TS Vũ Đình Ánh cho biết.
Thứ ba là cần tăng cường công khai về sự biến động của giá xăng dầu thế giới cũng như cách tính giá trong nước… Để từ đó chỉ rõ cho người dân hiểu tại sao chỉ điều hành giảm 1.000 đồng chứ không phải 2.000 như tính toán của mọi người. Công khai điều đó để xã hội hiểu và không gây nên những bức xúc không đáng có.
Về phía doanh nghiệp, ông Ong Hàng Văn nêu ý kiến, trong giai đoạn giá xăng dầu vẫn còn nhiều tác động khó lường như hiện nay, để hỗ trợ doanh nghiệp, Nhà nước nên có chính sách hợp lý thông qua việc điều chỉnh các loại thuế phí như thuế bảo vệ môi trường, phí bảo trì đường bộ… Thời gian thực hiện chính sách bình ổn giá nên kéo dài hơn. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng nên có cơ chế vận hành phí linh hoạt, đặc biệt là phí vận hành đường bộ để các doanh nghiệp cân bằng giá cả sản xuất.
Đánh giá cao nỗ lực giảm giá xăng dầu 3 lần liên tiếp, song ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và quản lý chặt hơn mặt bằng giá tiêu dùng nói chung.
“Ví dụ như giá xăng dầu đã giảm liên tiếp 3 lần nhưng giá cước vận tải vẫn đang neo ở mức cao và không hề giảm. Khi giá xăng dầu lên, các doanh nghiệp mượn cớ đó tăng giá dịch vụ và các mặt tiêu dùng, nhưng khi giá xăng dầu giảm họ lại không điều chỉnh về mức giá cũ. Do đó, tôi mong rằng trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước đã quan tâm thỏa đáng đến giá xăng dầu thì cũng cần quan tâm đến giá cả các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ khác để người tiêu dùng được hưởng lợi. Làm được điều này, việc điều hành giá xăng dầu sẽ nhận được sự đồng thuận lớn hơn từ dư luận” – ông Hùng chia sẻ.
Từ 15h ngày 12/4, giá xăng E5RON92 không cao hơn 26.471 đồng/lít (giảm 838 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 847 đồng/lít;
Giá xăng RON95-III: không cao hơn 27.317 đồng/lít (giảm 836 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
Giá dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 24.380 đồng/lít (giảm 700 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
Giá dầu hỏa: không cao hơn 23.027 đồng/lít (giảm 737 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
Giá dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 20.929 đồng/kg (ổn định so với giá bán lẻ hiện hành).
Theo Công Thương