Tài khoản TikTok B.H. (25 tuổi, một người dùng từ Mỹ) chia sẻ câu chuyện cô bị sa thải khỏi một công ty công nghệ. Chưa đầy một ngày đăng tải, video này thu hút hơn 400.000 lượt xem và trở thành chủ đề xôn xao trong các hội nhóm của giới trẻ trên mạng xã hội.
Theo Layoffs.fyi – một trang web theo dõi tình trạng sa thải công nghệ trên toàn thế giới thống kê, chỉ trong vài tháng từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, có hơn 50.000 nhân sự buộc phải rời khỏi Alphabet, Amazon, Meta và Microsoft… Một số người đã chia sẻ câu chuyện thất nghiệp này trên nền tảng TikTok và trở thành xu hướng video thu hút nhiều lượt xem với tên gọi “Vlog khi bị sa thải”. Câu chuyện tưởng chừng chỉ dừng ở mức độ chia sẻ để những người không may mắn cảm thấy được an ủi phần nào. Nhưng khi một số tài khoản TikTok từ người trẻ trong nước bắt nhịp “Vlog khi bị sa thải”, nền tảng này trở thành nơi “kể tội” công ty cũ.
Tài khoản V.K.H. (gần 5.000 lượt theo dõi) chia sẻ video hơn 3 phút chỉ xoay quanh chuyện tật xấu của đồng nghiệp và sếp quản lý cũ… Video đầu tiên hơn 3.000 lượt xem, tài khoản này tiếp tục thêm các video sau, so sánh chỗ làm mới và cũ, mỉa mai đồng nghiệp cũ từ vô duyên đến miệt thị ngoại hình.
Trong các nhóm chia sẻ chuyện gen Z trên nền tảng mạng xã hội khác, nhiều tài khoản cũng kể đủ lý do rời công ty, từ tiền lương đến chuyện không hiểu nổi như đồng nghiệp hay mượn tiền, sếp bắt tăng ca, không thích đi du lịch cùng công ty, không thích hoạt động kết nối ngoài giờ ở công ty… Nguyễn Hoàng Thanh Hoàng (23 tuổi, quản lý nhóm “Gen Z đi làm”, hơn 20.000 tài khoản tham gia) chia sẻ: “Tôi hay đọc tâm sự trong nhóm chuyện gen Z đi làm. Có ngày nhóm có hơn 50 bài đăng, toàn kể tội đồng nghiệp, nói xấu sếp… Bài nào ở mức độ chấp nhận được tôi để đó, không thì tôi và bạn quản lý nhóm phải xóa. Có bữa đọc bài chia sẻ, nhiều tài khoản bình luận cãi qua cãi lại mãi không dừng, tôi phải khóa bài luôn”.
“Kể tội” công ty cũ trở thành bài toán đau đầu với không ít người làm công tác nhân sự. Chị Hà Tuyết Mai (35 tuổi, quản lý nhân sự, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Nhận đơn nghỉ việc của bạn nào tôi cũng dành thời gian tâm sự thật nhiều, để có thể giải quyết hết khúc mắc trong khi đi làm của bạn. Có bạn nghỉ việc xong thì lên mạng kể tội công ty, đồng nghiệp mà ghi rõ cả tên, địa chỉ. Điều này không chỉ ảnh hưởng cá nhân mà còn là bộ mặt tập thể, nên tôi thường tìm hiểu những điều chưa hợp ý ở cả hai bên và giải quyết trước khi hoàn tất thủ tục nghỉ việc cho bạn nào đó trong công ty”.
Thực ra, nghỉ việc cũng cần bản lĩnh để sòng phẳng với nhau, hơn là nói xấu nhau trên mạng xã hội như trò giấu mặt – một thực tế chúng ta đang gặp khá nhiều trên mạng xã hội.
Theo Sài Gòn Giải Phóng